Yêu Hà Nội trong im lặng

(ANTĐ) - Đưa những di tích lịch sử và giá trị văn hóa của Hà Nội lên phim nhưng bằng một thứ ngôn ngữ ký hiệu mà chỉ những người khiếm thính mới có thể hiểu được. Những tập đầu tiên trong series phim tài liệu cảm động về Hà Nội dành cho cộng đồng người khiếm thính đã gây sự chú ý đặc biệt...

 Phim được thực hiện bởi các nhà làm phim trẻ và nghiệp dư

 Phim được thực hiện bởi các nhà làm phim trẻ và nghiệp dư

Không chỉ còn rất trẻ, toàn bộ êkíp thực hiện series phim tài liệu đặc biệt trên, từ biên kịch, đạo diễn, quay phim, dẫn chương trình... đều là những người "tay ngang" với môn nghệ thuật thứ bảy. Một nhóm thành viên chưa đầy 10 người hội tụ từ các trường cao đẳng và đại học trên địa bàn Hà Nội được phân thành: ban biên tập, ban đạo diễn, ban kỹ thuật và ban điều phối.

Đạo diễn và biên kịch do hai sinh viên đang theo học sân khấu điện ảnh phụ trách. Phương tiện tác nghiệp thì được ví von là không thể... "thô sơ" hơn, phim quay bằng máy quay du lịch, về dựng bằng phần mềm trên máy tính, tiếng lồng bằng điện thoại. MC thay vì đứng nói thì đứng... múa bằng ký hiệu. Nhưng cũng chính sự tối giản đến không ngờ ấy khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên và cảm động khi xem những thước phim ý nghĩa này.

Bỏ qua lời nói, chỉ có những ký hiệu bằng tay song câu chuyện về lịch sử tháp Bút hồ Gươm, về cổng Tam Quan, Khuê Văn Các, bia Tiến sĩ trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám, về lịch sử của mảnh đất Thủ đô nghìn năm văn hiến trong dòng chảy lịch sử từ xưa đến nay… vẫn hiện lên dung dị mà đầy sống động.

Gọi đây là một bộ phim tài liệu đặc biệt không chỉ bởi nó dành riêng cho người khiếm thính, mà còn vì những thước phim đó được làm bởi những người trẻ nghiệp dư với điện ảnh. Nói đúng hơn thì họ là những người trẻ bình thường đang tình nguyện làm công việc chuyển ngữ của người khiếm thính. Như lời cô gái trẻ Thanh Hoa (Trung tâm Ngôn ngữ ký hiệu Hà Nội), người đưa ra ý tưởng thực hiện series phim này thì mong muốn đầu tiên và lớn nhất của nhóm khi bắt tay vào làm phim chỉ đơn giản là để người khiếm thính hiểu hơn về lịch sử hào hùng của Thủ đô và quê hương đất nước.

Tốt nghiệp ngành Kế toán, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tình cờ theo học lớp dạy kỹ năng giao tiếp với người khiếm thính, Thanh Hoa nhận ra họ rất “ngơ ngác” trước những thông tin kiến thức về cuộc sống xung quanh mình, từ những kiến thức lịch sử văn hóa mà người bình thường nào cũng biết như truyền thuyết về cụ Rùa ở hồ Gươm, chuyện dời đô của Vua Lý Thái Tổ, sự ra đời của Văn Miếu Quốc Tử Giám... đến những kiến thức đời thường kiểu như tại sao lại cắm biển đánh số ở những thân cây cổ thụ trong thành phố. Vậy là từ bỏ suy nghĩ trở thành một kế toán viên, Thanh Hoa quyết tâm bằng mọi giá phải giúp người khiếm thính hòa nhập với đời sống cộng đồng. Và những thước phim là cách nhanh nhất và hữu dụng nhất để giúp họ hiểu biết về nơi mình đã sinh ra và lớn lên.

Lần đầu mày mò làm phim, lại là phim về đề tài lịch sử, mọi việc từ viết kịch bản, dựng hình, âm thanh đến cả địa điểm khai máy đầu tiên đều được cả nhóm bàn bạc cẩn trọng. Sau nhiều lần bàn luận, cuối cùng đoàn làm phim quyết định chọn hồ Hoàn Kiếm là địa danh đầu tiên mở màn cho series phim tài liệu đặc biệt này.

Nhớ lại những ngày đầu bắt tay vào làm phim, hôm nào nhóm chọn quay cũng gặp phải trời mưa, có khi đang quay dở thì máy lại trục trặc, chuyển sang dùng máy khác thì khuôn hình không khớp với nhau nên đành phải làm lại từ đầu, cứ thế phải mất đến cả tháng trời mới lấy được gần chục phút phim ưng ý cho tập phim về hồ Hoàn Kiếm.

Song không nản mà ngược lại, các nhà làm phim nghiệp dư càng quyết tâm không làm qua loa mà phải làm thật cẩn trọng, làm cho "ra tấm ra món" để có thể bù đắp nỗi thiệt thòi cho những người khiếm thính. "Cũng may nhiều người đồng cảm với công việc của mình nên càng có động lực hơn" - Thanh Hoa tâm sự. Như lần đi quay trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thấy đoàn làm phim di chuyển khắp nơi mà từ đạo diễn đến diễn viên đều ra hiệu với nhau bằng... tay, nhiều du khách tò mò đứng lại xem kín đặc, khi hiểu ra công việc mà cả nhóm đang làm thì ai nấy đều tỏ lòng cảm kích. Có bận, đang quay gặp đúng lúc trời mưa, nhiều du khách còn tình nguyện đứng cầm ô che cho "phiên dịch viên" để cả nhóm có thể tiếp tục làm phim.

Đến giờ, hai tập đầu tiên làm về hồ Gươm và Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong series phim tài liệu đặc biệt này đã được hoàn tất, nhóm làm phim vẫn đang tiếp tục chuẩn bị kịch bản để nối dài những tập tiếp theo. Mà ở đó không chỉ giới hạn trong địa danh lịch sử mà còn có cả những câu chuyện văn hóa, ẩm thực và cả những địa điểm vui chơi giải trí của người Hà thành, từ nội đô cho đến những di tích ngoại thành Hà Nội. Phim sau khi hoàn tất sẽ được trình chiếu rộng rãi qua nhiều kênh xã hội với mong muốn giúp người khiếm thính có cơ hội hiểu thêm về lịch sử hào hùng của Thủ đô nghìn năm văn hiến và biết về vẻ đẹp của Hà Nội tự nghìn năm nay.