Xung quanh việc đếm đầu ti vi thu tiền tác quyền âm nhạc

ANTD.VN -Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) vừa có văn bản gửi nhiều khách sạn trên địa bàn TP Đà Nẵng yêu cầu trả tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc trên tivi. Số tiền không lớn, 25 nghìn đồng/tivi/năm nhưng việc thu tiền nghe nhạc qua tivi khiến nhiều người “không tin vào sự thật”.

Chuyện bình thường, có gì ngạc nhiên!

Đó là khẳng định của ông Phó Đức Phương (Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam). Việc thu tiền sử dụng âm nhạc ở các khách sạn tại Đà Nẵng đã tiến hành 3-4 năm nay. Riêng Hà Nội và TP.HCM đã thực hiện được 10 năm, còn thế giới, người ta thu cả trăm năm nay rồi.

Ông Phương giải thích: “Cá nhân, tập thể kinh doanh ở lĩnh vực nào không biết, nhưng đã sử dụng âm nhạc nhằm phục vụ mục đích kinh doanh thì phải trả tiền tác quyền”. Ông Phương nhấn mạnh: “Luật đã quy định rõ ràng, các khách sạn ở Đà Nẵng có trách nhiệm phải tự tìm hiểu để làm cho đúng. Đồng thời, Trung tâm tác quyền cũng sẽ có trách nhiệm giải thích cho rõ".

Văn bản của Trung tâm  Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam gửi các khách sạn Đà Nẵng (ảnh Trường Trung)

 “Tivi mà dùng riêng ở gia đình thì không có vấn đề gì nhưng ở đây là dùng trong kinh doanh thì phải trả tiền tác quyền. Chỉ cần làm một phép so sánh thế này, nếu không có tivi, dịch vụ của khách sạn sẽ bị giảm. Việc sử dụng tivi là để nâng cao chất lượng dịch vụ. Qua tivi có âm nhạc thì có nghĩa là âm nhạc đã được các chủ khách sạn sử dụng vào mục đích kinh doanh. Như vậy thì việc phải trả tiền tác quyền là đương nhiên”- Nhạc sĩ Phó Đức Phương lý giải việc đếm đầu vi ti thu tác quyền.

Không ngạc nhiên nhưng khó giải thích ngọn ngành

Theo công bố của Trung tâm  Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, trong năm 2016, tổng số tiền tác quyền âm nhạc thu được từ các khách sạn, nhà hàng là 3 tỷ đồng. Khi phóng viên đặt câu hỏi, số tiền tác quyền âm nhạc phát qua tivi đã thu được bao nhiêu từ các khách sạn trong 10 năm qua, ông Nguyễn Hoàng Giang (Giám đốc khu vực phía Bắc của VCPMC) cho biết hiện chưa có thống kê cụ thể vì số tiền thu được rất nhỏ, chủ yếu vẫn thu từ biểu diễn nhạc sống tại quán bar là chính. Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi, vậy thì tính riêng năm 2016 ở 2 thành phố lớn này có thống kê được không? Ông Giang cho biết, hiện cũng chưa thống kê cụ thể được.

PV ANTĐ đặt câu hỏi, hiện tại VCPMC đã thu từ phía các Đài Truyền hình rồi, các khách sạn cũng đã phải trả thuê bao truyền hình cáp hàng tháng thì việc VCPMC tiếp tục đòi thu tác quyền âm nhạc khi xem ti vi thì có hợp lý không. Như thế có phải chủ kinh doanh phải trả tiền hai lần?  Ông Nguyễn Hoàng Giang trả lời: “Hiện VCPMC thu tác quyền đối với các Đài Truyền hình là quyền phát sóng tác phẩm tới công chúng và chỉ thu tác quyền đối với doanh nghiệp dùng ti vi để phục vụ mục đích kinh doanh. Như thế có nghĩa, không phải là thu hai lần tiền tác quyền. Đại diện Trung tâm tác quyền cho biết thêm, không thể và không có chức năng vào từng khách sạn để đếm ti vi mà chỉ thực hiện trên danh sách tự kê khai trung thực của quản lý khách sạn mà thôi.

