Xiếc Việt cần đầu tư để được vinh danh trên đấu trường quốc tế

ANTD.VN - Trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, xiếc Việt đã đạt được những thành công vang dội. Có thể nói, đây chính là thời của xiếc Việt. Từ năm 2012 đến nay, năm nào Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đoạt 3 đến 4 giải thưởng HCV, HCB tại các cuộc thi quốc tế. 

Tiết mục “Sức mạnh đôi tay” của anh em Quốc Cơ, Quốc Nghiệp

Không chỉ là tiết mục xiếc đơn thuần

Theo NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, trong các cuộc thi quốc tế, Ban giám khảo thường chấm theo hai thang điểm: kỹ thuật và sáng tạo nghệ thuật. Về kỹ thuật, chúng ta chỉ ngang ngửa hoặc gần bằng nhưng sự khác biệt trong sáng tạo đạo cụ, biểu diễn luôn độc đáo và đậm bản sắc dân tộc nên được hội đồng giám khảo quốc tế đánh giá cao.

Mỗi năm trung bình trên toàn thế giới có khoảng 4, 5 cuộc thi xiếc lớn được tổ chức với sự tham dự của từ 18 đến hơn 20 quốc gia. Các đơn vị dự thi phải gửi tiết mục dưới dạng video để Ban giám khảo lựa chọn. Ví dụ trò tung hứng có 10 quốc gia cùng dàn dựng, nhưng chỉ những tiết mục đặc sắc mới được lựa chọn, mà đấy chính là bản sắc dân tộc. Năm 2014, nếu không sáng tạo tiết mục “Đu quan họ” lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của dân ca quan họ Bắc Ninh thì Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã có thể bị loại khi đăng ký tham dự Liên hoan xiếc quốc tế Roma, Italy, đơn giản vì năm đó có quá nhiều quốc gia chọn thi đu dây.

Được vinh danh tại các đấu trường quốc tế, nhận nhiều show biểu diễn khắp thế giới không đồng nghĩa với việc các diễn viên xiếc đang có cuộc sống rất sung túc. Chưa nói, để đào tạo được một diễn viên xiếc giỏi là vô cùng gian khó với những đòi hỏi khắt khe về cấu tạo cơ thể, sức khỏe cũng như năng khiếu bẩm sinh và khả năng chịu đựng đau đớn, nghiệt ngã khi theo nghề. 

Nhiều năm nay, anh em NSƯT Quốc Cơ, Quốc Nghiệp đã mang tiết mục “Sức mạnh đôi tay” đi biểu diễn vòng quanh thế giới và làm rạng danh xiếc Việt trên đấu trường quốc tế. Vừa biểu diễn, hai nghệ sĩ vừa sáng tạo kỹ thuật với động tác khó, phức tạp khiến khán giả không ngừng trầm trồ.

Chỉ với sức mạnh của đôi tay, NSƯT Quốc Cơ, Quốc Nghiệp đã thể hiện một ý chí, bản lĩnh Việt trước bạn bè quốc tế. “Trước kia, chúng tôi chỉ biểu diễn tiết mục đơn thuần, còn bây giờ hai anh em lồng ghép trong đó câu chuyện về tình thân. Đó không đơn giản là xiếc mà là những câu chuyện tình của hai anh em” - NSƯT Quốc Cơ cho biết.

Đời sống nghệ sỹ xiếc vẫn còn nhiều nhọc nhằn

Cũng giống như liên hoan phim, âm nhạc hay các loại hình nghệ thuật khác, những liên hoan xiếc quốc tế thường bao gồm cả hình thức 

marketing. Ban tổ chức cũng tính toán đến lợi ích kinh tế của các tiết mục dự thi. Trước khi chính thức dự thi, các đoàn thường biểu diễn khoảng một tuần. Đây chính là thời gian để chào hàng trước các đối tác. Tiết mục hấp dẫn sẽ được ký hợp đồng biểu diễn ngay lập tức. Vì thế, có những nghệ sĩ mang chương trình sang nước ngoài dự thi nhưng 2 năm sau mới về nước. Hầu hết các tiết mục đoạt giải của Việt Nam đều nhận được lời mời biểu diễn tại nước ngoài. Thù lao cho những “sô” này cao gấp nhiều lần biểu diễn trong nước.

Tuy nhiên, mỗi khi ký được hợp đồng biểu diễn quốc tế, các nghệ sĩ phải trích nộp phần trăm về cho liên đoàn bởi đơn vị đã đứng ra đầu tư sáng tạo, dàn dựng tiết mục và bản thân các diễn viên vẫn được hưởng lương như đang công tác. Ở Việt Nam, khán giả rất ít khi đi xem xiếc, chủ yếu phục vụ thiếu nhi, bởi thế cuộc sống diễn viên còn khó khăn. Bên cạnh đó, trang thiết bị phục vụ tập luyện và biểu diễn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Được vinh danh tại các đấu trường quốc tế, nhận nhiều show biểu diễn khắp thế giới không đồng nghĩa với việc các diễn viên xiếc đang có cuộc sống rất sung túc. Chưa nói, để đào tạo được một diễn viên xiếc giỏi là vô cùng gian khó với những đòi hỏi khắt khe về cấu tạo cơ thể, sức khỏe cũng như năng khiếu bẩm sinh và khả năng chịu đựng đau đớn, nghiệt ngã khi theo nghề. 

Mỗi năm, trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam phải chọn từ 7.000 đến hơn 8.000 hồ sơ, qua nhiều vòng kiểm tra, thẩm định để lấy khoảng 35 học sinh đủ tiêu chuẩn vào học. Trong quá trình học tập, con số sinh viên tốt nghiệp chỉ khoảng 20. Số diễn viên xiếc nổi tiếng, nhận cát-xê “khủng” cũng rất hiếm.

Xiếc là lĩnh vực mang tính đặc thù nhưng ngoài Nghị định sửa đổi về chế độ phụ cấp thanh sắc và bồi dưỡng đối với lao động biểu diễn nghệ thuật thì hiện nay chưa có cơ chế, chính sách riêng cho nghệ thuật xiếc. Chính vì thế, về lâu dài rất cần xây dựng một chính sách cho những loại hình nghệ thuật đặc thù, trong đó có xiếc.