Phản hồi sau khi công bố một kỳ thi quốc gia:

Giảm áp lực thi cử, tăng thêm cơ hội cho học sinh

ANTĐ - Hàng triệu nhà giáo, phụ huynh và học sinh đặc biệt quan tâm tới những thay đổi lớn trong tổ chức một kỳ thi quốc gia vào năm 2015. Báo An ninh Thủ đô đã ghi lại ý kiến của các bên liên quan.

Đổi mới một kỳ thi quốc gia sẽ bắt đầu từ năm 2015

Bà Nguyễn Thị Nhiếp-Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú-Đống Đa, Hà Nội: Khối D sẽ đông đảo, khối A-C vắng vẻ

“Tôi thấy rằng, việc Bộ GD-ĐT quyết định tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thay vì phải tổ chức 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ là một bước thay đổi quan trọng. Có thể chưa suôn sẻ ngay, Bộ GD-ĐT sẽ có điều chỉnh trong quá trình thực hiện vì vậy chúng tôi không hoang mang trước thông tin này. 

Để chủ động bắt nhịp ngay với những nét mới này, nhà trường đã có kế hoạch từ cuối tuần này sẽ thông báo đầy đủ thông tin về kỳ thi quốc gia tới phụ huynh học sinh. Thông tin này cũng được nhà trường phổ biến tới giáo viên tại buổi họp hội đồng ngày 11-9. Mục đích của nhà trường là đảm bảo phụ huynh nắm bắt được thông tin để giúp các con em mình định hướng học tập, cùng với thầy cô chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp tới.

Về tác động của chính sách mới, tôi cho rằng sẽ có biến động về cách chọn phân ban của học sinh hiện nay. Do lợi thế các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới nghiêng về học sinh khối D, do đó, có khả năng phụ huynh muốn con em mình chuyển từ khối A, khối C sang khối D… Những điều chỉnh này chắc chắn sẽ gây xáo trộn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ lắng nghe mọi đề nghị của phụ huynh và có định hướng phù hợp. Tôi cho rằng khối D sẽ rất đông thí sinh đăng ký, trong khi đó khối A, khối C sẽ vắng vẻ hơn”.

Bà Nguyễn Thu Hiền, Cán bộ nghỉ hưu, quận Hoàng Mai, Hà Nội: Áp lực thi cử sẽ giảm

“Tôi rất mừng khi chúng ta quyết định phương án một kỳ thi quốc gia. Sang năm 2015, có thể một số trường ĐH-CĐ ở Hà Nội vẫn tổ chức thi tuyển nhưng với phương án vừa được Bộ GD-ĐT công bố, sức ép thi cử chắc chắn sẽ giảm đáng kể, bởi kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ như một màng lọc để các trường ĐH-CĐ lựa chọn thí sinh đầu vào theo nhu cầu của mình.

Nhớ lại những năm gần đây, cứ tới những ngày tháng 7 nắng đỏ lửa, nhà tôi lại có 2-3 cháu ở quê ra ở nhờ ít hôm để thi ĐH-CĐ. Cả Hà Nội trong gần 10 ngày cứ sôi sùng sục vì hàng triệu thí sinh và người nhà khăn gói dồn về Thủ đô ứng thí. Tốn kém, căng thẳng cho thí sinh và người nhà đã đành, người dân Hà Nội cũng bị ảnh hưởng lây khi giao thông ùn ứ, các bến tàu, bến xe đông nghẹt người chen lấn khổ sở... Sang năm 2015, với phương án một kỳ thi quốc gia, tôi nghĩ dòng người chen chân đổ về Thủ đô chắc chắn sẽ giảm nhiều. Thủ đô sẽ thông thoáng hơn và bớt ngột ngạt trong những ngày tháng 7. Tất nhiên, Bộ GD-ĐT cũng phải tính toán rất kỹ vì nếu nhiều trường cùng sử dụng chung một kết quả thi, tình trạng thí sinh ảo, cùng lúc đăng ký vào nhiều trường ĐH-CĐ là khó tránh khỏi. Từ nay tới kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2015 còn nhiều thời gian, tôi tin là Bộ GD-ĐT và các chuyên gia sẽ đưa ra được cách tổ chức thi hợp lý”.

Ngô Phương Vy, học sinh lớp 12D2, trường THPT Trần Phú-Hoàn Kiếm: Hy vọng đề thi không quá khó

Giảm áp lực thi cử, tăng thêm cơ hội cho học sinh  ảnh 3

“Ngay tại buổi học thêm chiều tối 9-9, giáo viên Chủ nhiệm lớp em đã thông báo với học sinh về quyết định tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2015. Chúng em không quá bất ngờ vì đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho những thay đổi. Nhìn chung, thuận lợi nhất vẫn là học sinh thi khối D, tâm lý sẽ rất nhẹ nhàng khi tham gia kỳ thi này. Còn với các bạn khối A, lo ngại nhất là môn Văn và tương tự khối C là môn Toán. 

Việc không phải thi liền 2 kỳ thi lớn trong vòng 1 tháng cũng là thuận lợi. Chúng em hy vọng  đây là năm đầu tiên triển khai kỳ thi quốc gia, nên có thể đề thi sẽ không quá khó”.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, phụ huynh trường THPT Kim Liên, Hà Nội: Phụ huynh cần phải tính toán kỹ

“Việc giảm bớt các kỳ thi sẽ giúp các gia đình bớt gánh nặng cả về tâm lý cũng như kinh tế. Tuy nhiên, ở các năm học sau, các cháu sẽ có nhiều thời gian chuẩn bị còn với học sinh lớp 12 năm nay, sẽ chịu áp lực nhất định chưa kể là không biết bao giờ các trường đại học mới công bố hình thức tuyển sinh. Để tránh tình trạng bị động, tôi và gia đình đưa ra cho con nhiều phương án để lựa chọn, trong đó có tính đến việc đăng ký vào các trường ĐH liên kết với nước ngoài. Mặc dù vậy, với nhiều gia đình không có điều kiện đây quả là một bài toán lớn, cần tính toán kỹ. Hy vọng rằng nhà trường, các chuyên gia giáo dục sẽ tích cực hỗ trợ thông tin và sớm ổn định các chính sách đổi mới để học sinh yên tâm tập trung và học tập”.