Xóa bỏ cơ chế xin - cho giữa tác giả và nhà hát để vực dậy sân khấu Thủ đô

ANTD.VN - Để đi tìm câu trả lời cho việc sân khấu đang vắng bóng khán giả, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Mối quan hệ giữa tác giả sân khấu và các nhà hát” tại Hà Nội. Tuy nhiên, hội thảo chỉ có sự tham dự của các tác giả và hoàn toàn vắng bóng đại diện các nhà hát tới tham dự.
 

Chỉ khi sân khấu gắn bó với đời sống thực tiễn thì khán giả mới thấy ở loại hình nghệ thuật này sức hấp dẫn

Dựng kịch xong lại cất ngăn kéo

Không ít các ý kiến đã bày tỏ sự thất vọng trước sự thờ ơ của các nhà hát Thủ đô đối với một cuộc hội thảo nhằm mục đích tháo gỡ khó khăn hiện nay của sân khấu Hà Nội. Bởi các tác giả có giỏi đến mấy nhưng chỉ bàn luận với nhau cũng không giúp ích nhiều cho tình hình vắng khách của sân khấu Thủ đô.

Trong khi đó, với các tham luận đã phát biểu, nhiều nhà biên kịch đã chỉ ra mối quan hệ lỏng lẻo giữa các nhà viết kịch và các nhà hát hiện nay. Đó là mối quan hệ theo cơ chế xin - cho nhiều hơn là nhu cầu cung - cầu giữa các nhà hát và tác giả. Tác giả có kịch bản tự tìm đến các nhà hát để liên hệ thay vì nhà hát sẽ “đặt hàng” tác giả viết. Nhiều tác giả được nhà hát nào đó dàn dựng đều cảm thấy chỉ là ngẫu nhiên, may mắn. 

Ông Hoàng Tấn Đạt, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, trong những năm tháng sân khấu khó khăn, nhà hát đã cộng tác chặt chẽ với đội ngũ tác giả. Chính sự thân thiết ấy đã động viên và khuyến khích các tài năng sân khấu hé lộ và Lưu Quang Vũ chính là một ví dụ điển hỉnh. Thời gian ban đầu, Lưu Quang Vũ viết chưa phải đã hay nhưng nhờ sự tư vấn và “đặt hàng” của lãnh đạo nhà hát nên các vở kịch như “Tôi và chúng ta”; “Lời thề thứ 9”… đã trở thành những hiện tượng của sân khấu thời gian đó. 

“Mỗi nhà hát Thủ đô có một yêu cầu riêng trong dàn dựng. Do vậy, đội ngũ tác giả cũng cần có sự chọn lọc. Với một cây bút giỏi ở lĩnh vực chính luận sẽ không dễ để bước vào viết hài và ngược lại. Vì thế, nếu tiếp tục duy trì cơ chế xin - cho giữa tác giả và nhà hát sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đáng buồn”.

Nghệ sĩ ưu tú Đoàn Trung (Nhạc trưởng Nhà hát Cải lương Hà Nội)

Còn với lối dựng kịch theo kế hoạch hàng năm hiện nay của các nhà hát, ông Hoàng Tấn Đạt khẳng định, kịch dựng xong lại cất ngăn kéo. Diễn viên không thấy xuất hiện trên sân khấu mà chỉ thấy xuất hiện trên truyền hình. Nhà hát không để diễn kịch mà chỉ để cho thuê…

Theo NSƯT Đoàn Trung, Nhạc trưởng Nhà hát Cải lương Hà Nội, mỗi nhà hát Thủ đô có một yêu cầu riêng trong dàn dựng. Do vậy, đội ngũ tác giả cũng cần có sự chọn lọc. Với một cây bút giỏi ở lĩnh vực chính luận sẽ không dễ để bước vào viết hài và ngược lại. Vì thế, nếu tiếp tục duy trì cơ chế xin - cho giữa tác giả và nhà hát sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đáng buồn.  

