- Đề xuất bổ sung các khoản tiền không phải đóng bảo hiểm xã hội
- Sửa chính sách, tăng quyền lợi nhiều người được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội
Hơn 600 trăm nghìn người được thụ hưởng
UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế cho một số đối tượng trên địa bàn thành phố. Việc xây dựng nghị quyết trên cơ sở kế thừa những chính sách hiện hành, sửa đổi, bổ sung đối tượng và chính sách phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của pháp luật mới ban hành của thành phố.
![]() |
Người dân đăng ký khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Bạch Mai |
Cụ thể, cơ quan soạn thảo đề xuất hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo và thoát cận nghèo theo mức chuẩn nghèo, cận nghèo đa chiều của thành phố; người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi, người khuyết tật nhẹ; người dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình đang thường trú trên địa bàn.
UBND TP Hà Nội cho biết, giai đoạn 2022-2024, số tiền ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho 10.902.384 người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với số tiền là 5.437,1 tỷ đồng. Trên địa bàn thành phố hiện có 1.149.844 người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) và 112.313 người khuyết tật. Tổng số người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình được cấp thẻ bảo hiểm y tế là 8.857 người với số tiền hỗ trợ là 6,7 tỷ đồng/năm. Tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 95.143 người với số tiền ngân sách Nhà nước hỗ trợ là 34,3 tỷ đồng/năm.
Đến năm 2024, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 2.168.762 người (chưa bao gồm lực lượng vũ trang), tăng 111.064 người so với năm 2023; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 104.361 người, tăng 22.178 người (tăng 27%) so với năm 2023; số người tham gia bảo hiểm y tế là 8.169.748 người, tăng 227.554 người so với năm 2023 (tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95,25% dân số). Tuy nhiên, từ 1-7-2024, mức lương cơ sở tăng từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng, dẫn đến mức đóng bảo hiểm xã hội tăng. Do đó, việc tham gia BHYT của người dân gặp khó khăn về kinh phí, nhất là nhóm người nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi...
Theo tính toán của Bảo hiểm xã hội Hà Nội, nếu chính sách được thông qua sẽ giúp hỗ trợ hơn 614.000 người, bao gồm hơn 173.500 đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và hơn 440.000 đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.
Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế
Chính sách hỗ trợ sẽ bao gồm các mức hỗ trợ cụ thể cho bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:
Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế: Thành viên hộ gia đình thoát nghèo, cận nghèo (tính từ lúc được công nhận). Người cao tuổi từ 60 đến dưới 70 tuổi không thuộc diện tham gia bắt buộc và chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Người khuyết tật nhẹ chưa có thẻ bảo hiểm y tế (trừ trẻ dưới 16 tuổi). Người dân tộc thiểu số thuộc nhóm đóng bảo hiểm y tế bắt buộc (chưa có thẻ).
Hỗ trợ thêm 70% mức đóng bảo hiểm y tế: Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ làm nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình theo tiêu chuẩn của Hà Nội, song chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Hỗ trợ thêm 30% mức đóng bảo hiểm y tế: Người thuộc hộ làm nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình theo tiêu chuẩn của thành phố.
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo từng thời kỳ. Theo đó, hỗ trợ thêm 70% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo; hỗ trợ thêm 75% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ thêm 20% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với các đối tượng khác. Mức hỗ trợ này ngoài mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29-12-2015 của Chính phủ, được điều chỉnh khi Chính phủ ban hành chính sách điều chỉnh. Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ là 709 tỷ đồng.
Việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối tượng từ ngân sách thành phố là phù hợp với chủ trương “đầu tư cho an sinh, phúc lợi xã hội đi trước một bước so với phát triển kinh tế” của thành phố. Đồng thời giảm áp lực tài chính của một số nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Ông Phan Văn Mến - Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội
Đầu tư cho an sinh đi trước một bước
Lý giải đề xuất trên, cơ quan soạn thảo cho biết, mức đóng bảo hiểm y tế tăng nên việc tham gia của người dân gặp khó khăn. Nhóm gặp khó khăn nhất là nhóm người thoát nghèo, thoát cận nghèo, người khuyết tật, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp xã hội và các hộ gia đình có mức sống trung bình. Hàng năm số tiền chi trả từ quỹ Bảo hiểm y tế cho người dân tham gia rất lớn, lên đến 893 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2024. Do đó việc hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm y tế sẽ tạo điều kiện khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế và được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả khi ốm đau, bệnh tật từ đó giảm áp lực tài chính cho người dân những lúc khó khăn.
Bên cạnh đó người lao động khi hết tuổi lao động không có lương hưu sẽ là một gánh nặng cho ngân sách khi nhóm này bước vào nhóm người cao tuổi. Đó là phải chi trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng cho đối tượng người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Đề xuất trên cũng giảm áp lực tài chính của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, từ đó khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong giai đoạn hiện nay và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Theo ông Phan Văn Mến - Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội, việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối tượng từ ngân sách thành phố là phù hợp với chủ trương “đầu tư cho an sinh, phúc lợi xã hội đi trước một bước so với phát triển kinh tế” của thành phố. Đồng thời giảm áp lực tài chính của một số nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Thủ đô. Việc này cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền Hà Nội trong việc phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân, để người dân tin tưởng các chính sách an sinh, xã hội của thành phố, tạo động lực từ đó làm tiền đề, tạo thói quen cho người dân tham gia bảo hiểm y tế để đảm bảo công tác chăm sóc y tế khi về già.