Xung quanh kết luận Thanh tra việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, người trong cuộc nói gì? ​

ANTD.VN - Sau khi Thanh tra Chính Phủ công bố kết luận thanh tra “công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam”, trong đó kiến nghị Thủ tướng Chính Phủ chỉ đạo Bộ VHTT&DL xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định để nhà đầu tư chiến lược – Tổng Công ty Vận tải Thủy xin rút vốn trước thời hạn, nhiều nghệ sĩ vẫn bày tỏ sự băn khoăn và lo lắng cho “số phận” của hãng phim nơi mình đã và đang gắn bó.

Đạo diễn NSND Nguyễn Thanh Vân – nguyên Phó Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam:

“Lo lắng nhiều hơn vui”

Cảm xúc lúc này của tôi là lo lắng nhiều hơn vui. Suốt quãng thời gian qua, anh em nghệ sĩ chúng tôi nỗ lực đấu tranh vì sự tồn tại và phát triển của nơi được xem là “cái nôi” của nền điện ảnh Việt Nam. Việc thay đổi Hãng phim, cổ phần hóa Hãng phim là xu hướng tất yếu, nhưng rất cần nhà đầu tư chiến lược không chỉ có tiềm lực kinh tế mà còn phải có tâm. Việc Tổng Công ty Vận tải Thủy (Vivasco) – nhà đầu tư chiến lược sẽ phải rút vốn trước thời hạn là bài học vô cùng đắt giá xung quanh việc cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam (VFS).

Nhưng điều quan trọng hơn cả, đó là Hãng sẽ phát triển thế nào sau sự việc này. Đó mới là điều khiến chúng tôi quan tâm và lo lắng. Vì thực sự sau quãng thời gian dài lùm xùm thì VFS ở thời điểm hiện tại, cả con người, vật chất lẫn tinh thần đều ở tình trạng kiệt quệ nên việc phục hồi, chấn hưng cần rất nhiều sự quan tâm của Nhà nước, các nhà quản lý cũng như sự nỗ lực của những người trong cuộc. Mặc dù thành phần nghệ sĩ còn lại ở Hãng đang rất mong manh, các thế hệ có nghề, có chuyên môn cao đều rời Hãng hoặc đã nghỉ hưu, thực trạng hiện tại của Hãng đúng nghĩa hoang tàn, nên làm sao để vực dậy là cả một bài toán không hề đơn giản.

Tuy nhiên, tôi tin ở sau những sai lầm trong quá trình cổ phần hóa VFS, các nhà quản lý sẽ có nhìn nhận đúng đắn hơn, tránh tạo ra các sai lầm về mặt thời gian, con người lẫn tinh thần.

Tôi cũng hy vọng sau khi Vivasco thoái vốn, nhà đầu tư chiến lược sau này sẽ có năng lực hơn, có tâm và có tầm hơn, có những quyết sách tốt hơn thìm mới đủ khả năng vực dậy hãng phim này. Về phía anh em nghệ sĩ, những người gắn bó và yêu mến VFS, sau sự việc thăng trầm này cũng đều hiểu và đoàn kết với nhau hơn, cùng chung một động lực làm sao góp sức để Hãng trải qua những bộn bề rối rắm, có thể phát triển tốt nhất. Bản thân tôi cũng vẫn sẵn sàng đồng hàng với VFS trước và sau khi cổ phần hóa, nhưng quan trọng vẫn là thái độ và định hướng của nhà đầu tư chiến lược sau này.

Diễn viên NSND Bùi Bài Bình:

“Nhà đầu tư chiến lược có tiền thôi chưa đủ”

Tôi cũng như nhiều nghệ sĩ từng công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam như: Trà Giang, Thế Anh, Minh Châu, Như Quỳnh… đều đã về hưu. Mặc dù vậy, tôi vẫn quan tâm và theo dõi tiến trình cổ phần hóa Hãng.

Tôi còn nhớ thời còn đạo diễn NSND Hải Ninh, Hãng mỗi năm sản xuất tới gần chục bộ phim, bản thân tôi năm nào cũng 1-2 vai chính. Thời đó Nhà nước bao cấp hoàn toàn, anh em nghệ sĩ chúng tôi đi đóng phim cũng làm gì có tiền, chỉ được lo chỗ ăn, chỗ ở và được uống nước miễn phí thôi. Mãi sau đên năm 1979-1980 diễn viên chúng tôi mới có bồi dưỡng tính theo mét phim, cụ thể vai của mình xuất hiện trong bao nhiêu mét phim thì được nhận bấy nhiêu tiền tương ứng. Cát-sê lúc ấy của tôi vào khoản một vài chục đến trăm bạc, to lắm. Nhưng phim ngày đó thường quay lâu, nhanh thì nửa năm, còn chậm thi đến hàng năm. Dĩ nhiên trong số gần chục phim làm ra thì không phải phim nào cũng hay nhưng phim nào cũng đều được cả êkip làm rất chỉn chu và nhiệt huyết.

