Nộp phạt trực tiếp cho CSGT:

Giảm phiền hà cho người vi phạm

ANTĐ - “Nộp phạt trực tiếp cho CSGT đang làm nhiệm vụ là một trong những biện pháp cải tiến thể thức xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông, tránh việc đi lại phiền hà cho người dân, hạn chế tiêu cực” -  đây là khẳng định của ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo ANTĐ.
Giảm phiền hà cho người vi phạm ảnh 1
Nộp phạt trực tiếp cho CSGT sẽ giúp người dân không phải đi lại nhiều lần. Ảnh: Phú Khánh

- PV: Trong dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 171/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt vừa được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến có quy định cho phép cá nhân, tổ chức vi phạm giao thông được nộp phạt trực tiếp và nhận biên lai, ông đánh giá như thế nào về quy định này?

- Ông Nguyễn Hoàng Hiệp:  Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương dự thảo của Bộ Công an về việc cho phép cá nhân, tổ chức vi phạm giao thông được nộp phạt trực tiếp và nhận biên lai. Lý do là bởi, đối với những lỗi vi phạm nhỏ, việc nộp phạt trực tiếp sẽ giúp người vi phạm hạn chế được những điều phiền phức khi nộp phạt tại Kho bạc nhà nước. Bên cạnh đó, hình thức này còn giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp lực lượng CSGT tiết kiệm được thời gian trong quá trình xử lý vi phạm để tập trung vào những công việc khác.

- Trong thời gian qua, Ủy ban ATGT Quốc gia có nhận được phản ánh của người dân về chuyện phải mất quá nhiều thời gian cho việc đi nộp tiền phạt không, thưa ông?

- Thời gian qua, đường dây nóng của Ủy ban đã nhận được rất nhiều phản ánh của người dân về tình trạng nộp phạt như hiện nay gây ra nhiều phiền hà. Vì người vi phạm không được nộp phạt tại chỗ nên CSGT chỉ được lập biên bản, tạm giữ giấy tờ và chờ họ nộp tại kho bạc rồi mới giải quyết các thủ tục liên quan. Sau khi nộp phạt 5-7 ngày, người vi phạm mới tới trụ sở đội CSGT hoặc cơ quan ra quyết định xử phạt để lấy lịch hẹn trả giấy tờ, nhiều khi tới nhưng không gặp người trực tiếp xử lý vi phạm vì họ còn phải đảm nhiệm nhiều công việc khác. Điều này tác động không nhỏ tới tâm lý của người điều khiển phương tiện, thậm chí khi bị CSGT yêu cầu dừng xe, người vi phạm thường có hành vi chống đối người thi hành công vụ, bỏ chạy,... 

- Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng quy định như vậy có thể tạo kẽ hở phát sinh tiêu cực?

- Thực ra việc có tiêu cực hay không còn phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm của lực lượng thi hành công vụ chứ không phải vì có quy định này sẽ phát sinh tiêu cực. Thậm chí, ở góc độ nào đó tôi cho rằng nó còn giảm tiêu cực. Nếu như người vi phạm giao thông nghiêm chỉnh chấp hành nộp phạt thì sẽ không bao giờ có tình trạng tiêu cực xảy ra.

Tuy nhiên, Bộ Công an cũng nên có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho quy định này để không ảnh hưởng đến hình ảnh người CSGT; đồng thời, có cơ chế kiểm soát, giám sát hoạt động của lực lượng thực thi công vụ. Cụ thể, mỗi tổ công tác nên cử từ 3-4 người, mỗi người một công việc, người chuyên làm biên lai xử phạt, người chuyên điều tiết giao thông, tránh hiện tượng một người phải làm quá nhiều việc.

- Vậy việc nộp phạt tại chỗ sẽ không áp dụng với tất cả các lỗi vi phạm?

- Đối với những lỗi vi phạm trong thẩm quyền CSGT được phép lập, thường là những lỗi vi phạm có mức phạt không cao. Mỗi lực lượng, cán bộ thực thi công vụ chỉ có thẩm quyền xử phạt đối với những lỗi vi phạm và số tiền nhất định. Nếu lỗi vi phạm có số tiền phạt lớn hơn thẩm quyền cho phép thì CSGT chỉ được lập biên bản và yêu cầu cấp trên xử lý. 

Nếu người vi phạm không đủ tiền để nộp phạt trực tiếp cho lỗi đã vi phạm thì lực lượng chức năng sẽ lập biên bản và tạm giữ giấy phép lái xe, đồng thời yêu cầu người vi phạm tới Kho bạc nhà nước để nộp phạt. Trường hợp, người vi phạm đủ tiền thì có thể nộp phạt trực tiếp, hoặc nếu không muốn nộp cho CSGT thì họ có thể mang tiền đến kho bạc nộp như bình thường. Sẽ có nhiều hình thức nộp phạt chứ không chỉ nộp phạt trực tiếp và không phải hành vi vi phạm nào cũng được nộp phạt trực tiếp.

- PV: Xin cảm ơn ông!

Khoản 2, điều 4 Dự thảo Thông tư Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định:  “Tổ chức, cá nhân bị xử phạt có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt”.