Xã hội hóa không phải là bỏ rơi nghệ sĩ

ANTĐ - Đến năm 2020, 100% các nhà hát công lập sẽ bước vào lộ trình tự chủ. Thế nhưng, đến thời điểm này, lãnh đạo các nhà hát Hà Nội còn hiểu khá mơ hồ về xã hội hóa, về cơ chế tự chủ, chưa nói tới việc bắt tay vào thực hiện…

Xã hội hóa không phải là bỏ rơi nghệ sĩ ảnh 1Nghệ thuật truyền thống sẽ không bị bỏ rơi khi bước chân vào lộ trình tự chủ

Phân biệt "xã hội hóa" và "tư nhân hóa"

Hội thảo “Sân khấu Hà Nội với xã hội hóa” do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức đã cho thấy sự lúng túng của lãnh đạo các nhà hát trước lộ trình đã được định sẵn. Dù một số nhà hát công lập trước đó đã ít nhiều tổ chức các hoạt động nghệ thuật mang tính xã hội hóa như việc tiếp cận các doanh nghiệp, các công ty, các tổ chức xã hội để xin tài trợ, nhằm tạo nên kịch mục hoặc chi phí cho những chuyến lưu diễn nước ngoài và các chương trình phục vụ sinh viên, học sinh miễn phí. Tuy nhiên, cách làm này còn mang tính cá nhân, được chăng hay chớ. Vì thế, việc làm của một số đơn vị nghệ thuật công lập Hà Nội vừa qua, chỉ là hoạt động có tính ngẫu hứng, thân quen và thiếu tính chiến lược. 

Không chỉ thiếu định hướng trong hành động mà trong suy nghĩ của các nghệ sỹ, các lãnh đạo nhà hát vẫn còn hiểu mơ hồ về khái niệm “xã hội hóa”. Theo NSND Trung Hiếu, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch nói Hà Nội: “Cá nhân tôi và nhiều nghệ sỹ vẫn chưa phân biệt 2 khái niệm “xã hội hóa” và “tư nhân hóa”. Theo suy nghĩ chủ quan của tôi, “xã hội hóa” là Nhà nước và nhân dân cùng làm, “tư nhân hóa” là nhân dân tự bỏ nguồn vốn 100% để lo nhà rạp, dàn dựng vở, trả lương cho nghệ sỹ như mô hình sân khấu ở TP.HCM: kịch Idecaf, Phú Nhuận, Phước Sang… Ở Hà Nội thì rõ ràng đi theo mô hình xã hội hóa, tức là Nhà nước sẽ cho mượn cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, các nghệ sỹ sẽ tự nuôi sống nhau”. 

NSƯT Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội cho rằng: “Xã hội hóa chính là việc chủ động tìm đối tượng, nguồn kinh phí từ các tổ chức, doanh nghiệp, thu hút được những dự án để có thể đầu tư cho sân khấu như dàn dựng tác phẩm về văn hóa giao thông rồi đưa vào biểu diễn phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, dựng vở kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”. 

Đòn bẩy cho sự sáng tạo, năng động

Vậy sân khấu Hà Nội nên đi theo mô hình nào để không mắc sai lầm, không tầm thường hóa nghệ thuật, biến nghệ sỹ thành công cụ quảng cáo, marketing cho các doanh nghiệp, làm mất đi những giá trị của sân khấu Việt? Đây vẫn là điều trăn trở đối với lãnh đạo các nhà hát và các cấp quản lý văn hóa. Đến nay, dù một số văn bản của Nhà nước đã ra đời như Nghị định 16, Nghị định 90 khẳng định quá trình tiến tới tự chủ là tất yếu đối với các đơn vị nghệ thuật công lập, song lộ trình cụ thể thì chưa thấy đâu và một định nghĩa cụ thể về xã hội hóa vẫn chưa được nghiên cứu. Điều này dẫn đến sự mò mẫm trong quá trình thực hiện đối với các nhà hát. 

NSND Thúy Mùi, Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cho biết: “Chúng tôi mới chỉ chủ động về tài chính, còn nhân sự thì quá cồng kềnh, gánh nặng này cũng là nguyên nhân khiến sân khấu Thủ đô chưa thể tiến hành xã hội hóa. Theo tôi, cần có lộ trình để chuẩn bị từng bước xã hội hóa. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần có các chính sách đặc thù hỗ trợ cho sân khấu truyền thống như bảo tồn vốn cổ, chế độ thu hút nghệ sỹ cao tuổi truyền nghề cho lớp trẻ”. 

Về vấn đề quản lý chất lượng vở diễn, tránh chạy theo thị hiếu tầm thường, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Trần Quốc Chiêm khẳng định: “Đối với các đơn vị sân khấu Thủ đô, nhất là sân khấu truyền thống thì việc xã hội hóa không có nghĩa là bị bỏ rơi. Càng xã hội hóa thì Nhà nước càng phải quản lý chặt chẽ hơn về nội dung và tư tưởng của tác phẩm. Hàng năm, Nhà nước sẽ đặt hàng tác phẩm các đơn vị nghệ thuật và kiểm soát về mặt chất lượng”. 

Chỉ còn 4 năm nữa, các nhà hát công lập của Thủ đô sẽ chính thức đặt chân vào quá trình xã hội hóa. Những lo lắng và băn khoăn của lãnh đạo các nhà hát và nghệ sỹ trước ngưỡng cửa tiến tới tự chủ là điều dễ hiểu. Nhưng cũng cần thấy rằng, xã hội hóa là con đường tất yếu trong sự phát triển của nhà hát, tạo đòn bẩy cho sự sáng tạo và năng động. Hơn thế, trước sự khẳng định của các cấp quản lý sẽ không “bỏ rơi” đơn vị nghệ thuật trong quá trình xã hội hóa, thì việc còn lại đến từ chính tư duy cởi mở của lãnh đạo các nhà hát, năng động tìm ra một lộ trình cho đơn vị nghệ thuật của mình như từng bước thanh lọc bộ máy nhân sự, tạo điều kiện cho người tài tỏa sáng và hưởng thù lao xứng đáng.