"Vực gió"- gai góc nhưng không "giật gân"

ANTĐ - Độc giả biết đến nhà văn Phong Điệp với nhiều đầu sách, từ tiểu thuyết, tản văn, thơ đến sách thiếu nhi… nhưng cũng không khỏi ngỡ ngàng khi thấy tên chị trên một tiểu thuyết hình sự do NXB Công an nhân dân ấn hành mang tên “Vực Gió”. 
"Vực gió"-  gai góc nhưng không "giật gân" ảnh 1

Tưởng tượng nhưng đủ gây ám ảnh

Tiểu thuyết lấy bối cảnh vùng rừng núi âm u, hiểm trở, nơi chứng kiến những tai nạn oan khuất mang tên “Vực Gió”. Tại đây, Kiều Lam, một cô gái 17 tuổi bị đặt trong tình huống được thông báo mẹ cô gặp tai nạn ô tô, rơi xuống vực. Không tin vào định mệnh nghiệt ngã, cô gái trẻ quyết tâm đi tìm chân tướng sự việc. Khi mọi việc đang rối ren, cô lại bị giáng một đòn mạnh khi người cha quyết định buông xuôi, đi tìm hạnh phúc bên người đàn bà khác.

Một mình trong “cơn bão”, cô gái trẻ bỏ tất cả để quay về Vực Gió, nơi mẹ cô gặp tai nạn, quyết tìm ra những chứng cứ cho những khúc mắc trong vụ án. Từ đây, sự thật dần dần hé lộ, tội ác bị phanh phui… 

"Vực gió"-  gai góc nhưng không "giật gân" ảnh 2

Có thể thấy, trong “Vực Gió”, Phong Điệp chọn lối hành văn đơn giản, với những câu văn ngắn, mạch lạc, dễ hiểu. Bố cục câu chuyện chặt chẽ, hợp lý, các tình tiết gợi mở đủ liều lượng để lôi cuốn người đọc bám sát các tình tiết của vụ án. Các địa danh Vực Gió, Ba Nhà, Trấn Thủ… dù không có thực nhưng gây ám ảnh cho người đọc, khiến nhiều người liên tưởng đến không khí của một số tỉnh miền núi phía Bắc. 

Viết tiểu thuyết hình sự, một đề tài tương đối “nóng” nhưng tác giả không “lên gân”, không theo đuổi các chi tiết rùng rợn, không cố đào sâu tội ác, mà tập trung miêu tả diễn biến tâm lý của nhân vật. Ở đây, nhân vật lại là một người trẻ đối mặt với sự mất mát không gì có thể bù đắp, cô phải tự tìm cách vượt lên trên nỗi đau bằng bản lĩnh và nghị lực của mình. Nhà văn Phong Điệp chia sẻ, “các tình tiết của một vụ án, độc giả có thể đọc được rất nhiều trên các bài báo. Ở đây, tôi muốn khai thác một góc riêng, đó là tâm lý nhân vật. Tôi muốn nhân vật của mình hiện lên thật nhất, sống động nhất”.

Văn chương đẩy lùi cái ác 

Có trong tay gia tài là 20 tác phẩm văn học đủ thể loại, nhưng với “Vực Gió”,  lần đầu tiên  Phong Điệp thử sức ở thể loại trinh thám, hình sự. Ai cũng biết Phong Điệp vừa là nhà văn vừa là nhà báo, được đánh giá là một cây bút đa năng, nhưng nghe đến việc Phong Điệp viết truyện trinh thám, không ít người hoài nghi. Theo đuổi một đề tài hình sự, nhưng Phong Điệp không có cái gọi là “đề cương”. Chị chia sẻ: “Mỗi ngày đóng máy tính lại, tôi tiếp tục tư duy xem ngày mai câu chuyện của tôi sẽ phát triển như thế nào.

Nhân vật của tôi có quyết tâm theo đuổi tội phạm đến cùng không hay chấp nhận buông tay theo số phận?”. Sau 4 tháng viết như “lên đồng”, diện mạo cuốn tiểu thuyết đã hình thành. Có lẽ, việc trước đây từng theo đuổi ngành luật, tìm hiểu về tâm lý tội phạm, cũng như tính chất công việc của một nhà báo phải xông pha nhiều nơi, nên Phong Điệp tự tin mình có đủ vốn sống để theo đuổi mảng đề tài gai góc này. Chị nói: “Khi đọc các tin tức trên mạng, trên báo chí, tôi thực sự đau lòng khi thấy tình hình tội phạm diễn ra ngày càng tinh vi, tàn độc hơn.

Một đồng nghiệp của tôi còn chua chát: Tội phạm bây giờ không “giết lẻ” mà “giết sỉ” - nghĩa là mỗi lần ra tay thì đồng nghĩa với vài ba mạng người sẽ phải ra đi. Dù muốn hay không thì tội ác vẫn ngày ngày len lỏi vào mọi ngóc ngách, đe dọa sự bình yên trong cuộc sống của mọi người. Vấn đề là chúng ta phải đối diện với tội ác ra sao? Tôi nghĩ văn chương cần can dự vào điều này”. 

Có một điều đáng chú ý là trong số 4 tác phẩm đạt giải cao ở cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” và được chọn xuất bản trong dịp này, chỉ có mình Phong Điệp là nữ. Tuy nhiên, cũng không phải vì vậy mà chị thấy mình yếu thế hơn các đồng nghiệp nam, bởi theo chị thì văn chương không phân biệt giới tính, chỉ có tác phẩm hay hoặc không hay. Khép lại “Vực Gió”, Phong Điệp cho biết, chị đã có trong đầu ý tưởng cho tác phẩm mới. Chị tâm sự, “nếu không viết, tôi thấy mình nhạt lắm, vô nghĩa lắm…”.