Giảm tần suất xe buýt giờ cao điểm ở Hà Nội để giảm ùn tắc chỉ là tình thế

ANTĐ - Một trong những giải pháp mà liên ngành CATP- GTVT kiến nghị thực hiện là giảm tần suất lưu thông xe buýt vào giờ cao điểm trên trục Nguyễn Trãi và Xuân Thủy- Cầu Giấy để giảm ùn tắc.

Trước tình trạng ùn tắc giao thông có diễn biến phức tạp, liên ngành CATP  Hà Nội và GTVT đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có cả giải pháp về hạ tầng và giải pháp tạm thời. Cũng bởi sự vào cuộc này mà tình hình giao thông trên địa bàn TP những ngày qua đã có bước thay đổi, đường sá thông thoáng hơn vào giờ cao điểm.

Theo đó, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc  Trung tâm điều độ giao thông đô thị Hà Nội cho biết, trên tuyến QL6 (Nguyễn Trãi – Trần Phú (Hà Đông)), hiện có 9 tuyến xe buýt hoạt động, Trung tâm đã giảm 30 xe/70 xe/giờ cao điểm/ 1 hướng (tương đương 43% số lượng xe lưu thông trong giờ cao điểm). Còn trên tuyến QL 32 (Hồ Tùng Mậu – Xuân Thủy – Cầu Giấy), hiện có 12 tuyến hoạt động, Trung tâm đã điều chỉnh giảm 30 xe/60 xe/giờ cao điểm/ 1 hướng (tương đương 50% số lượng xe lưu thông trong giờ cao điểm).

Điều tiết tần suất xe buýt hoạt động giờ cao điểm trên 2 trục Nguyễn Trãi và Cầu Giấy chỉ là giải pháp tình thế, góp phần giảm ùn tắc

Tuy nhiên, theo nhận định, tình hình giao thông trên địa bàn Hà Nội những tháng cuối năm sẽ chịu áp lực rất lớn, do đó Sở GTVT Hà Nội tiếp tục đề nghị Trung tâm điều độ giao thông đô thị Hà Nội xem xét, điều chỉnh tần suất xe buýt hoạt động trên trục đường đang thi công 2 dự án lớn, kéo dài là Cát Linh- Hà Đông và Nhổn- Ga Hà Nội vào giờ cao điểm.

Liên quan đến giải pháp này, không ít người cho rằng, Sở GTVT Hà Nội làm ngược. Bởi, bấy lâu nay, Hà Nội cũng như các đô thị khác đang đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông.

Trao đổi rõ hơn về giải pháp này, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thông tin, chưa bao giờ Hà Nội lại quyết liệt phát triển giao thông công cộng như những năm gần đây, bằng nhiều giải pháp, như huy động nguồn vốn, sử dụng vốn vay để làm đường sắt đô thị, buýt nhanh BRT... nhằm giảm ùn tắc giao thông.

“Đây là những giải pháp căn cơ, về lâu dài tiến tới giảm tình trạng ùn tắc giao thông do sự gia tăng của phương tiện cá nhân”, ông Quang cho biết. Tuy nhiên, trong bối cảnh Hà Nội đang thi công 2 dự án đường sắt đô thị (giao thông công cộng) lớn là tuyến Cát Linh- Hà Đông và Nhổn- Ga Hà Nội trên hai trục đường xuyên tâm là QL6 và QL32, lưu lượng phương tiện đông nên đã dẫn đến ùn tắc xảy ra.

Thời gian qua, liên ngành CATP và GTVGT đã phải triển khai nhiều giải pháp, gồm cả những giải pháp tình thế nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc. Trong đó, ông Quang khẳng định, việc điều chỉnh tần suất xe buýt hoạt động vào giờ cao điểm, trên từng đoạn cụ thể thuộc QL6 và Q32 chỉ là giải pháp tình thế, mang tính thời điểm. 

Sau các giải pháp đồng bộ từ liên ngành CATP- GTVT, tình hình ùn tắc giao thông ở Hà Nội đã có sự thay đổi rõ nét

“Điều chỉnh tần suất tức là giãn tuần suất hoạt động giờ cao điểm, trước kia là 5 phút/chuyến, nay có thể điều chỉnh lên 10-15 phút/chuyến, hoặc tại những đoạn đường quá hẹp, xe buýt không thể dừng đón/trả khách thì sẽ được phân luồng đi vòng theo hướng khác.  Điều chỉnh tần suất nhưng không giảm sản lượng xe buýt năm 2015”, ông Quang cho hay.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội lấy dẫn chứng, một số đoạn đường trên trục Xuân Thủy- Cầu Giấy, lòng đường mỗi bên chỉ còn từ 3,5-4,5m, một chiếc xe buýt lưu thông vừa đủ, nếu dừng đỗ đón/ trả khách tại các điểm nhà chờ sẽ gây tắc cục bộ.

Trả lời câu hỏi, phương tiện ô tô cá nhân hiện chiếm dụng lòng đường rất lớn, nhưng năng lực vận chuyển chiếm tỷ lệ nhỏ, nên cấm loại phương tiện này mà không nên giảm tần suất xe buýt giờ cao điểm, ông Quang cho rằng, ô tô là phương tiện cá nhân, nếu cấm không cho lưu thông trên trục đường này, người dân sẽ tìm cách lưu thông sang trục đường khác.

Trong khi đó, các trục đường song song với QL6 và QL32 như Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, đều trong tình trạng ùn ứ nhẹ, nếu thêm ô tô cá nhân di chuyển tránh sang thì chắc chắn sẽ ùn tắc.

“Dù biết giảm tần suất xe buýt hoạt động giờ cao điểm cũng không thể chấm dứt được tình trạng ùn tắc trên tuyến QL6 và QL32, gây thêm khó khăn cho người sử dụng, nhưng Sở GTVT với vai trò quản lý Nhà nước, giải pháp nào có thể mở ra một chút hiệu quả giảm ùn tắc, chúng tôi cũng sẽ thực hiện. Khi nào 2 dự án đường sắt đô thị hoàn thiện, tháo dỡ rào chắn, tần suất xe buýt sẽ được điều tiết trở lại”, ông Quang khẳng định.