Xin "một vé đi tuổi thơ" nhờ hội họa

ANTĐ - Là người sáng lập môn “Dịch tâm thể” tại Việt Nam, Ts. Bs Trịnh Thắng đã đến với hội họa như mối lương duyên. Không học mỹ thuật, vẽ tranh bằng sự hồn nhiên, vô tư nhưng các bức tranh mang năng lượng sống của anh lại giúp người xem thoát khỏi trạng thái lo âu, trở về sự thanh thản trong tâm hồn. 

Tiến sĩ, bác sĩ Trịnh Thắng phát biểu khai mạc tại triển lãm tranh cá nhân đầu tiên 

Vẽ tranh trong trạng thái thiền

Ngày còn bé, Trịnh Thắng đã bắt đầu những nét vẽ nguệch ngoạc của một đứa trẻ vì yêu thích nắng, mưa, gió. Cậu bé vẽ say sưa trên nền gạch, trên tường nhà và trên bàn học. Những buổi chăn vịt rong ruổi trên cánh đồng của quê lúa Thái Bình đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn thơ bé.

Không gian rộng lớn của bầu trời, những đám mây và những cơn gió đã đưa cậu bé Trịnh Thắng đến với ý nghĩ làm sao có thể bắt gió, nhốt mưa. Ý nghĩ đó không thôi quẩn quanh và đi vào giấc mơ của Trịnh Thắng. Và rồi Trịnh Thắng bắt đầu cầm cọ, tất nhiên, đấy chỉ là những nét vẽ bản năng, chưa được gọt giũa bằng việc đào tạo bài bản. 

Thêm một cấp học nữa - Tiến sỹ Y tế Cộng đồng tại Mỹ, Trịnh Thắng trở về Việt Nam. Lúc này, hội họa đã hoàn toàn nhường chỗ cho việc viết sách và các công việc khác của anh. Chỉ đến khi, Trịnh Thắng sáng lập ra môn “Dịch tâm thể” - một phương pháp thiền, anh mới có thời gian để nối dài giấc mơ con trẻ.

Trịnh Thắng vẽ tranh trong trạng thái thiền, tâm thức thoát khỏi mọi vướng bận của đời sống. Anh đã trở về với những tháng ngày cùng chúng bạn tung tăng chạy nhảy trên cánh đồng và đã xin được “một vé đi tuổi thơ” nhờ hội họa. Những nét vẽ trừu tượng, tựa như những cơn giông chiều hè quất liên tục vào mặt tranh không ngờ lại tạo nên những màu sắc khoáng đạt và mạnh mẽ.

Được thực hiện khi cơ thể đạt tới trạng thái cân bằng về thể chất và tâm hồn nên các tác phẩm của Trịnh Thắng có năng lượng dồi dào. Màu vẽ dày lên thành mảng, thành khối trên bề mặt tranh, chứng tỏ tác giả đã vẽ kỹ và tốn sức để giải phóng năng lượng. 

Các bức tranh không được vẽ bằng bút, bằng bay của họa sỹ Trịnh Thắng

Không ràng buộc bởi niêm luật

Tranh Trịnh Thắng được yêu thích bởi các tác phẩm mang lại sự thư thái cho người xem. Dù đi đâu làm gì thì mỗi khi trở về nhà, nhìn bức tranh treo ngay ngắn trên tường sẽ khiến lòng người dịu lại, thanh thản và yêu đời hơn. Không dùng bút hay bay như các họa sỹ chuyên nghiệp, Trịnh Thắng đã vẽ tranh bằng bất cứ vật nào bày ra trước mắt, thậm chí có bức tranh, anh đã dùng cả 10 đầu ngón tay để tạo nét, di màu.

Anh vẽ nhanh, liền trong một khoảng thời gian và khi thoát ra khỏi trạng thái đó, Trịnh Thắng hầu như đã quên mình vẽ bằng cách nào. Do không bị ràng buộc bởi các niêm luật, quy tắc trong hội họa nên anh vẽ tranh đầy hồn nhiên. Trịnh Thắng không biết các kỹ thuật của hội họa, nhưng tranh của anh lại có hình thức khá hấp dẫn bằng cái nhìn của một người từng du học tại phương trời Tây. Những buổi lang thang ở các bảo tàng nổi tiếng của Mỹ đã giúp sự cảm nhận của anh về cái đẹp bớt đi tính nghiệp dư. 

 Hội họa, viết sách hay giúp người tập chữa bệnh, việc nào Trịnh Thắng cũng làm bằng tinh thần tập trung cao độ và bằng tình yêu với công việc.  Trịnh Thắng đã đỗ thủ khoa để du học tại Mỹ. Ngày còn học ở Đại học Y Thái Bình, với chiếc ba lô và cuốn từ điển, đi đâu Trịnh Thắng cũng nói tiếng Anh mà không nói tiếng Việt.

Anh từng bị coi là kẻ điên nhưng tới nay thì những nỗ lực của một người tưởng như gàn ấy đã mang lại cho anh những kết quả ngoài sức tưởng tượng. Và với hội họa, Trịnh Thắng cũng làm như vậy. Anh sẽ vẽ bằng tất cả sự thăng hoa khi mọi việc được gạt sang một bên. Đến với hội họa bằng mối lương duyên nhưng việc có gắn bó với các bức tranh hay không thì Trịnh Thắng không dám khẳng định, “Mọi việc trên đời này hợp tan tan hợp cũng là lẽ vô thường. Hãy để mọi việc thuận theo tự nhiên”.