Khan hiếm sách giáo khoa trước thềm năm học mới:

Xã hội không chấp nhận độc quyền

ANTD.VN -Chỉ còn vài ngày nữa là học sinh trên toàn quốc sẽ bước vào năm học mới, năm nay tình trạng khan hiếm sách giáo khoa lại tái diễn, nhiều bậc phụ huynh lùng sục tìm mua từng cuốn lẻ cũng không đủ ghép vào thành bộ cho con học. Nhiều người cho rằng, để xảy ra tình trạng khan hiếm trên trách nhiệm thuộc về NXB Giáo dục Việt Nam. Để rõ hơn về vấn đề này, PV ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản In và Phát hành.

Xã hội không chấp nhận độc quyền ảnh 1

PV: Thưa ông, có nhiều người cho rằng, nguyên nhân thiếu sách là do số lượng học sinh năm nay tăng đột biến. Quan điểm của ông thế nào?

+Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản In và Phát hành: Nếu cho việc học sinh tăng đột biến dẫn đến thiếu sách thì cần phải đưa ra các con số cụ thể, năm nay tăng bao nhiêu so với năm trước. Còn về mặt sản xuất, theo báo cáo của NXB Giáo dục Việt Nam thì năm nay không có gì thay đổi, mức sản xuất theo thống kê của cơ quan quản lý Nhà nước cũng không có gì thay đổi, tức là cung giữ nguyên. Nguyên nhân thì có thể nhiều, nhưng gói gọn lại là việc không mua được sách, không đủ sách tức là cung ít mà cầu thì nhiều.

PV: Việc liên tục cải tiến, thay đổi các chương trình giảng dạy cùng những thông tin chưa được kiểm chứng về chuyện sẽ thay đổi sách giáo khoa trong thời gian tới cũng là một phần nguyên nhân gây nên tình trạng khan hiếm sách?

+Đối với ngành xuất bản, đặc biệt là khi in số lượng ấn phẩm lớn như SGK chẳng hạn thì thường phải xây dựng kế hoạch từ khá sớm vì còn liên quan tới nguyên liệu sản xuất là giấy, mực in…Việc thay đổi, sửa chữa, cải tiến liên tục các chương trình, nội dung giảng dạy cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc xuất bản phải rơi vào thế bị động, kế hoạch in, sản xuất cầm chừng, nghe ngóng thị trường.

PV: Có một thực tế là, học sinh đi học bây giờ mỗi năm phải mua một bộ sách mới mà không thể dùng lại sách cũ như ngày xưa. Điều này hẳn là rất lãng phí?

+Đúng là ngày xưa, anh chị em trong nhà có thể dùng chung một bộ sách từ năm này sang năm khác. Còn bây giờ không thể tái sử dụng được. Về nội dung của sách giáo khoa chúng tôi (Cục Xuất bản In và Phát hành-PV) không thể can thiệp được.

PV: Hiện tại, thị phần sách giáo khoa chiếm bao nhiêu phần trăm so với với tổng số xuất bản phẩm trên cả nước?

+Theo thống kê lưu chiểu SGK của NXB Giáo dục thì năm 2016 sách giáo khoa đăng ký 424 đầu sách với 188.788.810 bản (chiếm 1,4% về số đầu sách nhưng lại chiếm 56,7% bản sách so với toàn ngành. Năm 2017 con số cụ thể là 675 đầu sách  với 159.402.910 bản (chiếm 2,2% về số đầu sách và 50,4% bản sách toàn ngành xuất bản).

PV: Giải pháp nào đã được đưa ra để hạn chế tình trạng khan hiếm cũng như độc quyền in, phát hành sách giáo khoa, thưa ông?

+Lâu nay việc in ấn và phát hành sách giáo khoa vẫn theo mô hình cũ, tức là chỉ có một bộ sách và chỉ một NXB chịu trách nhiệm việc này. Tuy nhiên từ khi Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông thì tới đây thực hiện 1 chương trình nhiều bộ SGK.

Các NXB có điều kiện thì sẽ được giao chức năng, tạo động lực, cạnh tranh. Vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông vừa cấp bổ sung giấy phép cho các NXB Đại học Sư phạm TP.HCM, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Huế là những đơn vị đầu tiên được phép thực hiện xuất bản sách giáo khoa, tất nhiên nội dung phải qua Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước. Hiện nay các NXB này cũng đang tích cực hoàn thiện và sẵn sàng cho cuộc chơi mới.

Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng vừa mở thêm một lớp bồi dưỡng, cấp chứng chỉ biên tập viên cho các NXB nói trên. Đây cũng là một giải pháp tránh việc độc quyền, khan hiếm. Xã hội không chấp nhận độc quyền.

 Chỉ còn vài ngày nữa năm học mới bắt đầu, nhiều bậc phụ huynh vẫn đang phải lùng sục tìm mua sách cho con em mình (Ảnh : Lam Thanh)

PV: Nghĩa là chúng ta có quyền hy vọng năm học 2019-2020 sẽ không còn tình trạng khan hiếm sách như hiện nay.

+Điều này tôi chưa thể khẳng định được vì đó là tương lai. Việc của cơ quan quản lý nhà nước là dọn hành lang pháp lý để xã hội phát triển còn phát triển đến đâu thì cần phải có thêm những chính sách tác động tích cực khác. Cho các NXB được làm sách giáo khoa nhưng có làm được hay không thì còn tùy thuộc nguồn lực của từng NXB. Các đơn vị sản xuất buộc lòng phải cân đối theo đúng nhu cầu của xã hội cũng như năng lực sản xuất của các NXB. Chỉ có “van” điều tiết thị trường là bền vững và lâu dài.