Giảm chi phí sản xuất, mới tăng sức cạnh tranh

ANTĐ - Sau đợt điều chỉnh giá xăng dầu và giá điện giữa tháng 3 vừa qua, nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại chi phí sản xuất sẽ tăng,  gây bất lợi về cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Giảm chi phí sản xuất, mới tăng sức cạnh tranh  ảnh 1Nhiều ngành sản xuất có triển vọng khi hội nhập

Chi phí sản xuất đang tăng

Theo kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I-2015 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chi phí sản xuất của các doanh nghiệp đang có xu hướng tăng. Cụ thể, trong quý I-2015, 33,5% số doanh nghiệp cho rằng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm tăng so với quý IV-2014. Chỉ có 10,7% doanh nghiệp khẳng định là chi phí giảm. Về chi phí sản xuất quý II năm nay so với quý I, 28,6% dự báo tăng, điển hình ở các ngành: sản xuất trang phục; in; sản xuất thuốc lá; sản xuất và chế biến thực phẩm; sản xuất thiết bị điện và dệt… Ngoài lý do nguyên vật liệu tăng giá thì chi phí sản xuất tăng một phần do tác động của các yếu tố đầu vào như: giá xăng, giá điện, chi phí nhân công… Diễn biến này tất yếu dẫn đến giá bình quân trên một sản phẩm cũng nhích lên. Trong quý II-2015, 21% doanh nghiệp nhận định giá sản phẩm sẽ tăng lên. 

Năm 2015, nhiều hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia sẽ có hiệu lực. Khi đó, hàng hóa nước ngoài sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam. Hiện nay, hàng tiêu dùng Thái Lan đã có mặt tại nhiều địa phương, cạnh tranh với hàng Việt Nam cả về chất lượng và giá bán. Giá sản phẩm tăng là một bất lợi đối với doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt này. 

Theo lãnh đạo Công ty Đạm Cà Mau, công ty này phải khai thác các lợi thế về mạng lưới vận tải đường thủy để cắt giảm các chi phí, đưa sản phẩm cạnh tranh tới tay người tiêu dùng trong nước và mở rộng xuất khẩu. “Nếu như giá cả thị trường ổn định, các yếu tố đầu vào hợp lý, giữ được nhịp độ sản xuất thì năm 2015 công ty sẽ có nhiều thành công” - đại diện Công ty Đạm Cà Mau nói. 

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần Xích líp Đông Anh cũng cho biết: “Công ty phải tìm cách tiết giảm chi phí sản xuất, đẩy mạnh sáng kiến cải tạo kỹ thuật… Có như vậy sản phẩm mới có sức cạnh tranh khi hội nhập”. 

Vẫn có tín hiệu lạc quan

Tổng cục Thống kê cho biết, cuộc điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh hàng quý ngành chế biến, chế tạo đã nhận được trả lời của 3.245 doanh nghiệp đại diện cho toàn bộ nền kinh tế và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, ngay từ quý I năm nay, các doanh nghiệp đã nhận được đầy ắp đơn hàng, không chỉ trong nước mà cả các đơn hàng xuất khẩu, tích cực hơn nhiều so với quý IV-2014. “Xu hướng đơn hàng trong nước quý II-2015 khả quan hơn quý I-2015. 88,3% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng sẽ tăng lên và giữ ổn định, trong đó 52,1% dự báo tăng và 36,2% dự báo giữ ổn định; chỉ có 11,7% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm” - Báo cáo kết quả điều tra cho hay. Về đơn hàng xuất khẩu, 42,9% doanh nghiệp đánh giá tình hình quý II sẽ tốt hơn những tháng đầu năm. Đáng chú ý, trong các thành phần kinh tế, khu vực doanh nghiệp Nhà nước đưa ra nhận định khả quan nhất về đơn hàng xuất khẩu với 48% dự kiến tăng, trong khi tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp FDI chỉ đạt 45,1%. 

Xét về tổng quan, tình hình sản xuất kinh doanh đang có những tín hiệu tích cực. “Nhiều nước trong đó có Nhật Bản đang đầu tư mạnh vào Việt Nam, tập trung vào các ngành sản xuất như: cơ khí chế tạo, điện tử viễn thông. Các ngành đang rất có triển vọng phát triển”- ông Nguyễn Hoàng- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ nói.