Xã hội hóa văn học- nghệ thuật: Được nhiều, mất cũng lắm!

ANTD.VN -Đánh giá về quá trình xã hội hóa điện ảnh Việt Nam trong 20 năm trở lại đây, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho rằng, mất nhiều hơn là được. Quy trình sản xuất và phát hành phim đã hoàn toàn nằm trong tay tư nhân, nhà nước chỉ còn làm nhiệm vụ giám sát, duyệt phim và tổ chức các kỳ liên hoan….

Hội thảo “Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động VHNT ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay” do Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT Trung ương tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội vào sáng ngày 19-12. Hội thảo có sự tham dự của ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trên toàn quốc.

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết, chưa có mô hình tổ chức nào bị xáo trộn như điện ảnh trong suốt hơn 20 năm thực hiện quá trình xã hội hóa VHNT. Với luật Điện ảnh ra đời năm 2016, những gì không quy định trong luật, tức là không cấm thì người ta có thể làm thoải mái. “Phim ngoại được nhập vào Việt Nam tràn làn, làm như vậy, chẳng khác nào giết chết nền điện ảnh Việt Nam. Những lần ngồi trong hội đồng duyệt phim, tôi thấy thương cho thế hệ trẻ Việt Nam phải xem những bộ phim nhập ngoại như vậy. Tôi đã nhiều lần đề nghị nên nhập khẩu có chọn lọc nhưng cho tới nay, các bộ phim “bom tấn” của nền điện ảnh này, nền điện ảnh kia vẫn vô tư xuất hiện tại các rạp chiếu phim” - đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo

Thậm chí, gay gắt hơn, vị đạo diễn này còn cho biết, tại Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội vừa qua, 22 bộ phim của điện ảnh Việt Nam tham dự liên hoan thì toàn là phim thương mại. Số ít trong số đó là chế bản theo phim Hàn Quốc. “Các bộ phim nhập ngoại chẳng khác nào những con mối gặm nhấm thân cây. Những tệ nạn xã hội, sự suy thoái đạo đức cũng từ những bộ phim nhập ngoại”-đạo diễn Đặng Nhật Minh xót xa chia sẻ.

Cùng chung quan điểm này với đạo diễn Đặng Nhật Minh, bà Ngô Ngọc Vũ Long, thành viên Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT Trung ương cho biết, điều đau xót nhất hiện nay đối với điện ảnh Việt Nam là nhà nước đầu tư cả chục tỷ đồng dàn dựng phim, nhưng phim làm ra không biết phát hành ở đâu. Bởi các rạp chiếu phim hiện nay đều nằm trong tay của tư nhân, của nước ngoài.

Dẫn chứng về điều này, bà Ngô Ngọc Vũ Long đã lấy ví dụ về bộ phim “Sống cùng lịch sử” được nhà nước đầu tư để chiếu vào dịp Chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhưng phim làm ra không biết chiếu ở rạp nào? Các rạp tư nhân đều từ chối chiếu bộ phim này. Trong tình thế khó khăn như vậy, các nhà quản lý đành chọn chiếu ở Fafilm, vé phát miễn phí dành cho người xem. Thế nhưng, mỗi buổi chiếu cũng chỉ có 10 người tới rạp.

Theo chia sẻ của bà Ngô Ngọc Vũ Long, trước khi bước vào quá trình xã hội hóa, TP.HCM có khoảng 54 rạp chiếu phim. Thế nhưng, hiện nay, trong tay nhà nước không còn rạp chiếu nào. Ở cả khâu sản xuất và phát hành, tư nhân đã hoàn toàn chiếm lĩnh. Dù nhìn tổng thể, điện ảnh Việt Nam có vẻ như rất sôi động nhưng tiền thu về từ lĩnh vực này đã hầu như chảy vào túi của các công ty nước ngoài, nhà nước không còn được hưởng lợi từ số tiền này.

TS. Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở VHTT Hà Nội nhận định, xã hội hóa là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhưng trong thực tế, định hướng này đang được triển khai với nhiều bất cập. Xã hội hóa đang được các đoàn nghệ thuật, các hãng phim quan tâm ở góc độ nhà đầu tư nào chịu bỏ tiền ra đầu tư. Khi duyệt tác phẩm, HĐNT chỉ quan tâm xem tác phẩm đó có phạm quy về chính trị mà bỏ qua chất lượng tác phẩm. Vì thế, những thứ nghệ thuật rẻ tiền, ít hàm lượng nghệ thuật vẫn xuất hiện nhan nhản. Và người thiệt nhất từ sự bất cập đó chính là khán giả. Họ không được thụ hưởng các sản phẩm văn hóa có chất lượng.

Nhà thơ Hữu Thỉnh đặt ra câu hỏi, Việt Nam hiện nay đã thực sự có nền điện ảnh chưa khi tỉ lệ chiếu phim Việt Nam chưa bao giờ đạt tới 20%, doanh thu thì nhiều nhưng tiền không về tay nhà nước, các công ty điện ảnh thì nhiều nhưng các đơn vị điện ảnh của nhà nước tan rã gần hết.

Bộ phim "Sống cùng lịch sử" làm ra nhưng không biết chiếu ở đâu

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, dù quá trình xã hội hóa VHNT còn nhiều bất cập nhưng suy cho cùng, không thể quay lại thời bao cấp. Nghị quyết đã ra đời về xã hội hóa hoạt động VHNT cách đây hơn 20 năm đến nay vẫn rất đúng và trúng, nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân và tăng cường vai trò của các hội, đặc biệt là Hội VHNT. Trong đó có một ý rất quan trọng là, dù tiến hành xã hội hóa hoạt động VHNT nhưng Nhà nước không buông và nắm vai trò chủ đạo.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong nhiều vấn đề còn tồn tại của xã hội hóa VHNT, bao trùm lên tất cả là nhận thức của các nhà quản lý, của những người làm công tác văn hóa còn chưa đúng, đã dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Do vậy, hội thảo lần này được tổ chức đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh hướng về các hoạt động VHNT được xã hội hóa. Thực trạng về suy thoái đạo đức, về các hiện tượng đáng báo động trong xã hội có một phần đóng góp từ việc buông lỏng quản lý văn hóa.