Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội trả lời chất vấn về trách nhiệm trong vụ trẻ trường Gateway tử vong

ANTD.VN - Trong vụ trẻ tiểu học tử vong trên xe đưa đón học sinh của Trường Gateway, trách nhiệm của Sở như thế nào? - Đó là câu hỏi được ĐB Hoàng Thị Tú Anh chất vấn với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

ĐB Hoàng Thị Tú Anh chất vấn Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội

Cuối phiên làm việc sáng nay, 5-12, HĐND TP Hà Nội tiếp tục phiên chất vấn với nội dung thứ 2, tái chất vấn về việc thực hiện công tác quản lý nhà nước với các trường ngoài công lập trên địa bàn Thành phố.

Đây là nội dung đã được HĐND TP Hà Nội chất vấn tại Kỳ họp vào tháng 7-2018 và đã có thông báo kết luận cụ thể. Tuy nhiên sau hơn một năm thực hiện, công tác quản lý nhà nước với các cơ sở giáo dục ngoài công lập của thành phố vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt vừa qua xảy ra vụ việc 1 trẻ tiểu học tử vong trên xe đưa đón học sinh của Trường Tiểu học Gateway (quận Cầu Giấy).

Gửi câu hỏi chất vấn với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội Chử Xuân Dũng về nội dung này, ĐB Hoàng Thị Tú Anh (Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP) đề nghị cho biết cụ thể kết quả rà soát các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn trong một năm rưỡi vừa qua ra sao.

“Sau 1 năm rà soát, tháng 8-2019 xảy ra vụ đáng tiếc tại trường Gateway? Trách nhiệm của Sở thế nào?” - ĐB Tú Anh hỏi, đồng thời cũng gửi câu hỏi này tới Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy và đề nghị nêu rõ trách nhiệm trong vụ việc đáng tiếc tại trường Gateway?

Các ĐB Phạm Thị Thanh Hương (Ứng Hòa), Nguyễn Quang Thắng (Hoàn Kiếm)… cùng phản ánh về việc nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn thành phố, nhất là các nhóm lớp mầm non tư thục, nhà trẻ ở gần các khu công nghiệp, có diện tích chật chội (thường thuê lại nhà chung cư, nhà tập thể hay nhà dân), không có sân chơi, sỹ số trẻ trong lớp quá đông… Vậy tại sao các cơ sở này vẫn được cấp phép? – các ĐB đặt câu hỏi.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng trả lời chất vấn tại HĐND TP

Trả lời câu hỏi của ĐB, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, đúng là hiện có các cơ sở giáo dục mẫu giáo, mầm non tư thục, lớp nhóm trẻ tư thục đang thuê địa điểm ở các nhà chung cư, khu tập thể, nhà dân để hoạt động.

Lý do vẫn cho phép cho các cơ sở này hoạt động vì tại các khu vực đó, hệ thống trường mầm non chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Mặt khác, đây cũng là nhu cầu của dân bởi các nhóm trẻ mầm non tư thục này đáp ứng được yêu cầu về thời gian linh hoạt, cự ly phù hợp.

Trong khi đó, phần lớn ở các lớp trẻ này, sỹ số học sinh biến động liên tục. Vì thế, các chủ đầu tư không muốn đầu tư lâu dài mà tận dụng thuê lại địa điểm. Cũng phải nói rằng, một số chủ nhóm lớp nhận thức còn hạn chế.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, xác định đây là lĩnh vực mà nhân dân rất quan tâm, năm học 2019-2020, toàn ngành thực hiện phương châm là “Sâu sát cơ sở, kỷ cương trong quản lý và thực chất trong đánh giá”. Trên cơ sở đó, Sở đã chỉ đạo và triển khai 6 nhóm giải pháp cụ thể.

Tiếp tục trả lời câu hỏi chất vấn về kết quả rà soát các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết của HĐND TP sau kỳ họp vào tháng 7-2018, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, Sở đã tiến hành rà soát từ các văn bản quản lý; triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục, công khai theo đúng quy định.

Đặc biệt, Sở GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, rà soát toàn bộ các điều kiện hoạt động của các trường ngoài công lập. Đến nay đã thanh tra được 9 trường, kiểm tra chuyên môn được 89 trường, kiểm tra 1.090 cơ sở mầm non, mẫu giáo tư thục, kiểm định chất lượng giáo dục 105 trường… 

“Mặc dù việc rà soát của ngành đã rất cố gắng nhưng đúng như ĐB Tú Anh đã nêu, vẫn xảy ra một số tồn tại, như vụ việc tại trường Gateway ở quận Cầu Giấy. Về nội dung này, đối với các nhà trường, chúng tôi luôn quán triệt đến Hiệu trưởng tất cả các trường, các chủ nhóm lớp ngoài công lập, việc đầu tiên là phải đảm bảo an toàn, an ninh một cách tốt nhất cho các học sinh và giáo viên khi đến trường” – ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, với các cấp học mẫu giáo, tiểu học, thì việc chăm sóc, nuôi dưỡng cho học sinh cần được quan tâm, tiếp đó mới đến chất lượng giáo dục.

Trở lại câu hỏi về trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong vụ 1 trẻ tiểu học của Trường Tiểu học Gateway tử vong trên xe đưa đón học sinh, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: Trách nhiệm lớn nhất trong vụ việc này là các cá nhân có liên quan đưa đón học sinh, cô giáo, giáo viên chủ nhiệm của lớp, Ban Giám hiệu nhà trường.

"Về nguyên nhân, chúng tôi cho rằng, vẫn còn lỗ hổng trong công tác quản lý và tinh thần làm việc thiếu trách nhiệm của các cá nhân trực tiếp liên quan đến vụ việc này. Nguyên nhân cụ thể thì phải chờ công bố từ phía cơ quan điều tra" - ông Dũng nói.

Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, để không xảy ra các sự vụ tương tự trong thời gian tới, Sở đã yêu cầu rà soát, yêu cầu tất cả các trường có tổ chức đưa đón học sinh phải thống kê, rà soát lại các xe, số học sinh đưa đón trên từng xe, gửi kết quả rà soát này tới CATP và Sở Giao thông vận tải để phối hợp quản lý.

Đồng thời, phải lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ đưa đón học sinh thận trọng, xây dựng quy trình đưa đón học sinh một cách nghiêm túc…