Giám đốc CATP Hà Nội đề nghị trang cấp bình chữa cháy cho hộ gia đình khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc CATP Hà Nội nhấn mạnh, "ở đâu có dân, ở đó phải có phương án PCCC" và đề xuất trang cấp bình chữa cháy cho các hộ gia đình khó khăn...
Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc CATP Hà Nội trả lời tại phiên chất vấn

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc CATP Hà Nội trả lời tại phiên chất vấn

Đôn đốc các cơ sở khắc phục ngay tồn tại về PCCC

Tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội chiều 3/7, đại biểu Duy Hoàng Dương (Hoài Đức) phản ánh công tác PCCC nhận được rất nhiều sự quan tâm của cử tri. Thành ủy, HĐND UBND TP cũng đã quyết liệt ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc. Đại biểu nêu con số các cơ sở khắc phục tồn tại về PCCC và đặt câu hỏi với Giám đốc CATP Hà Nội về tiến độ thực hiện các chỉ tiêu theo Nghị quyết 26 của HĐND TP về tăng cường PCCC như: 100% các hộ gia đình tự trang bị PCCC; ít nhất một người được tập huấn PCCC; mở lối thoát nạn thứ hai…

Trả lời đại biểu, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, PCCC là vấn đề nóng không chỉ của Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo sau khi một số tỉnh, thành phố có xảy ra các vụ cháy nổ làm chết người.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết, thực hiện Nghị quyết 05 ngày 16-7-2022 của HĐND TP, qua công tác rà soát cho biết, thành phố có 2.980 cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC.

Đến nay, đã có 2.971 cơ sở cam kết lộ trình, thời gian khắc phục tồn tại; 2.963 cơ sở đã xây dựng kế hoạch thực hiện; 2.935 cơ sở đã được UBND cấp huyện phê duyệt cam kết, kế hoạch thực hiện; 733 cơ sở đã khảo sát, lập dự toán kinh phí; 146 cơ sở lập hồ sơ thiết kế; 114 cơ sở đã triển khai thi công; 91 cơ sở đã hoàn thành khắc phục các nội dung về PCCC, chiếm 3,05%.

Giám đốc CATP cho biết, hiện nay, còn 2 quận, huyện chưa hoàn thành đôn đốc các cơ sở xây dựng kế hoạch, cam kết theo lộ trình; 3 quận, huyện chưa hoàn thành phê duyệt kế hoạch, cam kết lộ trình thực hiện của cơ sở; 20 quận huyện chưa hoàn thành việc đôn đốc cơ sở khảo sát, khái toán kinh phí thực hiện; một số quận huyện vẫn để sót lọt, phải bổ sung thêm các cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC.

Chỉ tiêu thành phố giao trong năm 2024 hoàn thành khắc phục ít nhất 70% các cơ sở không đảm bảo PCCC (tương ứng với 2.086 cơ sở), so với tỷ lệ mới hoàn thành 3,05%, Trung tướng Nguyễn Hải Trung đánh giá: “Khả năng lớn trong năm 2024, các đơn vị sẽ không hoàn thành chỉ tiêu được giao”.

Giám đốc CATP Hà Nội cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc này. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là do một số UBND các quận, huyện, thị xã chưa thực sự quan tâm; phối hợp giữa các sở, ban, ngành với các quận, huyện, thị xã chưa chặt chẽ, kịp thời;

Một số người đứng đầu cơ sở vi phạm chưa nhận thức đầy đủ các quy định pháp luật về PCCC; chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở.

Đánh giá nội dung này chắc chắn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, Trung tướng Nguyễn Hải Trung cảm ơn HĐND TP đã thông qua chủ trương xây dựng đề án quan trọng về PCCC và CNCH và những nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong đề án sẽ góp phần rất lớn đề giải quyết những tồn tại, hạn chế về PCCC hiện nay.

Thời gian tới, Giám đốc CATP cho biết, những đơn vị chưa hoàn thành sẽ phải khẩn trương đôn đốc các cơ sở hoàn thành ký cam kết, xây dựng kế hoạch khắc phục, khái toán kinh phí thực hiện; UBND cấp huyện phê duyệt kế hoạch, cam kết lộ trình của 100% cơ sở trên địa bàn quản lý.

Các sở, ban, ngành , UBND cấp huyện phải chỉ đạo dứt điểm việc khắc phục ngay các tồn tại về PCCC và CNCH với cơ sở mình quản lý.

Cùng đó, cần chủ động rà soát, đánh giá đánh giá lại tiến độ thực hiện, hướng dẫn các cơ sở phải khắc phục ngay; các cơ sở đã cam kết trong năm 2023 thì phải yêu cầu cam kết hoàn thành việc khắc phục.

Sở Tài chính tiếp tục hướng dẫn các sở, ngành có cơ sở vi phạm trong diện điều chỉnh của Nghị quyết theo chức năng quản lý sử dụng ngân sách thành phố, lập dự toán thực hiện khắc phục tồn tại về PCCC…

UBND cấp huyện phải xem xét bố trí vốn đề khắc phục tồn tại về PCCC tại hơn 1.500 nhà tập thể cũ có nguồn vốn đầu tư cấp huyện (chiếm hơn 50% số công trình được nêu trong nghị quyết)…

Giám đốc CATP đề nghị các xã, phường trang cấp bình chữa cháy cho các hộ gia đình khó khăn

Giám đốc CATP đề nghị các xã, phường trang cấp bình chữa cháy cho các hộ gia đình khó khăn

Đề nghị trang cấp bình chữa cháy cho hộ gia đình khó khăn

Đối với loạt chỉ tiêu được nêu trong Nghị quyết 26 của HĐND TP, theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, hiện nay, có hơn 1.481.235/1.713.851 hộ gia đình đã tự trang bị bình chữa cháy (đạt 86,4%); 229.481/304.722 hộ gia đình thực hiện mở lối thoát thứ hai (đạt 75,3%);

Còn 13/30 quận, huyện chưa hoàn thành 100% hộ gia đình mở lối thoát nạn thứ hai; 20 đơn vị chưa đảm bảo 100% hộ gia đình chưa trang bị bình chữa cháy xách tay.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung phân tích, có tồn tại trên do tổng số hộ gia đình trên địa bàn thành phố rất lớn. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa quan tâm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC; còn coi công tác PCCC là việc riêng của lực lượng Công an;

Nhận thức về PCCC của một số người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình còn hạn chế, lơ là, chủ quan, đặt mục tiêu sản xuất, kinh tế lên trên hết mà không đầu tư cho công tác đảm bảo an toàn PCCC; quy hoạch hạ tầng chưa đáp ứng sự phát triển kinh tế xã hội; hệ thống cấp nước chưa đảm bảo công tác PCCC…

Trung tướng Nguyễn Hải Trung nêu quan điểm: “Khi xảy ra vụ cháy ở quận Thanh Xuân, tôi có chỉ đạo trong lực lượng CATP Hà Nội nói chung, lực lượng cảnh sát PCCC nói riêng là không phải bàn về việc loại hình nhà nào ai quản lý. Quan điểm phải là ở đâu có dân, ở đó có phương án PCCC.

Với hộ gia đình rất khó khăn, tôi đề nghị các xã, phường có điều kiện mua sắm, cấp phát cho hộ dân bình chữa cháy; nếu xã hội hóa được thì thực hiện xã hội hóa…”.