Xứ sở thần tiên khổng lồ làm từ cây tại vườn địa đàng Atlanta

ANTD.VN - Từ ngày 11/5 đến 27/10, tại Vườn bách thảo Atlanta (tiểu bang Georgia, Mỹ) đang trưng bày các tác phẩm tạo hình từ cây theo chủ đề "Thế giới trong tưởng tượng: Xứ sở thần tiên của Alice" (Imaginary World: Alice's Wonderland). Triển lãm này được mở ra do phản hồi rất tích cực từ công chúng sau cuộc triển lãm của mùa hè năm ngoái có tên "Ngày xửa, ngày xưa" (Once Upon a Time). 

Kỳ công tạo hình

Tại triển lãm lần này, người xem có thể thấy những nhân vật trong các câu chuyện thần tiên và huyền thoại như ngựa Pegasus, rồng, phượng hoàng, người cá... Nhưng đặc biệt nhất và chiếm giữ vị trí trung tâm nhất là các nhân vật trong câu chuyện Alice in Wonderland (Những cuộc phiêu lưu của Alice ở xứ sở diệu kỳ) như White Rabbit hay Chesire cat.

Có tổng cộng 31 tác phẩm khổng lồ, mô tả 11 cảnh trong truyện. Những tác phẩm cao từ 12-27 feet (tức khoảng 3,6-8 mét), mất hơn 1 năm để hoàn thành. Tại đây, trẻ em như sống trong xứ thần tiên: Hãy đừng đến muộn như chú thỏ trắng trôi nổi giữa khu vườn, hãy đi rón rén ngang qua chú mèo cười ngoác miệng lúc Alice đang ngủ, hãy để ý đội quân lá bài của Hoàng hậu vì nếu không bạn sẽ mất đầu như chơi... 

Các nghệ nhân đã dùng 38 loại cây khác nhau để tạo ra những tác phẩm sinh động này. Màu sắc của các tác phẩm chủ yếu được tạo ra từ lá chứ không phải hoa. Quá trình làm nên những tác phẩm này như sau: Vẽ và lập bản thảo/bản vẽ; Tạo khung bằng thép; Cả khung to được chia thành nhiều phần nhỏ để mang vào nhà kính cho các nghệ nhân làm vườn bắt đầu quá trình tạo ra tác phẩm; Các phần của mỗi tác phẩm được để ở vị trí nhạn được ánh sáng mặt trời nhiều nhất, được tưới nước đầy đủ. Mất khoảng vài tuần để mỗi phần của bộ khung ra lá, phát triển sum xuê.

Cần cẩu, xe tải nhỏ và các thiết bị khác sau đó được sử dụng để mang các phần khung ra vườn. Cũng mất vài tuần nữa để sắp xếp, rồi trồng thêm, trang trí thêm khu vực xung quanh của mỗi tác phẩm; Mỗi ngày các nghệ nhân chăm sóc, tỉa cành để tác phẩm giữ nguyên đường nét và vệ sinh động.

Về truyện Alice in Wonderland

Tác phẩm Alice in Wonderland đã quá kinh điển, đại diện tiêu biểu cho thể loại thần thoại không tưởng (nonsense fantasy genre), gây ảnh hưởng lớn tới văn hóa đại chúng và văn học hư cấu, nhất là thể loại tưởng tượng.

Đã có rất nhiều những bài phân tích về tác phẩm kinh điển này, về ý nghĩa văn hóa, chính trị, xã hội... ở đây tôi chỉ tập trung vào 2 topic chính (phù hợp với những bạn học sinh lớn) trong bài viết này: Những thông điệp chính và đề tài toán học trong truyện. Cả 2 topic này đều liên quan đến thân thế của tác giả, người mang bút danh Lewis Carroll, vốn là nhà toán học, nhiếp ảnh gia, và giỏi trong việc chơi chữ cũng như suy luận logic.

Tác giả tại triển lãm

Những thông điệp chính: 

1. Sự mất mát vĩnh viễn và không tránh khỏi của tuổi thơ hồn nhiên: Trong truyện, Alice trải qua nhiều lần biến đổi hình dạng. Cảm giác khó chịu khi không bao giờ cô bé có đúng kích cỡ mong muốn thể hiện sự thay đổi của tuổi dậy thì- nhiều bỡ ngỡ, bực bội, buồn khổ khi trải qua những thay đổi về cơ thể và tâm tính ở lứa tuổi này.

2. Cuộc đời là những câu đố và bối rối vô nghĩa: mặc dù đã nhiều lần cố giải những vấn đề, câu đố, trò chơi (như cuộc đua Caucus, câu đố của Mad Hatter, trò chơi của Hoàng hậu) nhưng Alice đều thất bại. Dụng ý của tác giả ở đây muốn nhấn mạnh đến yếu tố cuộc sống sẽ luôn có những tình huống mà mình không hiểu và lý giải logic được.

3. Cái chết là nguy cơ tiềm ẩn và thường trực: ngay từ chương 1, khi cô bé ngã khỏi ngôi nhà của chính mình, cô cũng không nói gì vì điều đó có thể giết cô. Rồi qua những cuộc phiêu lưu, Alice luôn chấp nhận rủi ro, nhưng không coi cái chết là kết quả có thể xảy đến. Dần dà, cô nhận ra rằng những cuộc phiêu lưu trong xứ sở diệu kỳ đáng sợ hơn là lúc ban đầu.

Đề tài toán học trong truyện

Qua Alice in Wonderland và phần tiếp theo mang tên Through the Looking Glass tác giả đề cập tới nhiều khái niệm toán học như: 

1. Chương 1: Alice nhiều lần biến đổi kích cỡ, quan ngại không biết kích cỡ cuối cùng là gì, phản ánh khái niệm giới hạn của hàm số. 

2. Chương 2: Alice cố thực hiện phép nhân, đủ các kiểu và phép toán mà không ra được 20- như 4x5=12, 6x4=13... Điều này nói về những cách thể hiện số khác nhau, sử dụng những hệ khác nhau (không chỉ hệ thập phân), như 4x5=12 là dùng hệ 18, hay 6x4=13 là hệ 21...

3. Chương 7, khi Alice nghĩ về việc thay đổi chỗ ngồi quanh chiếc bàn tròn làm mọi thứ quay trở lại vị trí ban đầu. Đây là sự quan sát của phép cộng trên vòng số nguyên

4. Hình ảnh chú mèo Chesire mờ dần đi, chỉ để lại nụ cười rộng treo lơ lửng trên không trung có mối liên hệ với những khái niệm trừu tượng như hình học phi Euclid, đại số trừu tượng...

http://www.alice-in-wonderland.net/resources/analysis/ Là địa chỉ trang web cung cấp thông tin cực kỳ đầy đủ về mọi chủ đề liên quan đến câu chuyện thần tiên này. Tuy nhiên đối với các bạn nhỏ thì câu chuyện về những cuộc phiêu lưu của Alice nên được tiếp cận theo hướng nuôi dưỡng trí tưởng tượng bay bổng, về các loài vật quen thuộc xung quanh, và thế giới trong mơ đầy huyền bí. Khi tìm kiếm trên Google, gõ từ khóa "Alice in wonderland activities for kids" sẽ ra rất nhiều. Link Amazon mua "Alice in wonderland": https://amzn.to/2KHkQTA