Xây dựng làng nghề thành điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế

ANTD.VN - Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có thêm nhiều điểm du lịch phục vụ cho thị trường nội địa và quốc tế. Bên cạnh những loại hình du lịch vốn là thế mạnh của Hà Nội như du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái..., du lịch làng nghề đã trở thành một hướng đi triển vọng để thu hút du khách; đồng thời bảo tồn những tinh hoa văn hóa truyền thống, giải quyết được công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân địa phương.

Thời gian qua, du lịch làng nghề tại Thủ đô đã có bước phát triển đáng ghi nhận, đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng ngành Du lịch so với tỷ trọng các loại hình du lịch khác. Một số địa phương trên địa bàn Hà Nội đã khai thác thành công những giá trị văn hóa - kinh tế - xã hội của làng nghề để gắn với phát triển du lịch. Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến làng gốm Bát Tràng; làng lụa Vạn Phúc; làng Thạch Xá làm chuồn chuồn, bướm tre; làng mây tre Phú Vinh (huyện Chương Mỹ) ... đã khai thác được tiềm năng, định vị được thương hiệu.

Xây dựng làng nghề thành điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế ảnh 1Nghề làm bún truyền thống tại Cổ Đô

Làng Cổ Đô: Điểm đến mới - lạ - độc đáo 

Mới đây, một đoàn khảo sát du lịch làng Cổ Đô, huyện Ba Vì, TP Hà Nội đã được tổ chức. Trưởng đoàn là Chánh Văn phòng Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Minh Hạnh đã cùng đại diện các doanh nghiệp lữ hành thực hiện khảo sát xã Cổ Đô và chỉ ra được các điểm có thể đón du khách, gồm: Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô, Bảo tàng Mỹ thuật Sĩ Tốt, đình Cổ Đô, nhà thờ Nguyễn Sư Mạnh và nhà thờ Nguyễn Bá Lân, xóm chài, đền Cẩm Sơn, khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Làng Cổ Đô xưa có tên gọi là làng Cổ Sắt. Theo thời gian làng đổi tên thành làng An Bang và rồi đến làng Cổ Đô như ngày nay. Tương truyền, đoàn thuyền của công chúa Thiếu Hoa - con gái vua Hùng Vương đời thứ 18, trong một lần ngao du thiên hạ, đã cập bến ngôi làng bên sông. Thấy phong cảnh hữu tình, người dân thân thiện cần cù, công chúa đã lưu lại và truyền dạy dân làng cách trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, trồng khoai cấy lúa và nhiều nghề khác trong đó có nghề làm bún. Để tưởng nhớ công ơn của công chúa Thiếu Hoa, dân làng Cổ Đô đã lập đền thờ công chúa tại vị trí trang trọng của ngôi làng cho đến ngày nay...

Với khung cảnh nông thôn yên bình với những hàng cau, ngôi nhà ngói cổ kính, triền đê gió lộng, bên cạnh nổi tiếng là làng lụa, làng nghề làm bún truyền thống nức tiếng ở miền Bắc Việt Nam, Cổ Đô còn được nhiều du khách yêu mến nơi đây gọi là “làng họa sĩ”. Hơn 800 ngôi nhà ở Cổ Đô hầu như nhà nào cũng có người vẽ tranh. Các họa sĩ của làng có xưởng vẽ, phòng tranh tại gia, trưng bày những bức tranh do chính chủ nhà dành nhiều tâm huyết sáng tác.

Đặc biệt, Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô chính thức hoạt động chuyên nghiệp từ đầu năm 2016, thường xuyên trưng bày khoảng 300 tác phẩm hội họa, điêu khắc xuất sắc của các hội viên Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô và các họa sĩ xuất thân từ làng. Chia sẻ với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, một trong “họa sĩ chân đất” tại làng Cổ Đô - họa sĩ Đào Quang cho biết, dịp hè 2018, ông đã cùng các họa sĩ trong Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô dạy vẽ hơn 50 trẻ em trong vùng. Các em nhỏ đều rất hào hứng với lớp học vẽ và những sắc màu như chiếc cầu kết nối các thế hệ.