Cổ phần hóa đúng là việc làm cần thiết giữa lúc Hãng đang ở tình trạng lẹt đẹt nhiều năm rồi. Chỉ có điều, ai cũng nhận ra, nhà đầu tư chiến lược có tiền thôi chưa đủ, mà dứt khoát phải là người hiểu và yêu điện ảnh. Đơn giản như người “cầm cờ” của Hãng thì phải biết nghệ sĩ này là ai, trong nước hay quốc tế, giống như một bộ phim muốn hay thì phải có đạo diễn giỏi, diễn viên, hay, kịch bản tốt mới được. Nếu thiếu một trong những yếu tố này thì e hơi khó “cầm trịch”. Thời của chúng tôi, Hãng có tới vài trăm người vẫn sống bình thường, giờ mấy chuc người mà xoay sở chật vật.

Trên thực tế có một sự tréo ngoe là người có tiền lại không hiểu biết nhiều lắm về phim ảnh, còn người hiểu biết về điện ảnh thì lại không có tiền. Điều đó khiến mô hình cổ phần hóa rơi vào thế khó. Tôi cho rằng có những thứ không thể tính bằng lãi, bằng tiền được, nhất là về giá trị nghệ thuật thì càng phải định giá rất cẩn trọng. Nên việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phù hợp khi cổ phần hóa Hãng là vô cùng quan trọng.

Quan trọng nhất, tôi nghĩ tới đây Nhà nước càng cần có cơ chế quan tâm, sao sát đến tiến trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, để nhà đầu tư chiến lược được chọn thực sự có năng lực và cả tâm huyết phát triển điện ảnh nước nhà.

Tóm tắt quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam:

- Năm 2015, đạo diễn Vương Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc hãng phim đã thành lập tổ giúp việc cho Ban Cổ phần hóa (Bộ VHTT&DL). Tổ giúp việc này do ông Vương Tuấn Đức làm Tổ trưởng cùng đại diện phòng tổ chức, phòng tài vụ, công ty tư vấn về giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần và công ty tư vấn cổ phần hóa.

Tổ giúp việc sau đó đã xác định giá trị thương hiệu và giá trị đất đai, ưu thế sử dụng vị trí đất đai của VFS bằng 0 với sự đồng ý của Ban Cổ phần hóa (Bộ VHTTDL). Điều này dẫn đến việc Tổng công ty vận tải thủy (Vivaso) chỉ với 32,5 tỷ đồng đã chiếm 65% giá trị doanh nghiệp, trở thành cổ đông chiến lược sau khi VFS trở thành công ty cổ phần.

- Ngày 13-1-2016, Bộ VHTTDL công bố quyết định tìm nhà đầu tư chiến lược trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Ngày 26-1-2016 Ban cổ phần hóa (Bộ VHTTDL) tuyên bố hết thời hạn sau 10 ngày đăng tin tìm nhà đầu tư chiến lược đấu thầu làm nhà cổ đông chiến lược.

- Ngày 28-12-2016, sau khi có nhiều kiến nghị của tập thể nghệ sỹ, Thủ tướng Chính phủ đã ra kết luận rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, đưa giá trị thương hiệu tương xứng với giá trị lịch sử truyền thống của VFS vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

- Ngày 16-3-2017, Bộ Tài chính ra văn bản dự thảo Nghị định mới và tuyên bố sẽ thay thế nghị định 59 do Nghị định 59 có nhiều thiếu sót, đặc biệt cho phép đặt giá trị đất và ưu thế sử dụng vị trí đất ra khỏi giá trị doanh nghiệp.

Sau đó, Ban Cổ phần hóa đã cho phép ông Vương Đức, Tổ trưởng tổ giúp việc làm Đại hội cổ đông lần 1 vào ngày 20-5-2017. Ngày 23-6-2017, Bộ VHTTDL có văn bản thành lập công ty cổ phần. Nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty vận tải thủy đã đưa ra rất nhiều cam kết, trong đó có việc bảo đảm việc làm, tôn trọng nghề nghiệp và bảo đảm mức lương theo quy định nhà nước với 85 thành viên còn lại của VFS. Vivaso cam kết mức lương bình quân mỗi tháng là 4.800.000 đồng/tháng.

- Ngày 23-6-2017, Bộ VHTTDL ra quyết định thành lập Công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam thay thế công ty TNHH một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam. Sau khi đi vào hoạt động, nhiều nghệ sĩ của Hãng bức xúc vì tình hình chậm lương, lương thấp và không có định hướng làm phim của ban lãnh đạo mới.