Xuất lộ nhiều hiện vật có giá trị

(ANTĐ) - Diễn ra gần như cùng thời điểm với cuộc khai quật lịch sử ở Hoàng thành Thăng Long, và chỉ nằm cách Hoàng thành chưa đầy một cây số đường chim bay, nhưng việc khai quật di chỉ khảo cổ ở 62-64 Trần Phú khá “kín tiếng” mặc dù các nhà khảo cổ đã có những phát hiện quan trọng và quý giá. Và cũng tại di chỉ này, lần đầu tiên có một cuộc di dời hiện vật nguyên trạng lớn nhất trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam.

Cuộc di dời hiện vật lớn nhất trong lịch sử khảo cổ học:

Xuất lộ nhiều hiện vật có giá trị

(ANTĐ) - Diễn ra gần như cùng thời điểm với cuộc khai quật lịch sử ở Hoàng thành Thăng Long, và chỉ nằm cách Hoàng thành chưa đầy một cây số đường chim bay, nhưng việc khai quật di chỉ khảo cổ ở 62-64 Trần Phú khá “kín tiếng” mặc dù các nhà khảo cổ đã có những phát hiện quan trọng và quý giá. Và cũng tại di chỉ này, lần đầu tiên có một cuộc di dời hiện vật nguyên trạng lớn nhất trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam.

Toàn cảnh công trường khai quật tại 62 -64 Trần Phú
Toàn cảnh công trường khai quật tại 62 -64 Trần Phú

Xác định chính xác “Trấn Bắc thành” thời Nguyễn

Bắt đầu từ năm 2001, khu di chỉ khảo cổ 62-64 Trần Phú đã được các nhà nghiên cứu “ngắm” đến. Từ cuối năm 2001 cho đến năm 2003, một hố khai quật với diện tích 143m2 đã được mở để tiến hành thám sát. Kết quả không nằm ngoài dự kiến, khi hàng trăm hiện vật có niên đại trải dài suốt từ thời Bắc thuộc tới Lý - Trần - Lê - Nguyễn xuất lộ. Đến đầu năm 2008, thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao, Viện Khảo cổ học phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tiến hành khai quật quy mô với tổng diện tích các hố đào lên tới gần 3.000m2. Điểm gây được sự chú ý đặc biệt của giới nghiên cứu đó là việc xuất lộ nhiều đoạn móng tường kè hào bằng đá ong - gạch vồ - đá xanh, móng tường thành bằng gạch ngói vỡ cùng đất sét đầm chặt rộng từ 1m2 đến 2m. Tiến sĩ Hà Văn Cẩn - Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết, dựa vào những dấu vết này ta có thể hình dung một cách chính xác tường thành thời Nguyễn được xây ở vị trí nào, kích thước ra sao đồng thời đo đạc được khoảng cách của thành thời Nguyễn cũng như đo đạc được khoảng cách giữa tường kè hào và tường thành ngoài. Từ những dấu vết này, cũng có thể sơ bộ xác định được cấu trúc chính xác cũng như tìm hiểu về kỹ thuật xây dựng của “Trấn Bắc thành”.

Lịch sử của “Trấn Bắc thành” được bắt đầu từ năm 1805. Khi đó, vua Gia Long phá bỏ Hoàng thành cũ và cho xây lại với quy mô thấp và nhỏ hơn, bởi lúc đó kinh đô đã chuyển vào Huế và ở đây chỉ còn là “Trấn Bắc thành”. Năm 1831, trong cuộc cải cách hành chính lớn của vua Minh Mạng, thành Thăng Long được xếp vào tỉnh Hà Nội. Năm 1888, nhà Nguyễn nhượng hẳn Hà Nội cho Pháp. Trong thời kỳ Hà Nội bị Pháp thuộc, người Pháp đã cho phá thành Hà Nội thời Nguyễn, san lấp toàn bộ tòa thành để xây dựng thành phố mới. Công việc phá thành được bắt đầu từ năm 1896 kéo dài đến 1897 mới xong. Do đó hào thành, móng tường và toàn bộ dấu tích còn lại bị vùi sâu dưới đất và cho đến khi khai quật khảo cổ học mới phát lộ lại toàn bộ các dấu tích nói trên.

Sự hiện diện của kiến trúc cao cấp

Cuộc khai quật lần này đã thu được một khối lượng khổng lồ các di vật có niên đại trải dài từ thời Đại La đến thời Trần, Lê, Nguyễn với: vật liệu kiến trúc, đồ gốm sứ, đồ sắt và tiền đồng. Trong đó có tượng uyên ương, sư tử, lá đề.... khá giống với hiện vật tìm được tại Hoàng thành Thăng Long cũng đã được phát hiện ở đây. Tại phần đất lấp hào thành thời Nguyễn, còn phát hiện được rất nhiều di vật phế phẩm gốm men có niên đại thế kỷ 14 - đầu thế kỷ 15. Điểm đặc biệt nhất của cuộc khai quật này đó là việc phát hiện  một đoạn đường lát gạch hoa chanh cùng hệ thống cống thoát nước thời Trần... Tiến sĩ Hà Văn Cẩn - phụ trách công trường khai quật cho biết thêm: đường lát gạch hoa chanh là đặc trưng của nghệ thuật kiến trúc thời Trần. Mặc dù những gì tìm thấy chỉ là một đoạn ngắn nhưng nó cho thấy sự hiện diện của kiến trúc cao cấp thời Trần. Tại đây, vào thời Lý Trần, giới sử học và khảo cổ học cho là thuộc khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Và sự có mặt của đoạn đường lát gạch hoa chanh cùng hệ thống cống ngầm đã phần nào khẳng định điều đó.

Trong đợt khai quật vừa qua, có tới hơn 70 di cốt cổ đã được tìm thấy, tập trung vào khoảng cuối triều Lê. Có di cốt được chôn cất khá đàng hoàng, nhưng có di cốt chỉ được vùi sơ sài. Cũng có di cốt có biểu hiện cho thấy, nguyên nhân gây ra cái chết xuất phát từ những cuộc binh biến. Căn cứ vào những hiện vật tìm thấy trong địa tầng văn hóa thời Lê, T.S Hà Văn Cẩn nhận định rằng, vào thời Lê Trung Hưng ở khu vực này dần dần bị bỏ hoang và trở thành nghĩa địa. Điều này còn được xác nhận bởi tấm bia thời Gia Long ở chùa Thanh Ninh, nội dung của tấm bia ghi lại rằng, khu vực này vào cuối thời Lê - đầu thời Nguyễn đã bị bỏ hoang sau đó có người đã xây dựng lên ngôi chùa Thanh Ninh ở gần đó.

Ngay sau khi việc khai quật khảo cổ học ở 62-64 Trần Phú kết thúc, toàn bộ di vật đã được chuyển về lưu giữ ở Cổ Loa. Có thể nói, đây là cuộc di dời nguyên trạng hiện vật lớn nhất trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam. Tất cả những đoạn móng kè hào, hay đoạn đường lát gạch hoa chanh, hay cống ngầm thời Trần đều được bó thạch cao, bọc thép. Sau khi bó thạch cao, giằng thép, độ nặng trung bình của các hiện vật này lên tới 20 tấn, cá biệt là đoạn nền lát gạch thời Lê nặng tới trên 40 tấn.

Trong thời gian tới, công tác nghiên cứu và chỉnh lý hiện vật sẽ được thực hiện. Dự kiến, các hiện vật này sẽ được trưng bày tại Cổ Loa và Thành cổ Hà Nội trong dịp chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long vào tháng 10- 2010.                 

Quỳnh Vân