Giảm lương hưu lao động nữ: Vẫn thực hiện theo Luật!

ANTD.VN - Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, sẽ có khoảng 2.000 lao động nữ nghỉ hưu bị ảnh hưởng nặng nhất bởi cách tính mới. Cụ thể, lao động nữ về hưu có tỉ lệ hưởng lương hưu thấp hơn từ 8-10% so với người cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu 31-12-2017 về trước.

Từ ngày 1-1-2018, quy định mới của Luật BHXH về cách tính lương hưu sẽ có hiệu lực, để được hưởng lương hưu bằng 75% mức lương đóng BHXH, lao động nữ phải có 30 năm đóng thay vì 25 năm. Hơn nữa, cách tính lương hưu mới sẽ tác động đến khoảng 21.000 lao động nữ. Trong đó, có 2.000 người bị tác động 8-10%, còn lại chịu tác động 2-4%.

Giảm lương hưu lao động nữ: Vẫn thực hiện theo Luật! ảnh 1Lao động nữ phải đóng BHXH 30 năm để hưởng lương hưu tối đa

Lao động nữ hoang mang

Theo quy định về cách tính lương hưu mới, từ năm 2018, lao động nữ nghỉ hưu khi đóng đủ 15 năm BHXH hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ năm thứ 16 trở đi, mức hưởng BHXH tăng thêm 2%; đóng đủ 30 năm được hưởng lương hưu tối đa 75% (thay vì đóng 25 năm như hiện nay). Đa số lao động nữ khi biết được thay đổi này đều thể hiện bức xúc với quy định mới. Nhiều người cho rằng, Luật BHXH quá áp đặt và tìm cách siết chặt các quyền lợi của lao động nữ.

Thời gian qua, thông tin giảm tỉ lệ lương hưu của lao động nữ được quan tâm và chia sẻ rất nhiều trên các diễn đàn, mạng xã hội. Bày tỏ bức xúc với những thay đổi chị Nguyễn Ngọc Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi thực sự thấy thất vọng. Đối với những công nhân trực tiếp sản xuất như tôi, tuổi nghề không cao nên việc đạt đủ số năm hưởng lương hưu đã khó. Với mức lương hưu như vậy lại còn  bị cắt giảm thì khi về già người lao động sống rất chật vật”.

Có cùng suy nghĩ, chị Hồ Thị Minh (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Lao động nữ sức khỏe không bảo đảm lâu dài như nam giới, nên việc kéo dài thời gian để hưởng lương hưu tối đa là vô cùng khó khăn. Đặc biệt trong một số ngành nghề có yếu tố độc hại thì sức khỏe hao mòn nhiều, tuổi nghề rút ngắn. Một công nhân may làm sao có thể ngồi may đến 30 năm để nhận được lương hưu mức tối đa. Nếu cần phải điều chỉnh chính sách, cơ quan chức năng nên tính toán lại, tránh gây hoang mang cho chị em phụ nữ”.

Không để lao động nữ thiệt thòi

Theo các nhà nghiên cứu chính sách, cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nữ theo công thức: 15 năm đầu đóng bảo hiểm xã hội tính bằng 45%, mỗi năm đóng BHXH tiếp theo được tính thêm 2% không phải là công thức mới. Thực tế công thức này được đã áp dụng từ năm 1995 đến hết năm 2002. Việc điều chỉnh của Luật BHXH năm 2014 đã đưa công thức tính mức lương hưu này quay trở lại.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc điều chỉnh chính sách bao giờ cũng có một giai đoạn thể hiện sự chênh lệch rất bất bình đẳng. Khi thay đổi chính sách không thể có sự công bằng tuyệt đối, tuy nhiên về mặt vĩ mô, cơ quan quản lý Nhà nước phải có biện pháp để giảm “sốc”, không để lao động nữ thiệt thòi như quy định hiện hành.

Để xử lý bất cập, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng không cần sửa luật, thay vào đó Bộ LĐ-TB&XH có thể đề xuất Chính phủ, trong năm 2018 khi điều chỉnh tăng lương khu vực Nhà nước thì tăng lương hưu cho người lao động với mức tăng 7% theo từng đối tượng. Cụ thể, người hưởng lương hưu trên 100 triệu đồng hay 80 triệu đồng/tháng chỉ tăng bằng mức trượt giá của năm 2018, khoảng 4%-5%, còn lại 3% phải ưu tiên cho đối tượng có lương hưu dưới 1,3 triệu đồng (như trường hợp cô giáo Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh) để bằng 1,3 triệu đồng/tháng, dưới 2 triệu đồng để bằng 2 triệu đồng/tháng.

“Đặc biệt, ưu tiên cho 3.000 lao động bị tác động giảm 6%-10% lương hưu trong năm 2018. Ví dụ, đối với người bị giảm 10% lương hưu thì chúng ta tăng 2%, người bị giảm ít thì tăng 1%. Nhưng 2% hay 1% này là chúng ta tăng cả cuộc đời hưởng lương hưu… như vậy có thể bù được thiệt thòi khi thay đổi chính sách.”, ông Bùi Sỹ Lợi nêu giải pháp.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị xem xét, sửa đổi cách tính lương hưu đối với lao động nữ quy định tại Luật BHXH năm 2014 theo hướng vẫn thực hiện như quy định cũ của Luật BHXH năm 2006.

Chưa có hướng dẫn mới

Mới đây, tại cuộc họp báo thường kỳ, ông Phạm Ngọc Thọ, Phó trưởng ban Thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, BXHH là cơ quan thực hiện chính sách chưa nhận được bất kỳ ý kiến nào từ cấp thẩm quyền về việc thay đổi cách tính lương hưu. Do đó, từ 1-1-2018, cách tính lương hưu cho lao động nữ sẽ được điều chỉnh theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014. 

Theo đó, lao động nữ đã đóng bảo hiểm xã hội được 15 năm sẽ hưởng lương hưu bằng 45% mức lương, sau đó mỗi năm tính thêm 2%, tối đa được hưởng 75%. Như vậy, để đạt được tỷ lệ 75% trong năm 2018, lao động nữ phải có ít nhất 30 năm đóng bảo hiểm, trong khi quy định lâu nay chỉ là 25 năm. 

Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: “Theo ước tính, số lao động nữ bị tác động bởi chính sách trên không nhiều, chỉ khoảng 2.000 người chịu tác động 8-10% khi nghỉ hưu trong năm 2018. Nói như vậy không có nghĩa là để 2.000 người này phải chịu thiệt thòi. Chúng tôi đã báo cáo và sẽ có giải pháp mang tính kỹ thuật như đề xuất tăng lương cho nhóm này, để đảm bảo họ không giảm quyền lợi so với những người cùng tham gia trong thời gian trước”.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân, đơn vị này đã hoàn thiện hai phương án trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội xem xét. Trong đó, phương án 1 giống như ông Bùi Sỹ Lợi trình bày ở trên và phương án hai là tăng có lộ trình như nam giới. Tức để đạt được tỉ lệ hưởng lương hưu ở mức tối đa là 75% thì lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018 phải có 26 năm đóng BHXH; nghỉ hưu trong năm 2019 phải có 27 năm; trong năm 2020 là 28 năm; năm 2021 là 29 năm; từ năm 2022 trở đi là 30 năm. Tuy nhiên, đây là quy định của Luật nên chỉ Quốc hội mới có thẩm quyền sửa đổi.