Vườn Bách Thảo, hạt chi - chi...
(ANTĐ) - Thuở nhỏ, vào ngày chủ nhật, có buổi tôi được cha đèo xe lên vườn Bách Thảo. Vào thăm vườn, cây cối um tùm, là những thứ cây có tên khoa học hẳn hoi, được trồng hầu khắp khu vườn. Lại có một chiếc hồ dài cánh cung, như một đoạn sông nhỏ bỏ quên, ở ngay bên lối đi khá đẹp.
Đường trong vườn trải nhựa như đường trong phố. Đường cũng quanh co, tạo ra thế vui chân cho những người đi dạo, dẫn đến những chuồng thú. Trong vườn có hổ, nhiều hơn cả là gấu, có khỉ, có trăn, và cả một con chim ưng khá lớn, dáng dữ mà đẹp... Cả vườn như một khu rừng, mà đúng là một khu rừng nhân tạo... Sau này, lớn lên đi học, đọc đến bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ, có những câu viết về con hổ trong rừng bách thú:
Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua
Khinh lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ,
Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm!
Nay sa cơ bị nhục nhằn tù hãm
Để làm trò lạ mắt thứ đồ chơi
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự...
Tôi lại nhớ đến những con thú mà tôi đứng bên ngoài rào chắn nhìn vào với đôi mắt ngây thơ, chiêm ngưỡng cái vóc dáng có phần hung dữ, cực kỳ khỏe mạnh trời ban cho chúng...
Cha tôi dắt đi xem bằng hết các chuồng thú, khoảng gần trưa, dẫn tôi đi ăn bánh tôm hồ Tây...
Những năm sau này, thú được di chuyển về một nơi nào khác, nhưng Bách Thảo vẫn là một nơi yên tĩnh, có cây, có đường, có ghế đá có núi dù không cao lắm, có đền, miếu trên đó..., nên vẫn được nhiều người đến chơi, đi dạo... Có thời còn có một quán bia phía phố Ngọc Hà... những buổi chiều hay những đêm trăng, giành cho nhưng đôi trai gái yêu nhau. Họ cầm tay nhau đi dạo trong vườn bước qua những lối cỏ chân núi, vừa đi vừa trò chuyện, tâm tình. Có khi ngồi xuống bên vệ cỏ, sóng vai bên nhau, mặc nắng chiều dù có chiếu đến hơi gay gắt.
Tôi cũng có một thời yêu một người con gái, từng dẫn nhau đi dạo chơi trong vườn, đi bên “khúc sông nhỏ bỏ quên”, hái những dây chua me, lá khá to, rồi cùng chơi chọi lá. Dây nào bị chọi cụt mất lá là thua. Vừa chọi vừa chuyện trò, kể những chuyện oái oăm trong đời vấp phải; khi nghĩ đến những điều xem ra mình chưa vượt nổi, hoặc rất khó vượt, cả tôi và em thường thốt lên những tiếng thở dài.
Chúng tôi cũng dẫn nhau lên ngọn núi nhỏ trong vườn mà nghĩ ta gọi là núi Sưa, thuở ấy còn vài cây sưa, vào cuối xuân thường ra hoa trắng xóa! Chúng tôi ngồi trên vạt cỏ trước ngôi đền. Chợt em kêu thốt lên, vui vẻ:
- Anh à, hạt chi - chi này...
Em đặt chiếc hạt nhỏ, hình hạt đậu, màu đỏ tươi, mép viền đen khá đẹp. ở quê tôi gọi hạt này là hạt cườm - cườm... Nhìn xuống cỏ, còn nhiều hạt rơi quanh đó nữa... Chúng tôi cùng cúi nhặt và được chừng vài ba chục hạt. Em để trên lòng tay, rồi đếm từng hạt, chia đều cho hai đứa...
Không biết em có giữ không, tôi đem về, đựng trong một chiếc hộp nhỏ, coi như một kỷ niệm của những ngày yêu đương.
Hẳn rằng, cuộc tình của chúng tôi tan vỡ, không đến được với nhau. Em theo chồng về một tỉnh xa, còn tôi ở lại Hà Nội. Mỗi lần ra thăm Thủ đô, em đến gặp tôi. Nhắc chuyện vườn Bách Thảo và hạt chi - chi. Một lần tôi rủ:
- Hay là ta lên đó, đi em!
Em lắc đầu, nhìn xa xa, mắt đượm buồn. Nhiều lần tôi có đến vườn Bách Thảo, chẳng hạn như lần xem xác B.52, chất đầy ở đầu vườn; hoặc đi ngang qua, nhưng không bao giờ đi dạo lâu như những năm trước. Bởi tôi cũng ngại như em, nhớ lại những tháng ngày không thể nào quên ở nơi ấy.
Không biết bây giờ hạt chi - chi có còn rơi xuống cỏ ở núi Sưa nữa không, và có còn đôi trai gái nào phát hiện ra và nhặt nó vào lòng tay như người yêu tôi thuở trước?
Ngô Văn Phú