Giám sát sau “bấm nút”

ANTĐ - Kết thúc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, gần 10 luật mới, sửa đổi đã được các đại biểu bấm nút thông qua nhưng không ít đại biểu bày tỏ tâm trạng băn khoăn và cả âu lo về việc thực thi luật của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như những nội dung chưa phản ánh được đầy đủ trong những bộ luật mới. Đặc biệt là những nảy sinh từ thực tiễn khi luật có hiệu lực thi hành.

Luật Quản lý thuế đã được sửa đổi, bổ sung nhằm mục đích thu đúng, thu đủ, thu kịp thời thuế cho ngân sách nhà nước. Quan trọng hơn, luật phải có những quy định tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Dù vậy không ít đại biểu vẫn ưu tư nhận xét Luật này như “chiếc áo” quá chật. Chẳng hạn quy định biện pháp cưỡng chế bằng kê biên tài sản. Luật hiện hành quy định không áp dụng kê biên tài sản trong trường hợp người nộp thuế đang chữa bệnh. Đúng là quy định này trên thực tế có thể bị lợi dụng để trốn nộp thuế. Quy định này được sửa là không áp dụng kê biên tài sản trong trường hợp người nộp thuế đang chữa bệnh hiểm nghèo, cấp cứu có tính chất bất khả kháng. Một đại biểu đặt câu hỏi: “Thế nào là bất khả kháng?”. Theo ông, sửa như thế là quá chặt, có phần phản cảm, không thể hiện được tính nhân đạo. Trong khi đó, Luật Thi hành án dân sự và án hình sự quy định người thi hành án bị bệnh nặng đã có thể hoãn thi hành án. Bên cạnh đó, có những vấn đề cần sửa đổi cho chặt chẽ hơn thì lại không sửa.

Ví dụ, Luật Quản lý thuế ban hành năm 2006, đến năm 2008 Quốc hội thông qua Luật Thi hành án dân sự, trong đó có những quy định rất chặt chẽ, cụ thể với các biện pháp liên quan đến kê biên tài sản, khấu trừ thu nhập. Vậy mà đến nay khi sửa đổi Luật Quản lý thuế những quy định này không được cập nhật. Trong tương lai sẽ có nhiều sắc thuế được ban hành theo đà phát triển kinh tế - xã hội. Việc Luật Quản lý thuế can thiệp quá sâu vào các lĩnh vực chuyên ngành sẽ làm mất đi tính tổng quát, tính ổn định của một bộ luật vì thường xuyên bị thay đổi, sửa đổi, bổ sung bởi các luật thuế chuyên ngành. Luật Điện lực mặc dù đã được đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí cao, song một số đại biểu đã thẳng thắn chỉ rõ, trong khi dư luận xã hội hết sức bức xúc về tình hình phát triển thủy điện tràn lan ở miền Trung, đặc biệt là hàng loạt vụ động đất gây chấn động cả nước tại Thủy điện Sông Tranh 2, thì Luật này không dành một chương, mục nào riêng cho thủy điện. Một đại biểu tỉnh Quảng Nam, nơi người dân đang ngày đêm sống trong lo sợ, bất an, lên tiếng kiến nghị cần đưa một nội dung về an toàn đập khi xây dựng các công trình thủy điện trong Luật Điện lực. Ngành điện lực là cơ quan chủ đầu tư xây dựng các công trình thủy điện thì phải gắn với trách nhiệm về an toàn đập. Tuy nhiên, theo giải trình của Bộ Công Thương, vấn đề an toàn hồ chứa của các nhà máy thủy điện đã được quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong Luật Tài nguyên nước.

Sau mỗi kỳ họp Quốc hội, hàng chục bộ luật được thông qua và sẽ được áp dụng vào thực tế. Là cơ quan lập pháp, song Quốc hội còn một chức năng cực kỳ quan trọng là giám sát các cơ quan hành pháp trong việc thực thi luật pháp. Trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội là vô cùng nặng nề.