Giảm lao động yếu thế

ANTĐ - Tổ chức Lao động quốc tế đã công bố Báo cáo xu hướng việc làm toàn cầu năm 2014, trong đó đánh giá Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới, nhưng thực tế tỷ lệ thất nghiệp năm 2013 đã tăng nhẹ khoảng 1,81-1,9% so với năm 2012. Điều này cũng nằm trong xu hướng của thế giới khi tăng trưởng việc làm còn yếu, thất nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện, đặc biệt nhóm lao động trẻ và một số lượng người có khả năng lao động vẫn nằm ngoài thị trường lao động.

Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế, điều cần làm ngay là cải tổ chính sách, nỗ lực hơn nữa để tăng tốc độ tạo việc làm và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chính sách. Điều tra lao động việc làm quý IV-2013 của Tổng cục Thống kê cho thấy, số lượng việc làm tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng việc làm nhanh nhất thuộc khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Phần lớn việc làm mới được tạo ra thuộc khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. Vấn đề cấp bách đặt ra là, tỷ lệ lao động trẻ thất nghiệp ở nước ta cao gấp ba lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung, ở mức 5,95% trong quý IV-2013, mặc dù tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều so với thế giới.

Và ở thành thị, mức cao nhất lên tới hơn 11%. Dựa trên kết quả khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế, Tổng cục Thống kê và Viện khoa học xã hội Việt Nam, thì kinh tế phi chính thức đóng góp trên 20% GDP của Việt Nam, tạo ra 24% việc làm. Hơn 88% hoạt động kinh tế phi chính thức diễn ra ở thành thị, chiếm 12% giá trị tăng thêm của nền kinh tế, thu hút một phần ba lực lượng lao động của Hà Nội và TP.HCM. Ở khu vực thành thị, gần 72% hộ gia đình đều có người làm các công việc phi chính thức. Khu vực phi chính thức có đủ các ngành, chiếm tỷ trọng lớn nhất là sản xuất và xây dựng (chiếm 42,8% tổng số việc làm). Đứng thứ hai là ngành thương mại chiếm 30,9% số việc làm và ngành dịch vụ chiếm 26,3%.

Đáng lưu ý là, người lao động phi chính thức làm việc nhiều giờ nhưng thu nhập thấp và các quyền lợi nhận được rất ít. Số giờ làm việc khoảng 47,3 giờ/tuần, cao hơn số giờ làm việc trung bình cả nước là 4,5 giờ. Không có bất kỳ lao động nào tham gia bảo hiểm xã hội, họ là lao động yếu thế, chịu nhiều thiệt thòi. Đặc biệt, lực lượng phụ nữ, người già và dưới vị thành niên tập trung nhiều ở khu vực phi chính thức. Tỷ lệ nữ chiếm tới 50%, tỷ lệ người trên 60 tuổi và nhóm dân số trẻ (15-24 tuổi) chiếm tới 94%. Có tới 72% lao động làm những công việc được xếp vào nhóm “dễ bị tổn thương”.

Việt Nam được ghi nhận tốc độ gia tăng 2,2% trong nhóm việc làm dễ bị tổn thương trong năm 2013 so với cùng kỳ năm trước, hệ lụy là việc làm dễ bị tổn thương chiếm tới 62,1% tổng số việc làm. Đây là mức thấp nhất trong các “nấc thang” công việc mà người lao động bắt buộc phải làm chứ không phải chủ động lựa chọn. Bởi ai cũng mong muốn thay đổi công việc, thoát khỏi nhóm lao động yếu thế, bấp bênh, thu nhập thấp, quyền lợi không được đảm bảo. Xã hội sẽ chỉ tiến bộ và tiến lên khi lực lượng lao động “ngoài lề” nền kinh tế này được cải thiện, khi nó đóng góp trên 20% GDP, tạo ra 24% việc làm cho cả xã hội. Giảm đội quân lao động yếu thế là mục tiêu trước mắt và lâu dài.