Xúc động và hào sảng với "Điều còn mãi"

ANTD.VN - Chương trình hòa nhạc quốc gia "Điều còn mãi" tiếp tục được diễn ra vào đúng thời khắc thiêng liêng của cả dân tộc - 14h ngày 2-9. Đó là thời khắc mà cách đây 72 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Vào 14h chiều nay 2-9, trong không khí cả dân tộc kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chương trình hòa nhạc quốc gia "Điều còn mãi" đã chính thức diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Xuất phát từ chương trình hòa nhạc thường niên do báo điện tử VietnamNet tổ chức trong vòng 8 năm qua, đến nay "Điều còn mãi" đã trở thành chương trình hòa nhạc quốc gia và là một trong những dấu ấn văn hóa đặc biệt trong dịp Tết Độc lập. Như khẳng định của Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông - Hoàng Vĩnh Bảo, Phó Trưởng Ban chỉ đạo chương trình thì "Điều còn mãi" mang trọng trách làm sống lại lịch sử hào hùng và anh dũng của dân tộc bằng những âm thanh rung động nhất, theo cách trân trọng nhất là kết hợp các tác phẩm kinh điển của âm nhạc Việt Nam với dàn nhạc giao hưởng quốc gia.

Một trong những điểm làm nên ý nghĩa đặc biệt của "Điều còn mãi" là được tổ chức vào 14h ngày 2-9, thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1945. Sân khấu Nhà hát Lớn - nơi được mệnh danh là "thánh đường nghệ thuật" cũng góp phần tôn vinh giá trị của buổi hòa nhạc, tôn vinh các tác phẩm đi cùng năm tháng.

NSND Quang Thọ biểu diễn trong chương trình

"Điều còn mãi" năm nay tiếp tục duy trì tính chất âm nhạc là đậm chất thính phòng, dưới sự chỉ huy của vị nhạc trưởng quen thuộc của chương trình - Lê Phi Phi và sự tham gia của dàn nghệ sĩ tên tuổi: NSND Quang Thọ, NSND Ngô Hoàng Quân, NSND Trần Thị Mơ, ca sĩ Trọng Tấn, Lan Anh, Đăng Dương, Tố Loan...cùng dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam, dàn hợp xướng Nhà hát Nhạc - Vũ kịch Việt Nam. 

Vẫn như mọi năm, ca khúc "Tiến quân ca" (Quốc ca) của nhạc sĩ Văn Cao được vang lên mở đầu cho chương trình "Điều còn mãi". Có điều đặc biệt là lần này, sáng tác trên được trình diễn như một tác phẩm nghệ thuật thực thụ với sự tham gia của dàn hợp xướng và phối khí bốn bè. Cùng với sự làm mới đó, ca khúc “Hướng về Hà Nội” cũng được chuyển thể cho đàn cello thay vì dàn nhạc.

Các tác phẩm được lựa chọn biểu diễn trong chương trình bao gồm: Ca ngợi Tổ quốc (Hồ Bắc), Linh thiêng hồn dân tộc (Đỗ Hồng Quân, Thơ: Phạm Xuân Đương), Ca ngợi Hồ Chủ Tịch (Văn Cao), Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý), chương II giao hưởng "Trở về Điện Biên" (Trần Trọng Hùng); Hướng về Hà Nội (Hoàng Dương), Aria Cô Sao (Đỗ Nhuận), Tình ca (Hoàng Việt).

Bên cạnh đó còn có các tác phẩm khác cũng được trình bày: Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Chào mừng (Trọng Bằng), Tình em (Huy Du), Bài ca xây dựng (Hoàng Vân), Trở về đất mẹ (Nguyễn Văn Thương), "Chùm Dân ca Việt Nam 5’ - Jut in Rin (Dân ca Ê Đê) - Trống Cơm (Dân ca Quan họ Bắc Ninh) - Đỗ Hồng Quân, hợp xướng Hồi tưởng (Hoàng Vân).

Đặc biệt, để kỷ niệm 20 năm ngày thành lập báo VietNamNet, đơn vị tổ chức chương trình, Hòa nhạc chọn trình diễn lại một số bản nhạc đã từng gây tiếng vang và được đông đảo công chúng mến mộ trong suốt 7 chương trình hòa nhạc đã diễn ra từ năm 2009 đến nay.

Được giao thể hiện hai tác phẩm, gồm bản hợp xướng "Hồi tưởng" của nhạc sĩ Hoàng Vân và bài "Tình em" của nhạc sĩ Huy Du, ca sĩ Trọng Tấn cho biết cá nhân anh luôn ý thức phải làm sao để truyền tải được thông điệp đến thế hệ trẻ một cách gần gũi nhất.

"Nếu nhạc Pop hay các dòng nhạc khác dàn nhạc có thể đón đưa, linh hoạt với ca sĩ. Còn với dàn nhạc giao hưởng hàng trăm người, chỉ một sai sót nhỏ của bạn cũng ảnh hưởng đến màn trình diễn. Bản thân người hát cũng không được quá phóng túng, tự ý phiêu theo mình mà cần cân đo đong đếm các yếu tố" - ca sĩ Trọng Tấn bày tỏ.