Theo người dân nơi đây, “Ông tổ nghề tranh” của làng là họa sĩ Sĩ Tốt. Ông theo học khóa đào tạo mỹ thuật kháng chiến ngắn hạn - khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957), tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (khóa 1958-1963), đồng môn với các họa sĩ tên tuổi như Huy Oánh, Văn Đa, Quang Thọ, Thanh Ngọc… Đến Bảo tàng Mỹ thuật Sĩ Tốt đặt tại nhà riêng của cố họa sĩ, du khách được chiêm ngưỡng những bức tranh nổi tiếng như “Tiếng đàn bầu”, “Bế con”, Tiếng đàn bầu”, “Em nào cũng được học cả”, “Đan mũ”, “Ơ bố”… Các bức tranh này đều đã được trưng bày ở các bảo tàng trong và ngoài nước, đem đến cho khán giả những hình ảnh chân thực về người lính, những cô du kích trong kháng chiến, những người nông dân lam lũ nhưng hồn hậu.

Xây dựng làng nghề thành điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế ảnh 2Họa sĩ Đào Quang cùng các họa sĩ tại CLB Mỹ thuật Cổ Đô dạy vẽ tranh cho hơn 50 trẻ em trong vùng dịp hè năm 2018 

Sẽ có con đường bích họa tại làng Cổ Đô

Với lợi thế về chiều sâu văn hóa hàng nghìn năm, dấu tích để lại là cả hệ thống di sản đồ sộ, các danh thắng đặc sắc, 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm gần 60% tổng số làng với 47 nghề trong tổng số 52 nghề trên toàn quốc, cùng nếp sinh hoạt riêng có của người dân, Hà Nội đang tận dụng tiềm năng này để tạo sản phẩm du lịch đặc thù thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Hầu hết các doanh nghiệp lữ hành khi về xã Cổ Đô đều thống nhất quan điểm: nơi đây có tiềm năng về du lịch, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thêm về mỹ thuật Việt Nam và mong muốn được khám phá cuộc sống nông thôn của du khách, nhất là du khách quốc tế. Tuy nhiên, xã Cổ Đô cần phải hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tìm ra những điểm nhấn trong hành trình tham quan, gia tăng trải nghiệm cho du khách. Trong thời gian tới, xã Cổ Đô sẽ triển khai làm mặt sau của biển chỉ dẫn du lịch đã làm năm 2017, làm mới thêm 1 biển chỉ dẫn trong năm 2018, đặt ghế đá ở một số điểm tham quan để thuận tiện cho du khách ngồi nghỉ ngơi, ngắm cảnh, trồng thêm hoa và cây xanh. 

Được biết, UBND TP Hà Nội đã giao cho Tập đoàn Bưu chính Viễn Thông Việt Nam VNPT triển khai dự án du lịch thông minh nằm trong đề án chung phát triển đô thị thông minh của Hà Nội, do đó, ông Nguyễn Việt Hồng, Phó trưởng Phòng Phát triển Thị trường VNPT khẳng định, trong tương lai gần, du khách và người dân Cổ Đô sẽ được dùng wifi miễn phí.

Nhìn lại 10 năm mở rộng địa giới hành chính, ngành Du lịch Thủ đô đã từng bước khẳng định được vai trò, vị trí là ngành kinh tế lớn với tốc độ tăng trưởng ổn định. Những nỗ lực của những người làm du lịch trong việc chú trọng phát triển du lịch làng nghề thành điểm đến hấp dẫn du khách hứa hẹn tạo nên những hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.

Xây dựng làng nghề thành điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế ảnh 3Du khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô

“Sắp tới “làng hội họa” sẽ có một con đường bích họa tạo ấn tượng cho du khách quốc tế. Chi phí họa phẩm thực hiện sẽ do Sở Du lịch Hà Nội và các doanh nghiệp lữ hành tài trợ 100%. Về nhân công thực hiện, xã Cổ Đô kêu gọi chính những người họa sĩ tại địa phương tham gia đóng góp “chất xám” để người dân, du khách cùng trải nghiệm không gian chung độc đáo. Sở Du lịch Hà Nội cũng triển khai các lớp bồi dưỡng du lịch cộng đồng cho người dân địa phương”.

Bà Nguyễn thị Minh Hạnh (Chánh Văn phòng Sở Du lịch Hà Nội)