Xung quanh cuốn sách "Phía sau cuộc chiến"

ANTD.VN - Sau khi vụ thảm sát Mỹ Lai được công khai, quân đội Mỹ thành lập một tổ điều tra về tội ác chiến tranh. Nhiều báo cáo sau đó đã được gửi lên các nhà điều tra quân đội, lên Quốc hội Mỹ, báo chí và cả các diễn đàn. 

Trong 5 năm sau đó, họ thu thập được khoảng 9.000 trang tài liệu liên quan đến chứng cứ. Song thay vì sử dụng nó như một cách để ngăn chặn các hành động tàn bạo, nó lại bị giấu đi và chỉ một nhóm quan chức ở Lầu Năm góc được biết.

Đến năm 1990, theo luật liên bang, quân đội mới loại mật những hồ sơ đó. 9.000 trang tài liệu được đưa đến một phòng lưu trữ khác. Một thập kỷ nữa trôi qua cho đến khi một số nhà nghiên cứu và nhà báo biết được về sự tồn tại của chúng.

Một trong số họ, nhà sử học Nick Turse cho rằng một vài vụ việc đáng được đưa lên báo chí và gửi email đến tờ Los Angeles Times, nơi Deborah Nelson đang là biên tập viên phóng sự điều tra. Hai người bắt tay vào đọc hồ sơ và phát hiện có ít nhất 300 cáo buộc về các tội giết người, thảm sát, tra tấn, xâm hại và các tội ác chiến tranh khác đã bị quân đội Mỹ giữ kín. 

Một cuộc điều tra kéo dài 3 năm rưỡi đã xác nhận một cuộc thảm sát khác với 19 dân thường thiệt mạng vào tháng 2-1968, 1 tháng trước cuộc thảm sát Mỹ Lai. Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, phụ nữ và người già đã bị quây lại và hành quyết sau khi viên chỉ huy nhận được chỉ đạo “giết tất cả những gì chuyển động”.

Cũng như một vụ tra tấn khác, các điều tra viên đã xác định được nghi phạm, nhưng quân đội Mỹ đã không buộc tội ai mà giấu kín mọi chuyện. Các điều tra viên trong quân đội thậm chí còn đe dọa những người lính đã tiết lộ những sự thật này nhưng họ vẫn nói ra. Không ai biết có bao nhiêu người khác cùng bị đe dọa như vậy và từ bỏ. 

Năm 2006, loạt bài phóng sự điều tra dựa trên các tư liệu được giải mật cũng như các cuộc phỏng vấn với các nghi phạm, người sống sót, các chỉ huy, điều tra viên và nhân viên Lầu Năm góc… của Deborah Nelson được đăng trên Los Angeles Times và sau đó tập hợp thành cuốn sách “Phía sau cuộc chiến: Cựu binh đối mặt với sự thật về tội ác chiến tranh”. Cuốn sách đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam.