Giám sát chặt tập đoàn, tổng công ty Nhà nước

ANTĐ - Dự thảo nghị định về tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước thay thế Nghị định số 101/2009/NĐ-CP đang được Bộ KH-ĐT lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Trong đó, nội dung được chú ý nhất là việc giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sao cho chặt chẽ, hiệu quả.

Sự đổ vỡ, thua lỗ của các tập đoàn Nhà nước một phần do thiếu giám sát

(Trong ảnh: Ụ nổi Venture Dock 2 của Vinashin bị bỏ mặc, gỉ sét trên vịnh Cam Ranh)

Kỳ vọng vào Ban kiểm soát

Dự thảo nghị định mới ghi rõ, Nhà nước hạn chế thành lập mới tập đoàn kinh tế, tổng công ty và chỉ xem xét thành lập khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện. Trong đó, đối tượng được lựa chọn làm nòng cốt hình thành tập đoàn kinh tế là các tổng công ty đáp ứng đầy đủ các điều kiện về hiệu quả kinh doanh lãi 3 năm liên tiếp, tình trạng tài chính lành mạnh, nguồn nhân lực, trang thiết bị công nghệ tiên tiến, quản lý hiệu quả cổ phần, vốn góp tại các doanh nghiệp khác… Đặc biệt, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước bắt buộc phải có ban kiểm soát. Ban kiểm soát được yêu cầu trung thành với lợi ích của công ty mẹ và chủ sở hữu Nhà nước, dự kiến gồm 3 kiểm soát viên với nhiệm kỳ không quá 3 năm. Ban kiểm soát khi phát hiện sai sót hoặc hành vi vi phạm của hội đồng thành viên phải thông báo ngay bằng văn bản với hội đồng thành viên; yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt và có giải pháp khắc phục hậu quả. 

Theo Tiến sĩ Vũ Tuấn Anh- Viện Kinh tế Việt Nam, càng tăng cường giám sát tập đoàn, tổng công ty càng tốt. Về nguyên lý và chức năng, Chính phủ cần tăng cường kiểm soát những tập đoàn, tổng công ty trực thuộc. Tuy nhiên, để công tác giám sát được thực hiện công khai, hiệu quả thì lựa chọn giao nhiệm vụ kiểm soát cho ai cần phải cân nhắc.

Cũng theo Nghị định này, các bộ quản lý ngành sẽ giám sát các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc bộ. UBND tỉnh sẽ giám sát tập đoàn, tổng công ty thuộc ngành, các bộ ngành cũng giám sát công ty mẹ đã cổ phần hóa. Như vậy, quyền hạn của Thủ tướng sẽ bị hạn chế bớt.

Theo các chuyên gia kinh tế, giám sát tập đoàn, tổng công ty là Nhà nước là việc nên làm ngay. Trên thực tế, sự đổ vỡ của Vinashin năm 2009 đã khẳng định phần nào cách thức quản lý tập đoàn hiện nay vẫn còn nhiều kẽ hở. Năm 2012, 10 tập đoàn, tổng công ty lỗ lũy kế 17.730 tỷ đồng đã một lần nữa khẳng định, cần kiểm soát chặt các tập đoàn.

Minh bạch thông tin 

Điều khiến nhiều người quan tâm là quản lý hiệu quả đồng vốn tập đoàn, tổng công ty hiện nay thường dựa vào báo cáo tài chính do các tập đoàn đưa ra mà thiếu kiểm tra, đánh giá. Và như vậy khó  xác định được số nào sai, số nào đúng. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, phải chú trọng công khai minh bạch trong việc công bố thông tin về hoạt động của tập đoàn, tổng công ty. Hiện nay, thông tin về các tập đoàn hiện còn chậm và thiếu sót do cách thức quản lý thiếu công khai, còn kẽ hở để tình trạng tham nhũng xảy ra. 

Cách thức kiểm tra báo cáo của các tập đoàn như, ban giám sát thuê công ty A kiểm toán độc lập để kiểm toán tình hình tài chính của tập đoàn; đồng thời thuê thêm công ty B  để phản biện lại kết quả công ty A công bố. Bên cạnh đó, thực hiện quản trị doanh nghiệp theo cách hiện đại, dần tiến lên những chuẩn mực quốc tế, xác định rõ quy chế quản lý nội bộ và vai trò kiểm soát của hội đồng quản trị. Ngoài ra, có thể thực hành cơ chế thuê tổng giám đốc có tầm nhìn chiến lược.

Theo Tiến sĩ Đặng Văn Thanh - chuyên gia kinh tế, tài chính cao cấp của Quốc hội thì việc kiểm soát tập đoàn phải bắt đầu từ tài chính. Đây cũng là đầu mối để việc xử lý nợ, đánh giá nợ nhanh chóng, hoàn chỉnh.