Ý tưởng du lịch cũng bị "nhái"

ANTĐ - Copy từ hình thức, bố cục, màu sắc… cho đến dịch vụ, nếu những người làm du lịch không có ý thức về việc giữ bản quyền thì rất có thể họ cũng là nạn nhân của việc “đạo” ý tưởng. 

Từ sao chép y nguyên bản gốc

Nhu cầu về trải nghiệm cuộc sống năng động, nhất là khách du lịch nước ngoài khiến cho những người làm du lịch ở Việt Nam luôn trăn trở nghĩ ra nhiều kiểu mô hình khách sạn, nhà nghỉ mới lạ. Nếu như kiểu khách sạn với những cách bài trí, phòng ốc giống nhau đã trở nên xưa cũ, thì các mô hình nhà độc như “nhà ống cống”, “nhà con nhộng”, “nhà tổ ong”… lên ngôi.

Thoạt nhìn, dự án bên phải trông không khác gì bản gốc “The Circle Vietnam” (trái)

Chính vì tính “độc và lạ” nên chẳng bao lâu sau khi ý tưởng ra đời, ngay lập tức có vô số các mô hình “nhái” lại. The Circle Vietnam tại Đà Lạt là một trường hợp như vậy. Đi vào hoạt động từ tháng 11-2015, gồm nhiều phòng ngủ dạng ống cống được sơn nhiều màu sắc, nội thất đơn giản nhưng tiện nghi, phù hợp với các chuyến đi dã ngoại, ngay lập tức đã trở thành điểm đến được nhiều bạn trẻ yêu thích khi đặt chân tới xứ sở của những loài hoa. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, cũng ở Đà Lạt đã xuất hiện một dự án nhà ở y hệt như The Circle Vietnam. 

Không chỉ sao chép cách bài trí, sắp xếp, dự án trên còn “học tập” bản gốc các dịch vụ đi kèm như đốt lửa, cắm trại… Ngay cả số lượng buồng ngủ, màu sắc các buồng cũng không khác gì bản gốc. Ông Nguyễn Ngọc Dương, quản lý của The Circle Vietnam chia sẻ, người chủ của dự án này có đến tham quan và ngỏ ý hợp tác.

Những người thực hiện dự án The Circle Vietnam cũng chỉ nghĩ rằng họ đến để xem nên rất thiện chí trao đổi thông tin. Nhưng không ngờ họ lại sao chép y hệt bản chính trong khi The Circle Vietnam chưa kịp đăng ký bản quyền. Nếu nhìn qua, chắc không ít người nhầm lẫn giữa 2 khách sạn này. Và chuyện mất khách là đương nhiên. 

Đến “học tập” ý tưởng 

Nếu tìm kiếm từ khóa “du lịch dã ngoại” trên công cụ tìm kiếm ở Việt Nam, du khách sẽ nhận được hàng chục kết quả. Không chỉ dừng lại ở mô hình lều trại, người làm du lịch còn sáng tạo ra vô số kiểu nhà gỗ, nhà mái lá… để thỏa mãn nhu cầu của du khách muốn gần gũi với thiên nhiên. Nhưng cũng chính vì thế, chuyện mượn ý tưởng lại càng trở nên phổ biến.

Khu du lịch Coco Beach Lamp thuộc thị xã Lagi, Bình Thuận không chỉ nổi tiếng với các lều trại dọc bãi biển mà còn được cho là nơi đầu tiên xây dựng hệ thống nhà gỗ nhiều màu sắc - Beach Huts tại Việt Nam. Những dãy nhà xinh xắn san sát nhau lấy cảm hứng từ những ngôi nhà gỗ trên bãi biển Brighton, Australia, ngay khi ra đời đã gây “sốt” bởi tính  độc đáo, trẻ trung của nó.

Tuy nhiên, sau đó không ít căn nhà gỗ với kiến trúc nhang nhác như vậy cũng mọc lên nhan nhản ở Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang… và ngay chính tại Bình Thuận. Nếu có điểm khác thì chỉ là thay đổi màu sắc và đặt ở những điểm du lịch mới. Cùng chung “số phận” với Coco Beach Lamp là khu du lịch Mocchau Arena Village, Sơn La - nơi nổi tiếng với các căn nhà bằng container tọa lạc giữa cao nguyên Mộc Châu xanh mướt.

Mất hàng năm trời để soạn thảo và thực hiện hóa ý tưởng, từ tìm chất liệu đạt tiêu chuẩn đến các công đoạn xin giấy phép, vận chuyển… nhưng nay mô hình này cũng không còn là độc quyền của Mocchau Arena Village nữa. Từ năm 2016, một khu cắm trại ở Bình Thuận cũng đã đưa những căn nhà container vào bãi biển Mũi Kê Gà. Chỉ khác là khu du lịch cắm trại này đã thiết kế thêm những lều trại và cả những phòng ngủ bằng gỗ để du khách có nhiều lựa chọn. Nếu so với bản gốc thì tổ hợp cắm trại này hứa hẹn sẽ chiều lòng nhiều đối tượng khách du lịch hơn. 

Chuyện “đạo”, “nhái” ý tưởng trong du lịch không phải  mới, ngay cả trong các doanh nghiệp lữ hành. Giám đốc một công ty du lịch dành cho giới trẻ, chuyên tổ chức các tour du lịch mạo hiểm cho biết, anh đã từng mất nhiều tháng để lên ý tưởng, khảo sát địa hình, đặt trang thiết bị… để xây dựng ý tưởng cho tour du lịch mới mà trước đó chưa có doanh nghiệp nào đứng ra làm.

Nhưng khi vừa chạy thử nghiệm được một vài tuần  đã có công ty du lịch khác công bố chương trình tour y hệt trên trang web của họ. Mặc dù rất bực tức vì công sức của mình bị cướp trắng, tuy nhiên doanh nghiệp trên cũng đành “bó tay”. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho những người làm du lịch, đồng thời có biện pháp để bảo hộ quyền tác giả, nếu không muốn là nạn nhân của việc cạnh tranh không lành mạnh. Rõ ràng đây không chỉ là ý thức, mà còn là việc xây dựng và giữ gìn thương hiệu trong du lịch.