Giảm thiểu trẻ sơ sinh tử vong

ANTĐ - Hàng triệu trẻ em sơ sinh có thể được cứu sống mỗi năm trên toàn thế giới chỉ cần những can thiệp y tế giá rẻ hoặc cho bú sữa mẹ ngay từ khi lọt lòng.

Giảm thiểu trẻ sơ sinh tử vong ảnh 1
Cho con bú ngay sau khi lọt lòng sẽ giúp trẻ sơ sinh có sức đề kháng 
tốt hơn với các bệnh nhiễm trùng


Trong thông điệp gửi tới Hội nghị về sức khoẻ trẻ sơ sinh toàn cầu lần đầu tiên diễn ra ở Johannesburg (Nam Phi) từ ngày 15 đến 18-4, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi các quốc gia và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực để giảm thiểu hơn nữa tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh. Theo người đứng đầu LHQ, việc giảm tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh sẽ giúp hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi khi mà toàn cầu chỉ còn gần 1.000 ngày nữa là tới thời điểm hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs).

Theo MDGs được Đại hội đồng LHQ thông qua tại khóa họp lần thứ 62 năm 2007, cả thế giới phấn đấu giảm 2/3 số trẻ dưới 5 tuổi tử vong vào năm 2015 so với năm 1990. Dù đã có rất nhiều cố gắng, song nhân loại có thể không hoàn thành mục tiêu quan trọng này bởi hiện vẫn còn khoảng 6,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi năm so với con số 12 triệu trẻ em tử vong năm 1990.

Nghiên cứu tập hợp các dữ liệu trong 20 năm ở 193 nước thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, nhờ đầu tư y tế chăm sóc bà mẹ và trẻ em trong thập kỷ qua, số trẻ sơ sinh (dưới 1 tháng tuổi) tử vong hàng năm đã giảm từ 4,6 triệu trường hợp năm 1990 xuống 3,3 triệu trẻ năm 2009. Tuy nhiên, số trẻ sơ sinh tử vong trong tổng số trẻ em tử vong dưới 5 tuổi lại tăng từ 39% năm 1990 lên 41% năm 2009 và xu hướng này vẫn tiếp tục tăng. 

Các số liệu mới nhất của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), WHO và Quỹ Dân số LHQ (UNPFA) cũng cho thấy, hiện có gần 3 triệu trẻ sơ sinh tử vong mỗi năm trên thế giới. Điều đáng nói là rất nhiều trong số trẻ sơ sinh tử vong có thể được cứu sống nếu sớm can thiệp bằng các biện pháp y tế rẻ tiền cũng như biết chăm sóc, nuôi dưỡng đúng cách.

Theo WHO, mặc dù tuần đầu tiên sau khi sinh là thời kỳ nguy hiểm nhất đối với trẻ sơ sinh nhưng ở nhiều nước trên thế giới, chương trình chăm sóc trẻ sơ sinh và bà mẹ lại chỉ bắt đầu sau thời điểm nguy hiểm này. Các số liệu cho thấy, gần 70% trong tổng số trẻ sơ sinh bị chết có thể tránh được nếu được can thiệp y tế kịp thời và 75% số trẻ sơ sinh bị chết trong 4 tuần tuổi đầu tiên là do 3 nguyên nhân chính: sinh non, bị ngạt thở trong lúc sinh và nhiễm trùng sau khi sinh.

WHO cũng cho biết, có tới 99% số trẻ sơ sinh bị chết là ở các nước đang phát triển, trong đó hơn 50% xảy ra ở 5 nước là Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Nigeria và CHDC Congo. Châu Phi là châu lục tiến bộ chậm nhất thế giới về giảm số tử vong ở trẻ sơ sinh, chiếm tới 12 trong 15 nước trên thế giới có tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao nhất là 39 trẻ trong 1.000 ca sinh. 

Vì thế, Tổng thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh rằng việc giảm mạnh tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong từ nay tới hết năm 2015 có vai trò quyết định với việc hoàn thành MDG về giảm tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi. Ông hy vọng Hội nghị về sức khỏe trẻ sơ sinh toàn cầu lần đầu tiên sẽ thông qua những sáng kiến về can thiệp sớm bằng biện pháp y học với những trường hợp sinh khó, cho con bú sữa mẹ ngay sau khi sinh... nhằm giảm thiểu nhanh tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh.