Giảm lãi suất ngân hàng: Nói rất nhiều, giảm chẳng bao nhiêu

ANTD.VN - Chỉ có một số ngân hàng giảm khoảng 0,5% lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên từ đầu năm, hiện chưa có dấu hiệu cho thấy lãi suất có thể giảm thêm trong ngắn hạn.

Dù các ngân hàng thương mại Nhà nước và một vài ngân hàng thương mại cổ phần lớn đã có những động thái giảm lãi suất ngay trong những tháng đầu năm, nhưng theo các chuyên gia việc giảm lãi suất khó trở thành xu hướng trong năm 2018.

Nhiều ngân hàng vẫn thiếu vốn

Đầu năm 2018, ngay sau khi Chính phủ yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay thì gần như đồng loạt, tất cả 4 “ông lớn” ngân hàng có vốn Nhà nước, bao gồm: Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV đều công bố giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên khoảng 5%. Một số ngân hàng nhóm thương mại cổ phần (TMCP) cũng quyết định giảm lãi suất ở phân khúc khách hàng này, như VPBank.

Tuy nhiên, sau động thái này, hầu như chưa thấy xu hướng giảm lãi suất lan rộng. Thực tế cho thấy, dư địa giảm lãi suất trong năm 2018 không còn nhiều. Ngay kể cả các ngân hàng thương mại Nhà nước dường như cũng dần “đuối sức”, cho dù tình hình huy động vốn những ngày đầu năm 2018 rất khả quan.

Cụ thể, kể từ sau Tết nguyên đán, nguồn cung tiền trên thị trường khá dồi dào, mặt bằng chung là dư thừa. Những ngày đầu tháng 3, số liệu thống kê cho thấy số dư tiền gửi bằng VND của các tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước bình quân mỗi ngày cao hơn mức phải dự trữ bắt buộc gần 63.000 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước do đó liên tục phát hành tín phiếu để hút tiền về.

Nguồn vốn dư thừa tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước và một số ngân hàng cổ phần lớn. Nhiều ngân hàng đã phải kết thúc sớm các chương trình khuyến mại vì lượng tiền chảy vào ồ ạt. Theo Giám đốc chi nhánh cấp 1 của một ngân hàng thương mại Nhà nước thì mặc dù lãi suất thấp hơn hẳn nhưng do lợi thế mạng lưới rộng và uy tín, cộng với lượng khách hàng truyền thống nên ngân hàng Nhà nước vẫn có nguồn tiền dồi dào.

Trong khi đó, ở nhóm ngân hàng TMCP, nhất là những ngân hàng quy mô nhỏ lại vẫn rất chật vật để đảm bảo vốn khả dụng. “Việc cho phép phá sản ngân hàng phần nào cũng ảnh hưởng đến tâm lý người gửi tiền, một số ngân hàng do đó gặp khó khăn trong huy động vốn. Điều này dẫn đến thực trạng ai thừa cứ thừa, ai thiếu vẫn thiếu” – vị Giám đốc chi nhánh cho hay.

Điều này khiến nhiều ngân hàng nhỏ phải “đẩy” lãi suất huy động lên cao chót vót. Theo khảo sát của phóng viên, hiện chênh lệch lãi suất ở nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng tư nhân lên đến trên dưới 1 %.

Chưa nhìn thấy dư địa giảm lãi suất trong ngắn hạn

Thống kê về lãi suất huy động tuần đầu tháng 3/2018 của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy mặt bằng lãi suất huy động VND của hai nhóm ngân hàng có thể chênh lệch tới 1,2%%.

Cụ thể lãi suất huy động  phổ biến ở mức 0,6-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng. Kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5-7,3%/năm

Dư địa giảm không còn nhiều

Về lãi suất cho vay, Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước là 6%, nhóm ngân hàng TMCP là 6,5%/năm đối với ngắn hạn. Đối với dài hạn, các ngân hàng thương mại Nhà nước áp dụng lãi suất với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm, nhóm TMCP là 10-10,5%.

Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường tại các ngân hàng thương mại Nhà nước ở mức 6,8-8,5% đối với ngắn hạn, 9,3-10,3% đối với trung và dài hạn. Ở nhóm ngân hàng TMCP, mức lãi suất cho vay thông thường cao hơn khoảng 0,5-1%.

Có được mặt bằng lãi suất như vậy theo chia sẻ của Giám đốc chi nhánh ngân hàng trên, là do nhiều yếu tố hỗ trợ như tốc độ xử lý nợ xấu được đẩy nhanh, thanh khoản các ngân hàng dồi dào, lợi nhuận của nhiều ngân hàng khả quan…

Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận là dư địa giảm lãi suất cho vay không còn nhiều, nhất là khối ngân hàng thương mại lớn đã tiên phong thực hiện giảm lãi suất ngay từ đầu năm nay.

“Dù tiên phong giảm lãi suất với các lĩnh vực ưu tiên ngay từ đầu năm, nhưng đây thực sự là một bài toán rất khó với chúng tôi. Hiện chênh lệch lãi suất ngân hàng ngày càng ít. Tôi làm ngân hàng 30 năm nay nhưng chưa bao giờ thấy chênh lệch lãi suất lại “mỏng” như 2 năm trở lại đây” – vị Giám đốc cho biết.

Theo các chuyên gia, việc giảm lãi suất trong năm 2018 đang gặp khá nhiều lực cản, nhất là trong điều kiện lạm phát đang diễn biến phức tạp, cùng với đó là động thái của FED muốn tăng tần suất tăng lãi suất trong năm nay.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực CPI tháng 2/2018 đã  tăng 0,73 so với tháng trước và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2017. Mặc dù vẫn đang trong tầm kiểm soát nhưng trong năm nay nhiều loại dịch vụ đang trong lộ trình tăng giá sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lạm phát. “Khi lạm phát kỳ vọng tăng rất khó để giảm lãi suất đầu vào. Do đó, việc giảm lãi suất đầu ra cũng sẽ trở nên khó khăn hơn” – vị chuyên gia cho biết.