Giảm nghèo, giảm chênh lệch

ANTĐ - Năm 2013, GDP bình quân đầu người của nước ta là 1.960 USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2010, cơ bản là do lạm phát được kiềm chế và tỷ giá ổn định. Năm 2010, GDP đầu người vượt ngưỡng 1.000 USD và Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Trong khi đó, giai đoạn này GDP có mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Nếu tỷ giá không đổi, GDP đầu người quy ra USD còn cao hơn.

Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia nhận xét, trong quá trình thu thập thông tin để biên soạn số liệu GDP và làm việc với các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế… cho thấy, thời gian trước, GDP chưa phản ánh hết quy mô giá trị tăng thêm của hoạt động ngân hàng và dịch vụ nhà ở tự có của dân cư. Chẳng hạn, trong các niên giám thống kê trước đây, giá trị tăng thêm của hoạt động ngân hàng rất thấp, chỉ có 35.000-40.000 tỷ đồng, bằng lợi nhuận của các ngân hàng thương mại cộng lại, chưa tính thu nhập của người lao động từ sản xuất, thuế sản xuất… Thực tế, một ngân hàng có thể đạt lợi nhuận vài nghìn tỷ đồng mà chưa được tính hết cho nên phải điều chỉnh lên. Mặt khác, dịch vụ nhà ở tự có của dân cư cũng được điều chỉnh tăng lên chiếm khoảng 4% GDP.

Tại hội nghị Chính phủ đối thoại với các đối tác phát triển vừa qua đã công bố tỷ lệ nghèo năm 2013 chỉ còn hơn 7%, còn tổ chức quốc tế lại cho rằng, tỷ lệ này là 21%, tương đương 19 triệu người. Vì sao có sự khác nhau lớn như vậy? Đây là do phương pháp tính khác nhau, chuẩn nghèo của quốc tế cao hơn của Việt Nam.

Chuẩn nghèo căn cứ vào lượng calo và vật dụng phi lương thực thực phẩm tối thiểu. Chính phủ quy định chuẩn nghèo là 400.000 đồng/người/tháng ở nông thôn và 500.000 đồng/người/tháng ở thành thị. Như vậy chuẩn nghèo không thay đổi  dù GDP có lên hay xuống. Còn tỷ lệ nghèo là do điều tra thực tế xem thu nhập của dân cư là bao nhiêu, rồi căn cứ chuẩn nghèo của Chính phủ quy định để tính ra. Lâu nay, khi nói đến GDP bình quân đầu người, lập tức người ta so sánh với thu nhập của dân cư. Dưới góc độ thu nhập, GDP bao gồm nhân tố cơ bản là thu nhập của người lao động, thặng dư sản xuất.

Thu nhập của người lao động được hiểu là thu nhập bằng tiền và hiện vật của lao động từ quá trình sản xuất. Hiện nay hàng năm Tổng cục Thống kê không công bố chỉ tiêu này, nhưng dựa vào bảng cân đối liên ngành có thể ước tính thu nhập từ lao động chiếm khoảng 49% GDP. Như vậy, nếu GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2013 là 1.960 USD thì thu nhập từ sản xuất khoảng 960 USD và tổng thu nhập bình quân đầu người khoảng 2,2 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này thực sự rất khó khăn cho người dân, nhất là khu vực nông dân chiếm 68% dân số, vì thu nhập của họ còn thấp hơn mức bình quân cả nước.

GDP và thu nhập của dân cư đều là số liệu thực tế. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao Việt Nam đã đạt được những thành tựu giảm nghèo ấn tượng, thu nhập bình quân đầu người đạt nhóm nước trung bình. Song, cần ưu tiên đổi mới việc đo lường, xác định đối tượng và cách thức hỗ trợ giảm nghèo và giảm chênh lệch.