PV ANTĐ tiếp tục đặt câu hỏi, nếu chủ kinh doanh khách sạn cố tình chây ì, không trả tác quyền xem ca nhạc từ ti vi thì Trung tâm làm thế nào. Ông Giang khẳng định: “Nếu xảy ra việc đó Trung tâm sẽ phân tích, vận động thuyết phục cho chủ kinh doanh hiểu, còn nếu vẫn không hiểu thì báo sự việc lên Thanh tra Bộ VHTT&DL. Thanh tra Bộ sẽ có cách xử lý theo đúng pháp luật hiện hành”.

Hoàn trả tiền tác quyền thế nào cho đúng luật

Trong cuộc gặp gỡ báo chí sáng 25-5, cũng có nhiều câu hỏi căn cứ vào đâu, VCPMC đặt ra số tiền 25 nghìn đồng/ti vi/năm. Thay mặt Trung tâm tác quyền, ông Nguyễn Hoàng Giang, người mới đảm nhận chức vụ Giám đốc Trung tâm khu vực phía Bắc cho biết, trước khi đưa ra một bảng giá, phải căn cứ vào 3 điều, Luật pháp Việt Nam, Thông kệ quốc tế và đời sống thực tế. Nghĩa là, để quyết con số 25 nghìn đồng một năm cho mỗi ti vi ở khách sạn thì các cán bộ trung tâm đã tham khảo nhiều nơi, nhiều nhạc sĩ rồi.

Thu tác quyền âm nhạc khi xem ti vi rồi chi trả cho nhạc sĩ thế nào khi không ai có thể biết được, khách lưu trú đã nghe, xem cái gì, ví dụ, có người thì chỉ nghe tác phẩm A, mà không nghe tác phẩm B, lại cũng có người chỉ bật ti vi để xem thời sự hoặc bóng đá thì thu thế nào. Ông Giang tiếp tục trả lời: “Việc chi trả trước mắt khó khăn, không chỉ của Việt Nam và còn của cả thế giới. Trước mắt, Trung tâm “nhờ” các chủ khách sạn lập danh sách giúp, đưa ra một cập nhật sử dụng thường xuyên những bài hát nào. Khi hoàn tiền tác quyền cho nhạc sĩ sẽ dựa trên danh sách tự khai. Ông Giang thừa nhận, chưa hoàn toàn công bằng trong việc chi trả này.

Có rất nhiều các câu hỏi được đưa ra, song những lý giải mà VCPMC đưa ra gần như chưa thỏa đáng. Đáng kể nhất là việc chi trả số tiền tác quyền âm nhạc thu từ việc “đếm đầu” ti vi trong khách sạn cho các nhạc sĩ đã được thực hiện như thế nào, trong khi không phải là 100% tác giả âm nhạc đều ủy quyền cho Trung tâm. Việc thu tiền tác quyền cho cả những tác giả không ủy quyền cho Trung tâm thì tính thế nào? Trong khi đó, theo như lời mở đầu của nhạc sĩ Phó Đức Phương thì Trung tâm đã thu tại  HN, TP.HCM hay Nha Trang từ 10 năm nay rồi.

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bùi Nguyên Hùng

“Cần phải có lộ trình”

Theo Luật sở hữu trí tuệ, việc triển khai văn bản thu phí bản quyền tác giả âm nhạc của VCPMC vừa qua ở Đà Nẵng là hợp pháp. Thế nhưng, thu như thế nào, mức phí bao nhiêu lại là vấn đề khác. Nếu như tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm có tài sản và ủy quyền cho các tổ chức này thì các tổ chức chỉ được thu phí cho các hội viên của mình, có tài sản của mình. Nếu thu không đúng hội viên, không đúng tài sản thì là việc làm trái pháp luật. Với mức phí 25.000đ/ tivi/ năm, đây là giao dịch dân sự, công việc này phải có lộ trình. Đề nghị VCMPC thực hiện đúng quy trình, đúng luật, đòi hỏi phải có lộ trình phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn.