Giảm nhiệt điện than, khó chọn nguồn thay thế

ANTĐ - Thừa nhận nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người nhưng thay thế nguồn điện này tại Việt Nam không dễ. Đó là quan điểm của các chuyên gia năng lượng tại hội thảo phân tích Quy hoạch điện VII và một số khuyến nghị, diễn ra sáng 3-12. 

Giảm nhiệt điện than, khó chọn nguồn thay thế ảnh 1\Khó tìm nguồn điện thay thế nhiệt điện than 

Giảm tỷ trọng nhiệt điện than?

Theo phương án cơ sở của Quy hoạch điện VII được phê duyệt  năm 2011, tới năm 2020, tổng công suất của hệ thống điện dự kiến là 67.000 MW. Trong đó, nhiệt điện than là 30.700 MW (46%), thủy điện 17.700 MW (26,4%), nhiệt điện khí dầu 12.500 MW (18,7%), năng lượng tái tạo 3.000 MW (4,7%) và các loại khác là 4,3%. Về điện lượng năm 2020, tổng điện lượng là 329 tỷ KWh, trong đó, nhiệt điện than là 178 tỷ KWh (54,1%), nhiệt điện khí dầu 67,1 tỷ KWh (20,4%), thủy điện 62,6 tỷ KWh (19%), năng lượng tái tạo 8,9 tỷ KWh (2,7%) và từ các nguồn khác 4,3%. 

Đại diện Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) và các thành viên Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cho rằng: “Với cơ cấu nguồn như trên, Việt Nam kỳ vọng sẽ dựa vào nguồn nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển. Tuy nhiên, sự lựa chọn này cùng với những tồn tại trong phát triển thủy điện trước đây đồng nghĩa với việc phải chấp nhận gia tăng ô nhiễm môi trường sống” - đại diện GreenID phân tích. Vì vậy, GreenID cho rằng, cần giảm tỷ trọng nhiệt điện than, thay vào đó là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Theo ông Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Nhiệt học Việt Nam, tại nhiều nước phát triển trên thế giới (như Mỹ, Đức, Australia), nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện. Ô nhiễm từ nguồn điện này là có, nhưng nếu tăng nguồn điện từ nguồn khác, giá thành lớn thì phải tính toán kỹ. Ông Trương Duy Nghĩa nói: “Nếu nồng độ chất độc hại trong không khí nằm trong giới hạn cho phép thì phát triển nhiệt điện than vẫn được”.

PGS. TS Nguyễn Minh Duệ - Hội Kinh tế Việt Nam đánh giá, nhiệt điện than đã đóng góp rất lớn cho phát triển. Dù vậy, đến năm 2030, tỷ lệ nhiệt điện than vẫn chiếm 60,3% là cao. “Vấn đề là làm thế nào để giảm phát thải nhà kính và các ô nhiễm khác. Mặt khác, giá than nhập khẩu ngày càng tăng trong khi than trong nước không đủ cung cấp. Nếu dùng than nhập, giá thành 1kWh từ nhiệt điện than có thể lên tới 8-9 cent là quá cao. Việc hạn chế nhiệt điện than, tăng năng lượng tái tạo và các nguồn khác cần được tính toán hợp lý” - PGS. TS Nguyễn Minh Duệ cho hay.

Lo thiếu vốn đầu tư

Theo TS Nguyễn Mạnh Hiến - nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng, Quy hoạch điện VII sau quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều hạn chế nên đang được hiệu chỉnh và sẽ trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới. Nếu giảm nhiệt điện than, vốn đầu tư cho ngành điện sẽ càng khó khăn.

Ông Nguyễn Mạnh Hiến tính toán: “Thủy điện lớn ta đã khai thác hết, thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo đến năm 2030 chiếm tỷ lệ 5% (trong tổng số 500 tỷ kWh điện), tương đương khoảng 30 tỷ kWh là rất lớn. Tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo rất khó. Chẳng hạn, một cột gió cung cấp 2,2-2,5MW điện, để có 600 MW cần 300 cột gió. Việc đặt 300 cột này rất khó khăn và vẫn ảnh hưởng đến môi trường”. Trong khi đó, việc tìm nguồn vốn đầu tư từ 5-6 tỷ USD/năm đối với ngành điện hiện nay đã là thách thức. 

Đồng quan điểm này, PGS. TS Nguyễn Minh Duệ phân tích, Quy hoạch điện VII xây dựng các phương án tăng trưởng nhu cầu điện và cơ cấu nguồn để đáp ứng chủ yếu dựa trên kế hoạch tăng trưởng GDP đến năm 2030 là 7,5-7,8%. Tuy nhiên, những năm qua, tăng trưởng GDP của Việt Nam thấp hơn mức này nên những con số trong Quy hoạch điện VII thành ra không sát thực tế.

“10 năm qua, dự báo tăng trưởng điện trung bình 14%/năm nhưng thực tế con số này chỉ gần 10%/năm. Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh phải tính toán lại cho sát. Nếu dự báo không tốt sẽ làm tăng nguồn vốn đầu tư” - chuyên gia này khuyến nghị.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Duệ, trong quá trình thực hiện quy hoạch sắp tới, nên gia tăng sự tham gia đầu tư vào lĩnh vực này từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và khu vực tư nhân để tăng hiệu quả và giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.