Giảm Lãi suất tiền gửi và cho vay: Chọn giỏ bỏ thóc

ANTĐ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức công bố cắt giảm một loạt lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất huy động và cho vay sẽ giảm thêm 1%, kể từ hôm nay (24-12). Đây là lần thứ 5 liên tiếp trần lãi suất tiền gửi VND giảm, từ mốc 14% vào đầu năm.

Từ hôm nay lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng chỉ còn 8%/năm

Lãi suất cho vay ngắn hạn giảm 1%

Theo đánh giá của NHNN, từ đầu năm 2012 đến nay, các giải pháp tiền tệ, tín dụng ngân hàng theo mục tiêu kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý đã được tích cực triển khai. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất - kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, do sức mua của thị trường vẫn ở mức thấp, hàng tồn kho ở mức cao, khả năng hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp còn hạn chế. 

Trên cơ sở đánh giá những khó khăn cũng như điều kiện, diễn biến kinh tế vĩ mô và để tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh, NHNN ban hành các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực kể từ 24-12-2012. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 10%/năm xuống 9%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 8%/năm xuống 7%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 11%/năm xuống 10%/năm. 

Thông tin được người dân và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm trong lần điều chỉnh lãi suất lần này là quyết định điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay đối với nền kinh tế. Thông tư số 32/2012/TT-NHNN cũng đã quy định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên là 2%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng giảm từ 9%/năm xuống 8%/năm. Riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô được cơ quan điều hành ấn định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng là 8,5%/năm.

Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên vẫn do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường. Đây được xem là quy định mở nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thu hút vốn trong những tháng cuối năm.

Cùng với quyết định về giảm lãi suất huy động ngắn hạn, NHNN cũng ban hành Thông tư số 33/2012/TT-NHNN quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm từ 13%/năm xuống 12%/năm, bổ sung thêm nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

“Mức lãi suất cho vay 12%/năm của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là phù hợp với mức giảm lãi suất tiền gửi và chủ trương của Chính phủ, định hướng của Thống đốc NHNN về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh”, NHNN nhận định.

Đón đầu đà giảm

Mặc dù tới cuối tuần qua, quyết định chính thức mới được NHNN công bố, nhưng trước đó nhiều ngân hàng thương mại đã nắm bắt xu hướng và điều chỉnh giảm lãi suất huy động đón đầu. Nhiều khách hàng gửi tiền cũng quyết định đáo hạn và chuyển sang gửi ở kỳ hạn dài hơn trước khi lãi suất tiền gửi chính thức giảm.

Làn sóng này bắt đầu từ các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) lớn như BIDV, ACB, Sacombank, Techcombank. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài từ 9 đến 24 tháng được điều chỉnh về 11% thay cho mức 12%. Tại một số ngân hàng mức lãi suất kỳ hạn dài còn được giảm mạnh về 9-10%/năm. Tại nhóm các ngân hàng nhỏ hơn như ABBank, VPBank, OceanBank cũng chính thức áp dụng mức 11,5% cho lãi suất huy động kỳ hạn dài. Theo lãnh đạo một số ngân hàng thì tình hình vốn năm nay không căng thẳng như mọi năm, thậm chí nhiều ngân hàng còn dư tiền huy động nên các ngân hàng không phải nâng lãi suất lên cao để hút vốn. 

Tuy nhiên theo nhiều doanh nghiệp, hạ lãi suất huy động ngân hàng giảm được chi phí vốn nhưng lại không chủ động hạ lãi suất cho vay, như vậy chỉ có ngân hàng được lợi. Cùng với việc giảm lãi suất thì NHNN cũng nên có cơ chế giám sát chặt chẽ việc giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, có như vậy tình trạng doanh nghiệp phá sản hay nằm “chờ chết” hàng loạt mới giảm bớt.

Nghịch lý này được ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam chia sẻ: “Ngân hàng đang chọn giỏ bỏ thóc, có ngành sản xuất được vay vốn với lãi suất 15%, có ngành sản xuất xuất khẩu được vay vốn với 11-13% nhưng cũng có doanh nghiệp cũng vay trên mức 17%. Ngành thép đang tồn kho cao, nên ngân hàng cũng không muốn giải ngân vốn dù là ở mức lãi suất nào”.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng, không thể phủ nhận nỗ lực của Chính phủ và NHNN đã nỗ lực giảm lãi suất cho vay từ 20% về 15%. Nhưng không phải ngân hàng nào cũng thực hiện, vẫn còn nhiều khoản vay được neo ở mức cao trên 15%/năm. Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm BSA, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chỉ ra rằng: “Lãi suất hiện nay khiến doanh nghiệp khó có thể cạnh tranh. Doanh nghiệp nước ngoài được vay vốn từ nước mẹ với lãi suất là 2-3% trong khi doanh nghiệp nội thì vẫn phải vay vốn gấp 7,8 lần thậm chí gấp 10 lần”.