Giảm căng thẳng cho trẻ khi học trực tuyến kéo dài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Học trực tuyến trong thời gian dài khiến trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, tăng áp lực tâm lý, thậm chí stress. Vì vậy, cha mẹ cần giúp con kiểm soát căng thẳng.
Việc học online kéo dài tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của các em học sinh

Việc học online kéo dài tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của các em học sinh

Nghỉ ngơi hợp lý, giúp trẻ giữ kết nối với bạn bè

Khi trẻ có dấu hiệu căng thẳng, mệt mỏi khi học online, cha mẹ hãy cho các con có không gian riêng để nghỉ ngơi giúp trẻ lấy lại tinh thần học tập. Cha mẹ có thể giúp trẻ thư giãn bằng cách thực hiện các bài tập vận động tại chỗ hoặc cho trẻ nghe những bài hát yêu thích. Hãy đảm bảo con được hỗ trợ kết nối, giao lưu với các bạn. Cha mẹ có thể tổ chức các cuộc trò chuyện nhóm cho trẻ hoặc cho con tham gia chương trình cộng đồng trực tuyến bổ ích để các bé được gặp mặt, tâm sự với bạn bè. Khuyến khích trẻ tương tác online với bạn bè ngoài giờ học, sáng tạo các ý tưởng để trẻ có thể có các hoạt động chung như: xem một trận bóng, một bộ phim, thi hát, kể chuyện cười, chơi các trò chơi vui vẻ…

Lập kế hoạch học tập, tránh áp lực thi cử

Cách tốt nhất để giúp trẻ giảm bớt căng thẳng khi học là lập thời gian biểu phù hợp. Với nhiều trẻ, học tập theo lịch trình được xếp sẵn sẽ giúp các em tập trung hơn. Nhiều học sinh cảm thấy áp lực trước mỗi kỳ thi. Do đó, trước mỗi khi con trẻ thi cử bố mẹ hãy biết cách lắng nghe, động viên trẻ, tạo cho trẻ cảm giác an tâm, tinh thần thoải mái. Nếu như trẻ đạt kết quả tốt trong kỳ thi, cha mẹ nên có những phần thưởng khen ngợi, khích lệ để con tiếp tục cố gắng trong các kỳ thi sau. Ngược lại, nếu như trẻ đạt kết quả không tốt trong kỳ thi hãy bình tĩnh, động viên con.

Dành thời gian trò chuyện cùng trẻ

Khi học sinh phải nghỉ học ở nhà do dịch, các cha mẹ hãy dành thời gian để trò chuyện, chia sẻ với con. Cha mẹ nên tổ chức các trò chơi, hoạt động gia đình như chơi cờ, tập thể dục, dọn dẹp nhà, hay nấu ăn cùng nhau… từ đó giúp giải tỏa căng thẳng và gắn kết các thành viên trong gia đình. Đối với học sinh cấp 2, cấp 3 khi học tại nhà, cha mẹ không nên kiểm soát quá, cần cho con không gian riêng tư khi học tập tại nhà, cho trẻ sử dụng điện thoại để kết nối với bạn bè. Chia sẻ với con về những mối quan hệ xung quanh và những điều mà trẻ đang lo lắng để tìm cách tháo gỡ, giúp trẻ thoát khỏi cảm xúc tiêu cực, stress do nghỉ dịch quá lâu tại nhà.

Giữ gìn đôi mắt và xương khớp

Không chỉ về tâm lý, trẻ còn gặp các vấn đề về mắt, xương khớp khi học trực tuyến kéo dài. Nếu làm việc với các thiết bị điện tử (máy tính, điện thoại…) trong thời gian dài, mắt trẻ sẽ phải điều tiết gây ra mỏi mắt, cận thị. Phụ huynh và giáo viên nên áp dụng phương pháp 20-20-20, tức là sau 20 phút, trẻ được khuyến khích nhìn xa 20 feet (khoảng hơn 6m) trong vòng 20 giây. Hoạt động ngoài trời với không gian rộng, tầm nhìn xa trên 6m sẽ có ích cho mắt trẻ, hạn chế cận thị bởi ánh sáng tự nhiên tốt, cường độ ánh sáng cao khiến mắt không phải điều tiết nhiều. Ngoài ra, để trẻ không bị ảnh hưởng xương khớp khi phải tiếp xúc liên tục với thiết bị điện tử nhiều giờ, phụ huynh phải bố trí bàn và ghế cho trẻ ngồi học phù hợp với chiều cao của trẻ, tư thế ngồi học trung tính.

Tiếp xúc nhiều với thiên nhiên hơn

Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng khi trẻ trong độ tuổi từ 10-18 được tiếp xúc nhiều với thế giới tự nhiên, sức khoẻ và sức bền tâm lý của trẻ tốt hơn so với các trẻ khác. Trong điều kiện giãn cách xã hội, cha mẹ có thể cho con trồng cây ở ban công, sân thượng. Nuôi thú cưng cũng là một cách hiệu quả để giảm năng lượng tiêu cực cho tất cả thành viên trong gia đình. Khi các quy định giãn cách được nới lỏng, hãy cho trẻ tiếp xúc nhiều với không gian mở như công viên, vườn hoa với những hoạt động thể chất như chạy nhảy, đạp xe, leo núi sẽ giúp trẻ phát triển cả thể chất và tinh thần.

Tìm trợ giúp từ chuyên gia tâm lý

Trong một số trường hợp, trẻ cần hỗ trợ tư vấn với bác sĩ tâm lý. Khi con gặp khó khăn kiểm soát cảm xúc, hay có các dấu hiệu trầm cảm, hãy liên hệ với bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ tâm lý để được chẩn đoán và hỗ trợ kịp thời. Trẻ càng được hỗ trợ sớm thì khả năng hồi phục và cải thiện ngày càng nhanh chóng. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ cung cấp cho con nguồn năng lượng cần thiết trong suốt quá trình thi cử vất vả và đầy áp lực. Khuyến khích trẻ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc, món ăn nhiều protein như thịt bò, thịt gà, thịt lợn, cá, trứng, sữa… để cơ thể khoẻ mạnh về thể chất và tinh thần.