Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 10, Xuân 2012:

Vun đắp “mối duyên” Thơ

ANTĐ - Ngày Thơ lần thứ 10 diễn ra hôm qua 5-2 như dòng chảy tiếp nối và gắn kết tâm hồn thơ từ bốn phương về Văn Miếu, Hà Nội. Đây cũng là dịp những người yêu thơ cùng nhau tề tựu, vun đắp thêm “mối duyên” khăng khít giữa nhà thơ - công chúng và tác phẩm.

Công chúng mua thơ…

Không gian hội ngộ

Đông đảo công chúng và tác giả, trong đó có nhiều nhà thơ nước ngoài đã có dịp gặp nhau trong không khí thân mật, chia sẻ tình yêu sáng tác và thưởng lãm thi ca. Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 10 được trang trí nhiều màu sắc với dãy lều thơ của các CLB, dãy bóng bay treo những câu thơ nổi tiếng cùng “poster” các nhà thơ được giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước và các nhà thơ trong phong trào Thơ Mới. Cùng với đó là hai dãy lều giới thiệu tác phẩm từ nhiều tỉnh thành trong cả nước và nhiều tiết mục âm nhạc truyền thống như cồng chiêng Mường, ca trù, hát sắc bùa, hát xoan…

Không dữ dội và sôi động, Ngày Thơ diễn ra vui vẻ với các tiết mục đọc thơ của tác giả Việt Nam và các nhà thơ tham gia Liên hoan châu Á - Thái Bình Dương, kèm phần dịch thơ. Cũng có nhiều người đến sân thơ để cảm nhận không khí đông vui và hội ngộ, gặp nhau là chính.

Nhà văn, PGS.TS Ngô Văn Giá cho rằng Ngày Thơ Việt Nam nên có ngày thơ chính từ 3 đến 5 năm mở một lần, làm lâu dài hơn, còn hàng năm mở ngày hội lệ sao cho sâu lắng hơn. Vì theo ông, thơ và không gian thơ cần sâu lắng, không phải lúc nào cũng có thể đưa ra không gian quảng trường được, mà nó cũng kén chọn, chắt lọc, có khi chỉ một vài độc giả mà thôi. Còn nhà thơ Đoàn Ngọc Minh đến từ Hội VHNT Cao Bằng thì cho biết, do bị động trong nắm bắt thông tin nên đoàn Cao Bằng chuẩn bị chưa được kỹ và góp ý các “lều thơ” địa phương cần thể hiện được bản sắc vùng miền hơn nữa. Họa sĩ Bùi Thanh Liêm - Hội VHNT Ninh Bình hơi tiếc vì không gian cho các tỉnh khá nhỏ nên hạn chế trong việc trang trí, trình bày. Dẫu thế, Ngày Thơ đã tái hiện được không gian Thơ đặc sắc, vui tươi và không kém phần nồng ấm.

Công chúng vẫn yêu thơ

…Và đọc thơ của các tác giả nổi tiếng

Đã thành lệ, có ngày hội thơ là có các bàn bán thơ như một nhiệt kế kiểm tra “độ” yêu thơ của công chúng. Ngày Thơ hôm qua, các dãy bàn lại xếp dọc  đường đi và góc sân để đón đợi. Nhiều tác phẩm có tiếng, tác phẩm mới của những cây bút đang vươn lên, có mặt trên những chiếc bàn này. Nhà thơ trẻ Võ Thị Phương Thuý từ Vinh ra, chị vừa in tập đầu tay “Xoã ngày tóc rối”, tập thơ được bày bán cùng “Thơ ngụ ngôn” của Nguyễn Bá Trinh, “Mục xó xỉnh cười” của Du Nguyên, “Ngọn lửa đầu tiên” của Thiên Sơn, “Hoa và những trang viết để lại” của thi sĩ yểu mệnh Lãng Thanh… Phương Thúy cho biết, từ sáng đã bán được cả trăm cuốn, có những người xem tên tác giả và đọc qua rồi mua, song cũng có những người hỏi giá nhưng lại xuýt xoa đắt dù ngoài thơ của tác giả Vi Thuỳ Linh có giá “khủng” 300 nghìn/cuốn thì hầu như cuốn nào cũng dưới 100 nghìn, có cuốn chỉ vài chục nghìn mà thôi.

Chị Lê Thị Hài - Công ty TNHH truyền thông Hà Thế cho biết dù đã bán được vài chục cuốn thơ nhưng số lượng này vẫn ít hơn so với ngày hội đọc sách vì dường như đến Ngày thơ, nhiều người có tâm lý thích nghe thơ và được tặng thơ hơn là mua. Có những người quan tâm hỏi han giá cả, cũng có những người chỉ tìm tác giả lớn như Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, Mai Văn Phấn, Đồng Đức Bốn… Cuốn “Thơ trẻ 360 độ” của nhóm 8 tác giả và “Bầu trời không mái che” của Mai Văn Phấn có vẻ bán được hơn cả. Nhà thơ trẻ Trịnh Sơn và nhà thơ, nhà văn trẻ Thiên Sơn đều cho rằng thơ bán được… vừa vừa.

Nhà thơ Thiên Sơn cho rằng, dẫu không bán được nhiều lắm nhưng thơ vẫn có nhiều cách để truyền tải đến người đọc, để giao lưu, trao đổi. Thơ của nhiều tác giả gần đây khó đọc, khó có sự biểu đạt phù hợp với cách tiếp nhận truyền thống, quen thuộc. Nhưng dẫu vậy, chúng càng thách thức ta phải tìm cách hiểu. Cũng như phải tiếp nhận thơ nước ngoài một cách đa dạng và quá trình đó sẽ làm chúng ta nhạy bén hơn.