Giám đốc thẩm vụ tử tù Hồ Duy Hải: Khi nào thực hiện thủ tục Giám đốc thẩm vụ án hình sự?

ANTD.VN -Sáng 6-5, TAND tối cao đã mở phiên tòa Giám đốc thẩm xét xử vụ án mạng tại Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) liên quan đến số phận của tử tù Hồ Duy Hải. Đây là phiên tòa được dư luận rất quan tâm. Nhiều người đặt câu hỏi: “Trong trường hợp nào vụ án được tiến hành xét xử theo thủ tục Giám đốc thẩm? Thời hạn kháng nghị theo thủ tục này?"...

Phát hiện vi phạm nghiêm trọng trong giải quyết vụ án

Phiên tòa Giám đốc thẩm liên quan đến tử tù Hồ Duy Hải do Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa. Ngoài thành viên Hội đồng Giám đốc thẩm còn có sự tham gia của đại diện Viện KSND tối cao, đại diện các cơ quan tố tụng của tỉnh Long An và đại diện TAND cấp cao tại TP.HCM, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM...

Theo Điều 370 Bộ luật TTHS 2015, Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị, vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

   

    Phiên xét xử Giám đốc thẩm vụ tử tù Hồ Duy Hải (ảnh thanhnien.vn)

Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm khi có một trong các căn cứ: Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;  Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Cũng theo Bộ luật TTHS 2015, người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị.

Về những người có quyền kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm, Điều 373 Bộ luật TTHS quy định, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC có quyền kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Chánh án TAND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ...

Kháng nghị có lợi cho người bị kết án ở bất cứ thời điểm nào

Về việc tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định bị kháng nghị Giám đốc thẩm, người ra quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó.

Đặc biệt, Bộ luật TTHS cũng quy định rõ về thời hạn kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm. Theo đó, việc kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

Tuy vậy, việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.

Hội đồng Giám đốc thẩm phải xem xét toàn bộ vụ án mà không chỉ hạn chế trong nội dung của kháng nghị. Hội đồng Giám đốc thẩm có quyền: Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án; Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; Đình chỉ xét xử Giám đốc thẩm.

Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.

Quyết định của Hội đồng Giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định. Trong thời hạn 10 ngày từ ngày ra quyết định, Hội đồng Giám đốc thẩm phải gửi quyết định Giám đốc thẩm cho người bị kết án, người đã kháng nghị, VKS cùng cấp…