Xẩm trở lại trong dáng dấp phố thị

ANTĐ - Cách đây 4 năm, cũng vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, hát xẩm lần đầu tiên được trình diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Lần trình diễn ấy có cả cụ Hà Thị Cầu - nghệ nhân hát xẩm đã đi vào huyền thoại  như một báu vật dân gian.

Xẩm trở lại trong dáng dấp phố thị ảnh 1xXẩm “Tiễu trừ cướp biển” - một trong những tiết mục sẽ được biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội

Nỗ lực âm thầm của người yêu xẩm

Ngày đó, những người ra sức đưa xẩm vào trình diễn trong “thánh đường nghệ thuật” thổ lộ muốn… minh oanh cho xẩm, rằng xẩm không phải là loại hình nghệ thuật bình dân vẫn thường được cất lên ở góc đường hay bến chợ, mà còn là một nghề đáng trân trọng và có thể trình diễn ở những nơi sang trọng. Dĩ nhiên, thành công ngoài mong đợi của buổi biểu diễn đã chứng minh điều ấy. Cũng từ đó, ý định đưa xẩm lên sân khấu lớn để biểu diễn dài hơi được đưa ra. Song vì nhiều lý do mà kế hoạch này đã trì hoãn lại suốt 4 năm qua, trong đó có mối lo là không có kinh phí thực hiện. Có lẽ bởi thế mà khi nghe thông tin xẩm sẽ được Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc cùng CLB Xẩm Hà thành đưa trở lại sân khấu Nhà hát Lớn vào ngày 20-1 tới, những người mê bộ môn nghệ thuật dân gian này hết sức vui mừng.

Một cuộc gặp gỡ nhỏ để thông tin về sự kiện này được tổ chức vào chiều tối qua 14-1. Giáo sư Hoàng Chương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tâm sự, ông đã bỏ dở cuộc hội thảo quốc tế về nghệ thuật bài chòi dân gian Việt Nam đang diễn ra ở TP Quy Nhơn, Bình Định để kịp trở về Hà Nội tham gia cuộc gặp gỡ này. Cũng bởi ông tin rằng từ những bước đi nhỏ này, không lâu nữa, xẩm sẽ được nhìn nhận và tôn vinh xứng đáng trên trường quốc tế. 

Giáo sư Hoàng Chương chia sẻ, để có được đêm diễn này là cả một nỗ lực rất lớn của những người yêu xẩm. Thực tế, các thành viên của CLB Xẩm Hà thành như nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, nhạc sĩ Quang Long, nhạc sĩ Khương Cường… suốt nhiều năm qua vẫn âm thầm mang xẩm đi biểu diễn khắp nơi, từ trong nhà ra tới ngoài đường, với kỳ vọng giúp nhiều người nhìn ra vẻ đẹp của bộ môn nghệ thuật này để chung sức đưa xẩm đến gần với khán giả. Đêm diễn vào ngày 20-1 tới tại Nhà hát Lớn được tổ chức cũng nhờ kinh phí khiêm tốn có được từ sự đóng góp tự nguyện của những người yêu xẩm. 

Thử nghiệm xẩm với nhạc đương đại

Nhạc sĩ Quang Long - thành viên CLB Xẩm Hà thành bộc bạch dù gắn bó với xẩm đã nhiều năm, cũng hát, cũng thử sáng tác vài bài xẩm nhưng anh chưa bao giờ dám nhận mình là ca sĩ chứ chưa nói gì đến nghệ nhân hát xẩm. Cũng như những người mê xẩm khác, anh luôn đau đáu nỗi lo bộ môn nghệ thuật dân gian này đang đứng trước nguy cơ thất truyền nên muốn cùng mọi người hợp sức phục hồi dòng nghệ thuật độc đáo này. Gần đây, khi những bài xẩm được đưa lên mạng xã hội và thu hút hàng triệu lượt người xem, vị nhạc sĩ trẻ càng tin rằng xẩm luôn có chỗ đứng trong lòng công chúng. Từ ngày nghệ nhân Hà Thị Cầu qua đời, con gái cụ - bà Nguyễn Thị Mận vì nhớ mẹ nên càng hay hát xẩm. Vì lẽ đó, lần này cả nhóm quyết định phải đưa xẩm trở lại và mời bằng được bà Nguyễn Thị Mận ra Hà Nội để thỏa lòng những người yêu xẩm.

Lần trở lại này của xẩm được những người trong cuộc tiết lộ là sẽ mang dáng dấp phố thị với việc giúp người nghe hình dung được xẩm đã sống trong lòng Hà Nội ra sao và đang tồn tại thế nào giữa đời sống giới trẻ hiện đại. Đó là lý do đêm diễn không chỉ có những bài xẩm xưa kinh điển đã phổ biến khắp miền Bắc những năm nửa đầu thế kỷ XX mà còn có cả những bài xẩm đương đại, rồi cả xẩm thử nghiệm với dòng nhạc đương đại thế giới như Jazz. Và một trong những điều bất ngờ nhất là sự xuất hiện của người đẹp - Á hậu Trà Ngọc Hằng trong vai trò người dẫn chuyện. Người đẹp này chia sẻ, cô từng có chuyến tìm về tận nhà thăm nghệ nhân Hà Thị Cầu khi bà còn sống. Ấn tượng về một cụ bà có vẻ ngoài khắc khổ nhưng khi cất tiếng hát lại rất lạc quan yêu đời đã đưa cô gái miền Nam từ chỗ không hiểu gì về xẩm đến mê xẩm lúc nào không hay. Lần đó, nghệ nhân Hà Thị Cầu cũng dạy cô hát một vài câu xẩm, còn nhận cô là cháu và đặt tên là “Hà Thị Hằng”. Trong đêm diễn sắp tới, cùng với nhà thơ Vũ Quần Phương, cô sẽ dẫn dắt công chúng đi qua những thăng trầm với xẩm. 

Xẩm đã trở lại. Nói như lời ví vui của nhà thơ Vũ Quần Phương thì bộ môn nghệ thuật dân gian này giống như chiếc tàu bị đắm từ nhiều thế kỷ trước, có lúc bị lãng quên nhưng chưa bao giờ mất. Chiếc tàu ấy đang được những người yêu xẩm, trẻ có, già có ra sức trục vớt, giữ gìn và sẽ trở thành món đồ cổ vô giá. Và đêm diễn sắp tới sẽ mở ra hướng đi mới cho xẩm, nhắc với mọi người về một dòng nghệ thuật không bao giờ có thể mai một hay lãng quên.