Giảm mạnh xuất khẩu rau quả tươi sang Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Việc tăng cường xuất khẩu rau quả đã chế biến không chỉ làm gia tăng giá trị của nông sản Việt Nam, mà còn tránh cảnh rau, quả tươi bị ép giá, đổ bỏ, lãng phí.
Giảm xuất khẩu rau quả tươi để tăng giá trị nông sản

Giảm xuất khẩu rau quả tươi để tăng giá trị nông sản

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 9-2021, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đã qua chế biến đạt 65,42 triệu USD, tăng 13,7% so với tháng 9-2020. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đã qua chế biến đạt 653,5 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020.

Các thị trường xuất khẩu chính mặt hàng rau quả chế biến của Việt Nam gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Australia…

Đáng chú ý, xuất khẩu rau quả đã chế biến sang thị trường Trung Quốc- thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam, cũng tăng mạnh. Trong giai đoạn 2016 – 2020, tăng trưởng xuất khẩu hàng rau quả chế biến của Việt Nam sang Trung Quốc ở mức cao, ngoại trừ năm 2020 chỉ tăng 4,4% so với năm 2019.

9 tháng đầu năm 2021, tốc độ xuất khẩu hàng rau quả chế biến của Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng 24,8% so với 9 tháng đầu năm 2020. Trong bối cảnh xuất khẩu hàng rau quả tươi sang Trung Quốc gặp khó khăn, con số trên cho thấy ngành rau quả của Việt Nam chuyển dịch thành công sang sản phẩm rau quả chế biến sang Trung Quốc.

Thị phần chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 18,31% trong 8 tháng đầu năm 2021, cao hơn so với thị phần 12,64% trong 8 tháng đầu năm 2020.

Ngoài thị trường Trung Quốc, tốc độ xuất khẩu mặt hàng này sang một số thị trường chính như: Mỹ, Nhật Bản, Nga, Australia, Ấn Độ tăng trưởng ở mức 2 con số. Nhìn chung, ngành rau quả Việt Nam đã khá thành công khi tăng xuất khẩu sang các thị trường có dung lượng nhập khẩu lớn và yêu cầu khắt khe về chất lượng, sự đa dạng của sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm sấy khô, nước ép đóng hộp...

Hiện trên cả nước có trên 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây, rau củ, tăng mạnh so với trước đó và khoảng 156 nhà máy chế biến có dây chuyền, công nghệ hiện đại. Tuy vậy, ngành chế biến chỉ mới đáp ứng sơ chế 8 - 10% sản lượng rau quả sản xuất ra hàng năm, còn lại là chưa qua chế biến. Ngoài ra, việc tiêu thụ vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu, tổn thất sau thu hoạch còn quá cao khoảng trên 20%.

Theo các chuyên gia, khi phát triển theo hướng chế biến, rau quả Việt Nam có thể kiểm soát được giá thành, nâng giá trị hàng hoá gấp 3 - 4 lần so với giá quả tươi. Việc đưa trái cây, rau củ vào chế biến sâu sẽ tăng thời gian bảo quản, giúp thoát được tình trạng dư cung.

Dự báo trong những tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022, rau quả chế biến vẫn sẽ là chủng loại sản phẩm có tiềm năng tăng trưởng bởi sự tiện lợi và thời gian bảo quản lâu.