Giảm bớt áp lực

ANTĐ - Hội thảo “Kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2012” với chủ đề “Đâu là cơ hội cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp”, vừa diễn ra tuần qua là một diễn đàn được giới doanh nghiệp cả nước chờ đợi từ lâu. Dù đã hé lộ những tín hiệu tích cực của nền kinh tế, song năm 2012 được tiên liệu sẽ nhiều thử thách hơn năm 2011. Các dự báo đều cho rằng, kinh tế thế giới năm 2012 sẽ u ám, thậm chí còn tồi tệ hơn rất nhiều so với năm nay. Kinh tế nước ta đương nhiên sẽ phải chịu đựng những áp lực lớn và những doanh nghiệp ở phía dưới càng bị sức ép nặng hơn.

Áp lực từ bên ngoài cộng hưởng với áp lực từ chính nội tại của nền kinh tế như lạm phát, bội chi ngân sách, tăng trưởng tín dụng… vốn đã yếu kém hơn các năm trước. Còn một áp lực không nhỏ từ chính các doanh nghiệp khi đầu vào, đầu ra đều “bí”; sản xuất kinh doanh chật vật, nhất là trong điều kiện nguồn vốn tín dụng hạn hẹp. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, giảm hiệu quả, giảm lao động, thậm chí thua lỗ và phá sản.

Theo các chuyên gia kinh tế, đây là những khó khăn đã được tích tụ từ nhiều năm trước. Báo cáo “môi trường kinh doanh năm 2012” do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính quốc tế vừa công bố đã “đánh” tụt hạng Việt Nam mất 8 bậc, năm nay được xếp hạng 98 trong tổng số 183 nền kinh tế, thấp hơn so với hạng thứ 90 của năm 2010. Giám đốc WB tại Việt Nam cho rằng, trong một môi trường toàn cầu kém thuận lợi, nền kinh tế vật lộn khó khăn, tồn tại hay thịnh vượng sẽ phụ thuộc vào “sức khỏe” của nền kinh tế vĩ mô và “sức khỏe” của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Đối với phần lớn các doanh nghiệp, việc kiên định thực hiện Nghị quyết 11 dù có khắc khổ và khó khăn, nhưng cần thiết để đảm bảo sự sống còn của nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc ấn định hạn mức tín dụng cho các ngân hàng khiến các doanh nghiệp vay vốn rất khó, lãi suất cao quá mức chịu đựng, qua việc chi phí sử dụng vốn, chi phí kinh doanh bị đẩy lên quá cao. Nhiều doanh nghiệp trước nguy cơ đóng cửa, một số cố gắng duy trì chờ thời cơ, hoạt động cầm cự, vay vốn ngoài thị trường chính thức. Đó là nhận định của Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam sau khi khảo sát ý kiến giới doanh nghiệp. Phần đông cho rằng, quan trọng hơn chính sách thắt chặt tiền tệ, Chính phủ nên tập trung vào chính sách tài khóa, chi tiêu công và nỗ lực để hạn chế tình trạng các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh kém hiệu quả. Một số doanh nghiệp thẳng thắn phát biểu, thời gian qua đã tập trung quá lớn nguồn lực cũng như ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước và chưa kiểm soát quá trình đầu tư của khu vực này một cách hiệu quả.

Trong khi đó, doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được tạo điều kiện tương xứng. Do đó, Chính phủ nên cân nhắc những giải pháp giải quyết vấn đề này để tránh tình trạng các doanh nghiệp cùng lúc phải đối mặt với khó khăn “kép”. Đó là tình trạng, trong khi Luật Doanh nghiệp “mở” thì các luật chuyên ngành lại “đóng” hoặc các luật và văn bản của Chính phủ quy định thông thoáng, nhưng văn bản của các cơ quan quản lý lại siết chặt bằng những loại giấy phép “con” hoặc những thủ tục phiền hà không đáng có. Đặc biệt, vẫn có những quy định hiện hành còn phân biệt đối xử, chưa đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế như giữa các doanh nghiệp nhà nước và dân doanh trong việc tiếp cận về tín dụng, đất đai, cơ hội đầu tư, thông tin.

Kinh tế khó khăn thì mọi doanh nghiệp đều phải chịu đựng áp lực. Song những doanh nghiệp ở “tầng dưới” sẽ phải gánh nhiều áp lực chồng chất và nặng nề hơn. Đây chính là những đối tượng cần được giảm bớt sức ép từ mọi phía để có thể vươn lên và đứng vững.