Yên ả sông nước miệt vườn Nam bộ

ANTD.VN - Mất hơn tiếng đồng hồ từ Sài Gòn là đã tới Tiền Giang. Từ thành phố Mỹ Tho, xuống thuyền chạy dọc sông Tiền rồi chuyển sang ghe nhỏ đi vào những kênh rạch chằng chịt. Phàm là sông thì ở đâu chẳng giống nhau, cũng là nước đục lờ, mênh mông trải dài đôi bờ cây cối, nhưng kênh rạch thì chỉ nơi này mới vậy. 

Con kênh xanh xanh êm ả lúc nửa trưa, nước nâu gằn chứ chẳng xanh, nhưng tươi rợp cây cối rậm rì và biếc xanh bầu trời vùng châu thổ. Kênh nhỏ hẹp, những rặng bần, môn tĩnh lặng đến độ tiếng khỏa nước từ mái chèo thuyền gỗ nghe rõ từng nhịp. Chỉ hiềm nỗi người chèo ghe ấy thường là một chị trung niên già trước tuổi, cũng vẫn nón lá nhưng mặc bộ đồ vải hoa Trung Quốc cọc cạch, áo hoa nâu, quần lại hoa tím, chân đi dép lê.

Ghe nào trên kênh cũng chở tới ba bốn ông bà du lịch luôn có nhu cầu giảm cân, sức đâu mà còn hò câu vọng cổ. Khách đi ghe thường hối hả chụp ảnh, ghe nọ chụp với sang ghe kia, chụp xong cũng ngồi im thít giống chị chèo ghe mà lơ láo ngắm nhìn những cây cầu khỉ. Yên tĩnh quá nơi này, nỡ nào mà nói chuyện ầm ào như đi thuyền trên suối Yến để vào lễ chùa Hương. 

Vườn cây ăn trái khổng lồ ở Vĩnh Long

Khắp miền sông nước Nam bộ kênh rạch chằng chịt, nên ngó đâu cũng chẳng thể vắng bóng cây cầu, cầu tre vắt vẻo như làm xiếc, cầu ván gỗ ọp ẹp gai người. Người mẹ mới ru con: “Ví dầu cầu ván đóng đinh. Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi”. Người con trai Cần Thơ thì hò “Cầu tre lắt lẻo anh thắt thẻo ruột gan”. 

Xuồng trôi qua những cù lao đầy hoa trái. Miệt vườn là đây. Từ thuở đi khai hoang mở đất, người miền Tây đã nhận ra lợi ích của vườn cao hơn nhiều lợi ích từ ruộng, và chỉ những vùng ven sông Tiền, sông Hậu như Cần Thơ, Mỹ Tho, Sa Đéc, Vĩnh Long mới đích thị miệt vườn. Trai trưởng thành, có vườn có tược ấy cầm chắc là người sung túc, trung lưu. Gái miệt vườn ắt vô cùng có giá, tấp nập trai phương xa đến tán tỉnh, đưa rước: “Ghe ai đỏ mũi xanh lườn/ Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em?”. Người về già, sống giữa điền viên cũng là mang mệnh số sung sướng, nhàn tản. Làm ruộng cực nhọc hơn làm vườn. Làm vườn tất sang trọng hơn cày ruộng. 

Thời xưa thế, còn kỷ nguyên công nghệ, vườn cũng chẳng bớt giá đi chút nào. Vườn, ngoài lợi tức sinh cây trái bán lấy lãi thì còn là nơi làm du lịch. Ghe thả chúng tôi vào một vườn cây ăn trái khổng lồ ở Vĩnh Long, lối đi ngoắt ngoéo xen giữa những xanh um chồi lá. Các cư dân trên cù lao ẩn hiện sau những khu vườn sai trĩu quả. Mục đích của chuyến du lịch sinh thái này cũng chỉ có vậy, chiêm ngưỡng nền văn minh sông nước và miệt vườn đã tồn tại gần 4 thế kỷ nay. Chúng tôi được dẫn vào một sảnh lớn lợp lá. 

Chủ vườn đã bày sẵn những đĩa trái cây ngon lành trên bàn: mít vườn ngào ngạt, bưởi tép nhỏ ngọt lịm, thanh long thơm mát. Mỗi tội những đĩa trái cây nhỏ xíu giống như “mồi”. Khách muốn ăn thêm thì vào vườn hái lên… cân. Tour này không “bao ăn” trái trong vườn.

Đầu tháng 5, cây trái Nam bộ đang vào mùa, sum suê ứa nước miếng. Ngoài sản phẩm trái chín cây thì còn có rượu lên men từ các loại hoa quả đóng trong chai Lavie mà ông chủ vườn nhiệt tình tiếp thị, mời khách nếm thử, song rút cục chẳng bán được chai nào.