Trách nhiệm của lãnh đạo các nhà hát Thủ đô

Trong bối cảnh cơ chế tự chủ đang trở thành xu hướng tất yếu, lãnh đạo các nhà hát Thủ đô đang được trao vào tay nhiều quyền lực hơn, có thể làm một cây bút mới hé lộ vụt sáng nhưng cũng có thể làm cho tài năng ấy lụi tàn. Do vậy, trách nhiệm và đạo đức của người lãnh đạo các nhà hát hiện nay cũng được các đại biểu quan tâm mổ xẻ.

Thực tế cho thấy, nếu người lãnh đạo không có tầm, người cầm bút lại chỉ viết kịch để thỏa mãn thị hiếu của người lãnh đạo thì tuổi thọ của tác phẩm thường thấp. Cho dù, tác phẩm đó có gặt hái được thành công tại các liên hoan, hội diễn sân khấu nhưng sau cuộc vui của giới làm nghề, tác phẩm sẽ nhanh chóng rơi vào quên lãng. Do vậy, để vực dậy tình hình đìu hiu của sân khấu Thủ đô, trước hết, các nhà hát cần xây dựng lại mối quan hệ với các tác giả, tạo thành đội ngũ cộng tác viên thân thiết.

Đặc biệt, lãnh đạo các nhà hát cần có cái nhìn cởi mở và công tâm khi đánh giá các kịch bản. Nguồn kịch bản dồi dào với các vấn đề “nóng” của xã hội luôn là chất liệu dày dặn để nhà hát lựa chọn và đưa vào dàn dựng các tác phẩm gắn bó với đời sống thực tiễn của khán giả. Chỉ khi sân khấu đồng hành với người dân và đưa ra các dự báo vượt thời đại, khán giả sẽ thấy ở loại hình nghệ thuật này sức hấp dẫn mới lạ. 

Đặc biệt, về vấn đề dàn dựng kịch bản, NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cho rằng, nếu như trước kia, các nhà hát đặt trọng yếu tố giáo dục thì ngày nay, trước sự cạnh tranh của nhiều loại hình nghệ thuật, các nhà hát cần đặt yếu tố giải trí lên hàng đầu.

Cũng theo ông Trần Quốc Chiêm, tình hình hiện nay của sân khấu Việt cũng là tình hình chung của nhiều sân khấu trên thế giới. Nhưng với sự định hướng và quan tâm của Đảng, Nhà nước, dù cơ chế tự chủ đang được đẩy nhanh và mạnh tại nhiều nhà hát nhưng điều đó không có nghĩa Nhà nước bỏ mặc các nghệ sĩ. Trái lại, càng xã hội hóa, Nhà nước càng đầu tư trọng điểm và trúng. 

Nhiều giải pháp đã được đưa ra để nâng cao chất lượng các vở diễn của sân khấu Thủ đô đặc biệt, nhấn mạnh tới mối quan hệ giữa nhà hát và tác giả. Tuy nhiên, theo các đại biểu, vì cuộc hội thảo chỉ có một nửa nên dù ý kiến có hay đến mấy e rằng cũng khó tới được người cần nghe. Vì thế, bàn cũng chỉ để mà bàn!

“Trong những năm tháng sân khấu khó khăn, nhà hát đã cộng tác chặt chẽ với đội ngũ tác giả. Chính sự thân thiết ấy đã động viên và khuyến khích các tài năng sân khấu hé lộ và Lưu Quang Vũ chính là một ví dụ điển hỉnh… Còn với lối dựng kịch theo kế hoạch hàng năm hiện nay của các nhà hát, kịch dựng xong lại cất ngăn kéo. Diễn viên không thấy xuất hiện trên sân khấu mà chỉ thấy xuất hiện trên truyền hình. Nhà hát không để diễn kịch mà chỉ để cho thuê…”.

 Ông Hoàng Tấn Đạt (Nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội)