Giảm lãi suất: Doanh nghiệp chưa thấm

ANTĐ - Lãi suất cho vay giảm sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, nhất là những công ty đang khát vốn. Nhưng dường như chính sách này chưa tới được đông đảo doanh nghiệp hiện có nhu cầu.

Lãi suất giảm nhưng cần nới điều kiện tiếp cận

Thực tế ít chuyển biến

Ông Đào Duy Kha - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Việt Nam chia sẻ: “Lãi suất có chiều hướng giảm nhưng thực tế vẫn ít chuyển biến và doanh nghiệp tiếp cận một cách giới hạn, không như mong đợi”. Theo ông Đào Duy Kha, trần lãi suất cho vay đang vào khoảng 13%/năm, nhưng mức phổ biến doanh nghiệp vay được là 15%/năm. Nếu tình hình tiêu thụ sản phẩm khả quan thì mức lãi suất này là chấp nhận được, nhưng trong bối cảnh tồn kho nhiều, đầu ra sản phẩm khó khăn thì đây vẫn là mức cao. 

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Minh - Chủ doanh nghiệp Dệt nhuộm Minh Dư cho biết, doanh nghiệp này đang vay ngân hàng với lãi suất 13%/năm. “Mỗi cơ sở của chúng tôi đang tồn đọng rất nhiều hàng nên phải vay với mức này doanh nghiệp chưa thể thoát khó được”- bà Nguyễn Thị Minh nói.

Theo ông Nguyễn Văn Châu - Giám đốc Công ty cổ phần Thúy Đạt, về bản chất, nếu doanh nghiệp có tiền đưa vào sản xuất thì lợi nhuận tối thiểu cũng phải bằng mức gửi ngân hàng. Nhưng nếu doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng mà sản xuất và lợi nhuận chỉ bằng lãi suất ngân hàng thì lại lỗ. Ông Nguyễn Văn Châu cho hay: “Giảm lãi suất sẽ tốt hơn cho doanh nghiệp. Nhưng đó là về lý thuyết, còn tác động thực tế doanh nghiệp chưa cảm nhận được”. Với hai ngành nghề sản xuất kinh doanh được ưu tiên vay vốn là dệt may và lương thực, Công ty cổ phần Thúy Đạt hiện đang được vay với mức 10%/năm với VND và 5-5,5%/năm với USD. Tuy nhiên, mức này vẫn khiến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp kém hơn so với nhiều nước trong khu vực. Chi phí vốn trên giá thành sản phẩm cao nên khi sản phẩm được xuất khẩu, khó cạnh tranh được với hàng Thái Lan, Trung Quốc..., chưa kể so sánh với mức 0-2% lãi suất của các nước phát triển. “Cần đưa lãi suất cho vay về tiệm cận với các nước trong khu vực để giá trị hàng hóa sản xuất ra ngang bằng với các nước này. Có như vậy hàng mới bán được, đầu ra được khơi thông, sản xuất phát triển trở lại”- ông Nguyễn Văn Châu nhấn mạnh.

Nới lỏng điều kiện cho vay

Đây là điều kiện đầu tiên để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn lãi suất thấp một cách nhanh chóng và hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Châu chia sẻ, trên cả nước hiện còn khoảng 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Những doanh nghiệp nào còn hoạt động đến thời điểm này là đã nỗ lực rất lớn. “Trong khi sức khỏe của doanh nghiệp ngày càng yếu đi mà ngân hàng lo ngại nợ xấu lại siết chặt hơn điều kiện cho vay thì doanh nghiệp càng nhanh “chết”. Thời gian qua, dòng tiền chảy vào bất động sản, chứng khoán với lãi suất cao, buộc doanh nghiệp sản xuất đơn thuần phải nhắm mắt chạy theo để tồn tại. Đến giờ, doanh nghiệp bất động sản, chứng khoán đã không còn, chỉ còn doanh nghiệp sản xuất đơn thuần. Ngân hàng cần hỗ trợ các đối tượng này để họ sống”- ông Nguyễn Văn Châu phân tích.

Đặt vào vị trí các ngân hàng, ông Nguyễn Văn Châu và ông Đào Duy Kha đều cho rằng, ngân hàng e dè trước doanh nghiệp, siết lại điều kiện vay vốn là hợp lý, nhất là đứng trước các khoản nợ xấu, nợ khó đòi. Ông Nguyễn Văn Châu phân tích: “Nếu chúng tôi làm cho vay tài chính, chúng tôi cũng sẽ phải xem xét các điều kiện đối tượng cho vay. Ở thời điểm hiện tại, chỉ có khoảng 40% doanh nghiệp sản xuất chứng tỏ được khả năng vượt “bão”. Theo ông Đào Duy Kha, nên sàng lọc, phân loại doanh nghiệp. “Công ty nào khó có khả năng thanh toán thì thôi không cho vay. Còn công ty nào có khả năng thì tạo điều kiện tiếp cận vốn thuận lợi nhất. Ngân hàng và doanh nghiệp cứ giữ thế “thủ” nhau như bây giờ thì lãi suất có thấp cũng khó thấm vào doanh nghiệp”- ông Đào Duy Kha cho biết.