Trong vườn có nhiều nếp nhà phên lá dành cho khách Tây muốn ở homestay. Nội thất bên trong đơn sơ hệt thuở đất rừng Phương Nam vẫn còn hoang vu nhiều cá sấu như trong tiểu thuyết của Đoàn Giỏi, nhưng không thể thiếu một vật thiết yếu là cái mùng (màn). Chỉ Tây ở thôi, người Việt thì sẽ vào khách sạn trong phố ở chứ đã quá ngán ngẩm “đặc sản muỗi” ở miệt vườn. 

Nghe nhạc giữa trưa vã mồ hôi

Trước mắt chúng tôi có một “sân khấu nhỏ”, là hai ghế đẩu đặt trên sàn lát gạch đỏ, đằng sau có chiếc phản gỗ láng bóng, võng treo ở trên, có lẽ là nơi nghỉ ngơi, hóng mát của chủ nhà những lúc vắng khách. Đó là sân khấu nhạc thính phòng dành cho những show diễn đờn ca tài tử phục vụ khách đến thăm vườn. Hai nhạc công ngồi ghế đệm đàn kìm (nguyệt cầm) và đàn ghi ta, thêm hai nữ tài tử mặc áo bà ba và một nam tài tử chít khăn rằn, quần xắn gối ca bản “Dạ cổ hoài lang” và “Tình anh bán chiếu”.

Tây đến xứ Việt, đi đâu cũng được nghe nhạc. Ra Bắc, guide bắt nghe quan họ, vô Nam ép nghe đờn ca tài tử, lửng lơ khúc giữa miền Trung nghe nhã nhạc cung đình, mà lên mạn Tây Nguyên lại ầm ì tiếng cồng chiêng. Chưa kể đến địa phương nào có ngay chiếu nhạc nơi ấy. Chỉ vài ba chiếc ghế đã thành sân khấu và bảo tàng trưng bày di sản phi vật thể. 

Ngồi giữa vườn cây um tùm lá, ngoài kia là bờ kênh, nhưng không thấy mát mẻ hơn chút nào, trái lại vẫn nóng bức đến phát điên. Nghe nhạc giữa trưa vã mồ hôi thế này thực kỳ khôi. Vọng cổ thì ủ ê, não nề. Nhưng ấy mới đúng là không khí Nam bộ. Người sinh ra ở đất Phương Nam ít khi nào cảm thấy nóng, chắc thế. Tôi đoán vậy vì đi khắp từ Sài Gòn qua các tỉnh đồng bằng Nam bộ đều bắt gặp những chiếc quạt treo tường lờ đờ quay bên nọ bên kia. Lắm lúc ngồi tiệm ăn nực nội, bực bội quá mới gắt với chủ quán rằng sao không kiếm cái quạt nào công suất lớn hơn, quạt như này chỉ đủ để… hút gió nóng từ ngoài vào. 

Dòng Hậu Giang yên tĩnh mơ màng

Tất cả những gì được bán ở chợ đất liền thì chợ nổi đều có. Ghe này gọi với sang ghe kia mua hủ tiếu, bún nước lèo, cháo cá lóc, bánh mì kẹp... cho bữa đầu ngày. Ăn sáng luôn trên ghe. Shopping quần áo, gương lược, son phấn cũng ở trên ghe. Chỉ hiềm quần áo không được... thời trang cho lắm. Quán nhậu và quán giải khát thường ở lại đến tận vãn chợ. Ghe bán đồ uống treo biển “Quán Giải Khát”, bán cà phê, nước ngọt, bia, thuốc lá... chủ yếu phục vụ khách thương hồ. Khách du lịch chỉ xem một cách thích chí và chụp ảnh nhoay nhoáy chứ chẳng mấy khi mua gì.

Có những gia đình sống cả trên mặt sông. Cửa hàng trên thuyền đã đành mà nhà ở cũng ngay tại chỗ. Trẻ con thành phố mỗi lần mấp mé ra nước đã bị cha mẹ cuống quýt xua vào. Nhưng những bé con lớn lên cùng sông nước cứ ngồi ủ ê trên mạn thuyền ngày này qua tháng nọ mà chẳng bố mẹ nào phải trông nom. Ở vị trí nguy hiểm ấy, chúng cũng không thể rớt xuống sông. Trời sinh voi Trời sinh cỏ là thế. Cư dân lưu vực sông Mê Kông đã thích nghi với những dòng chảy xiết từ bao đời. 

Tôi trèo lên nóc thuyền, ngồi khoanh chân ăn bòn bon, trái thơm, vú sữa... giá rẻ bằng một nửa trên đất liền. Trái khóm mua từ dưới ghe to bằng quả dưa gang mà ngọt lịm. Muốn ăn gì cứ gọi cho xuồng áp sát mạn tàu rồi tha hồ mặc cả, cân kẹo. Nắng đã lên đỉnh đầu, xuồng đã vãn. Những ghe sặc sỡ trái cây dần biến mất trên mặt sông, trả lại một dòng Hậu Giang yên tĩnh mơ màng. Êm ả quá nơi này. Những căng thẳng chốn đô thị và còn sót chút nào nỗi u ám kiếp người, phút chốc rồi cũng tan chảy theo nước lòng sông.