Giám sát khai thác tài nguyên khoáng sản: Khó chấp nhận yếu kém

ANTĐ - Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản khá đa dạng và phong phú, tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, việc quản trị nguồn tài nguyên thời gian qua còn nhiều yếu kém. Khai thác và xuất khẩu thô tài nguyên vẫn là tình trạng phổ biến, hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp, tỷ lệ thất thoát cao để lại nhiều hậu quả đối với môi trường và xã hội. 

Quá trình quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản còn thiếu minh bạch

Phải quy rõ trách nhiệm

TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản khá đa dạng và phong phú với khoảng 60 loại khoáng sản ở hơn 5.000 mỏ, điểm quặng. Từ năm 2000 cho đến nay, ngành khai khoáng đóng góp 11% tổng GDP Quốc gia và gần 25% thu ngân sách hàng năm của Nhà nước. Ngành khai khoáng cũng đã tạo được nhiều công ăn việc làm với hơn 430.000 lao động hiện đang làm việc, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp khác.

“Tuy nhiên, việc quản trị tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam trong thời gian qua còn yếu kém. Một trong những nguyên nhân là do sự thiếu minh bạch trong quá trình quản lý, cấp phép, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Đồng tình với nhận định này, chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh thẳng thắn: “Hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản diễn ra rộng khắp nhưng tác động về mặt môi trường lại chưa được đánh giá đầy đủ. Ngoài ra còn vấn đề lợi ích nhóm trong khai thác khoáng sản. Điều này có thể thấy qua việc Bộ Tài nguyên – Môi trường cấp phép ít nhưng các địa phương cấp phép ồ ạt. Một mỏ khai thác nếu nhìn toàn cục là mỏ lớn, phải xin phép Bộ, nhưng địa phương đã khéo chia ra, chỗ này một ít, chỗ kia một ít”. 

“Nguyên nhân xuất phát từ năng lực giám sát yếu kém. Cần phải quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương. Cấp nào giám sát, cấp nào chịu trách nhiệm phải có quy định nếu không thì việc giám sát, công khai minh bạch sẽ rất khó khăn”- ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Mổ xẻ đến cùng

Ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản (Bộ Tài nguyên - Môi trường) cho biết, trong công tác tổ chức thực hiện, hiện nay cấp trung ương đã có 14 quy hoạch cho 40 loại khoáng sản khác nhau; ở cấp địa phương phần lớn cũng đã có quy hoạch được phê duyệt. Tuy nhiên, hầu hết các quy hoạch chỉ nêu tên mỏ, khu vực mỏ hoặc địa danh có mỏ đưa vào quy hoạch mà không có tọa độ, diện tích cụ thể, gây khó khăn khi xem xét, cấp phép. Phần lớn khoáng sản có tính đa công dụng, nhưng cùng một mỏ khoáng sản có khi lại bị điều chỉnh bởi 2 quy hoạch do 2 bộ chủ trì lập, phê duyệt ở những thời điểm khác nhau...

“Trong khi đó, việc thực hiện báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản của tổ chức, cá nhân chưa được thực hiện nghiêm túc; chỉ có khoảng 30- 40% tổ chức đang khai thác thực hiện. Điều này dẫn đến việc Nhà nước không kiểm soát được sản lượng khai thác thực tế của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản”, ông Lại Hồng Thanh phân tích.

Bàn về thực trạng khai thác tài nguyên khoáng sản tại Việt Nam, ông Mai Xuân Hùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội chỉ ra rằng: “Ở đâu có khai thác khoảng sản thì ở vùng đó lại rất nghèo. Ở đâu có khoáng sản thì ở đó môi trường bị hủy hoại. Ở đâu có khoáng sản thì ở đó cơ sở hạ tầng ngày một đi xuống. Quy hoạch tài nguyên môi trường hiện nay chưa đạt mục tiêu. Con số dự báo đưa ra nhiều nhưng con số chính thức thì ít. Quy hoạch khoáng sản chưa đánh giá được chiến lược và vấn đề quản trị chiến lược còn yếu”. 

PGS.TS Lê Văn Cương nhận định: “Quản trị tài nguyên của Việt Nam còn nhiều vướng mắc, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, các văn bản kèm theo chưa đầy đủ. Dù muốn hay không chúng ta cũng phải mổ xẻ đến cùng. Phải đẩy vấn đề đến cùng là tại sao như thế. Tôi rất sợ 4 chữ các cấp, các ngành. Tài nguyên khoáng sản gắn với cái gốc này, phải rõ ràng, phân định cụ thể ra trách nhiệm của từng bộ”.

 “Theo báo cáo thì chỉ có    30 – 40% doanh nghiệp khoáng sản báo cáo việc khai thác, sử dụng tài nguyên, còn lại 70% ở đâu? Việc quản trị tài nguyên khoáng sản của chúng ta sao lại yếu kém đến thế? Ai là người chịu trách nhiệm? Phải bàn cụ thể, phải bàn đến cùng”, PGS.TS Lê Văn Cương nhấn mạnh.

Bà Trần Thanh Thủy – Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho rằng, nguyên tắc chính trong quản trị tốt tài nguyên khoáng sản ở cấp địa phương phải đảm bảo thực hiện các đánh giá một cách liên tục và đầy đủ nhằm điều chỉnh các chiến lược chính sách cho phù hợp. Quản lý và phân bổ nguồn thu hợp lý cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Có chính sách quản lý và sử dụng nguồn thu phù hợp thì sẽ làm tăng hiệu quả đóng góp xã hội của khai khoáng.