Giảm 30% thuế thu nhập với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ: Ít hay nhiều?

ANTD.VN - Sáng nay, 16/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Có ý kiến cho rằng cần tăng mức giảm thuế, thậm chí miễn đối với các doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ, vì mức giảm 30% là ít, nhất là khi nhiều doanh nghiệp trong năm 2020 sẽ không có doanh thu để nộp thuế.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, PGS. TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính lại cho rằng mức giảm 30% là phù hợp, vừa hỗ trợ doanh nghiệp lại vừa phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách.

Giảm 30% thuế thu nhập với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ: Ít hay nhiều? ảnh 1

PGS.TS Lê Xuân Trường

- Thưa ông, tại Dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với DN nhỏ và siêu nhỏ, Bộ Tài chính đã đề xuất mức giảm 30%. Theo ông, việc giảm thuế TNDN lần này và các chính sách tài khóa hỗ trợ DN trước đó có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh DN đang gặp khó khăn vì Covid-19?

- PGS.TS Lê Xuân Trường: Trong bối cảnh Covid-19, có 2 nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn nhất. Nhóm thứ nhất là các doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực bị suy giảm nhu cầu hoặc bị khó khăn bởi nguồn cung nguyên liệu hoặc lao động như du lịch, khách sạn, dệt may, da giầy, kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu… Đối với nhóm này, Chính phủ đã thực hiện gia hạn nộp thuế 5 tháng, gia hạn tiền thuê đất. Ngoài ra, còn giảm một số khoản lệ phí.

Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nhóm này do nguồn lực tài chính không mạnh nên dễ bị tổn thương bởi những điều kiện khó khăn của thị trường. Đối với nhóm này, lần này Chính phủ đề nghị Quốc hội giảm 30% số thuế TNDN phải nộp năm 2020.

Tôi nghĩ rằng với đặc thù khó khăn của các nhóm đối tượng khác nhau thì chính sách tài khóa hỗ trợ các doanh nghiệp này là rất phù hợp, bởi lẽ, với nhóm đối tượng gặp khó khăn tạm thời do đặc thù của lĩnh vực kinh doanh thì việc gia hạn nộp thuế, gia hạn tiền thuê đất giúp các doanh nghiệp có nguồn tài chính vượt qua khó khăn. Khi dịch bệnh được khống chế, các doanh nghiệp này sẽ phục hồi và phát triển kinh doanh trở lại và có nguồn tiền để nộp thuế cho Nhà nước.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bên cạnh được gia hạn nộp thuế, còn được hưởng thêm hỗ trợ giảm thuế TNDN để các doanh nghiệp này có thêm một nguồn tài chính khắc phục khó khăn. Với số thuế TNDN dự kiến giảm là 15.840 tỷ đồng thì đây chính là nguồn tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vượt qua khó khăn.

- Một số ý kiến đánh giá mức giảm 30% là thấp, chưa đủ hỗ trợ DN, vì rất nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ làm ăn không có lãi, thậm chí lỗ trong bối cảnh dịch bệnh. Quan điểm của ông thế nào?

- PGS.TS Lê Xuân Trường: Chính sách hỗ trợ của Nhà nước phải là chính sách hỗ trợ có điều kiện và phải cân đối tổng thể các yếu tố tác động đến các doanh nghiệp, nền kinh tế và cân đối ngân sách nhà nước. Việc giảm thuế TNDN đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có nghĩa là Nhà nước hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ gặp khó khăn nhưng đã tự tìm mọi cách phát triển và có tiềm năng phát triển, nếu được hỗ trợ sẽ phát triển tốt hơn. Nhà nước không thể và cũng không nên hỗ trợ những doanh nghiệp kém cỏi.

Ở đây, sự can thiệp của Nhà nước phải tôn trọng quy luật thị trường, phải chấp nhận quy luật cạnh tranh, những doanh nghiệp có năng lực kém, không phù hợp với thị trường phải chấp nhận bị đào thải.

Còn về mức độ giảm thuế, trong bối cảnh hiện nay nếu khả năng cho phép thì hỗ trợ được nhiều hơn thì tất nhiên là tốt hơn cho các DN nhưng việc hỗ trợ cho DN còn phải đảm bảo sao cho Nhà nước vẫn có đủ nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chi nhà nước.

Theo đó, trong bối cảnh dịch bệnh, nguồn thu giảm nhưng ngân sách lại phải tăng chi, bao gồm tăng chi cho y tế, chi cho hỗ trợ những đối tượng chính sách. Vì lẽ đó, mức giảm thuế TNDN 30% là hài hòa, vừa hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khắc phục khó khăn, vừa đảm bảo Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ chi cho phát triển kinh tế - xã hội.

- Năm nay, ngân sách Nhà nước đứng trước hàng loạt khó khăn về nguồn thu, theo ông với việc giảm nhiều loại thuế phí thì bài toán cân đối ngân sách sẽ ra sao?

PGS.TS Lê Xuân Trường: Sẽ có 2 hướng cơ bản để giải quyết bài toán này. Hướng thứ nhất là tiết kiệm chi. Theo đó, cần rà soát kỹ để cắt giảm những khoản chi chưa thực sự cần thiết, đặc biệt là các khoản chi hoạt động hành chính, hội họp… của các cơ quan nhà nước, hoãn lộ trình tăng lương cơ sở…

Ở đây cần lưu ý là chỉ cắt giảm những khoản chi chưa thực sự cần thiết, còn chi cho đầu tư phát triển thì vẫn phải thực hiện theo kế hoạch để đảm bảo kích cầu nền kinh tế và đảm bảo đúng kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Hướng thứ hai là tăng cường các giải pháp chống thất thu ngân sách như tăng cường và nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra thuế; nâng cao hiệu quả đôn đốc thu nộp thuế, giảm nợ thuế…

- Theo ông, để chính sách thực sự phát huy, vấn đề thực thi cần lưu ý những vấn đề gì?

- PGS.TS Lê Xuân Trường: Theo đề xuất của Chính phủ, việc giảm thuế TNDN lần này thực hiện theo cơ chế tự tính thuế của người nộp thuế. Tức là, DN tự xác định khi kê khai thuế, DN không phải làm thủ tục để xin được giảm thuế.

Như vậy, để chính sách thực sự phát huy thì làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến để các doanh nghiệp hiểu và tự xác định mình có thuộc đối tượng được giảm thuế không. Đồng thời, cơ quan thuế các cấp cần hướng dẫn để các doanh nghiệp kê khai đúng theo quy định, tránh trường hợp xác định sai dẫn đến bị xử phạt khi cơ quan thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế.