Vũ Ngọc Đãng: Những cảnh quay ân ái của tôi rất... chân thật

ANTĐ - Sáng 11-10, bộ phim “Hotboy nổi loạn, câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt” của Vũ Ngọc Đãng có suất chiếu đầu tiên cho... 20 khán giả là đạo diễn, biên kịch và một số nhà báo.

Phim ra mắt công chúng từ ngày 14-10. Vũ Ngọc Đãng chia sẻ với CSTC, anh muốn làm một phim vừa nghệ thuật vừa thương mại. Có thể gọi đây là phim về đồng tính và đĩ điếm cũng được. Anh chấp nhận cả chuyện có thể bị sỉ nhục và thoá mạ. Nhưng anh tin khán giả sẽ thấy hấp dẫn và đồng cảm khi cảm nhận được sự ấm áp của bộ phim...

- Anh có hài lòng với bộ phim của mình không?

- Hài lòng. Bởi nhiều lý do. Lúc bắt đầu làm tôi rất lo lắng, vì đây là giai đoạn mới của tôi. Đây không phải là bộ phim đầu tay, nhưng có thể nói là bộ phim quan trọng nhất trong sự nghiệp điện ảnh của tôi. Ở Việt Nam, các đạo diễn thường rơi vào tình trạng nổi lên ở một hai phim đầu tay, sau đó đuối sức, mờ nhạt và chìm dần. Bởi vì trong những phim đầu họ luôn có nhiều điều mới mẻ. Tôi cũng đang trong tình trạng lao xuống dốc, bởi bì lúc đầu tôi được yêu thích vì phim có những điều mới lạ, nhưng càng ngày khán giả càng... ngán. Nếu phim này tôi làm dở, làm cho họ thất vọng thì chắc tôi phải ngồi uống trà dài dài, không ai dám mời tôi làm phim nữa.

Vũ Ngọc Đãng: Những cảnh quay ân ái của tôi rất... chân thật ảnh 1

- Anh có nghĩ, bộ phim này là để thay đổi?

- Là vừa trở lại chính tôi ở giai đoạn đầu và giai đoạn sau, để bước vào giai đoạn thứ ba. Nếu để ý, bạn sẽ thấy giai đoạn đầu tôi làm phim hơi art (nghệ thuật - PV) quá, giai đoạn sau thì lại giải trí thương mại quá. Thế nên bây giờ tôi muốn trộn lẫn hai giai đoạn lại, để kết hợp làm một bộ phim vừa có tính nghệ thuật vừa có tính giải trí ở trong đó. Tôi nghĩ, phim Việt Nam đang bị rơi vào trạng thái là, phim giải trí thì tính nghệ thuật lại không có, còn phim nghệ thuật thì cũng có, nhưng hiện thực lại xa vời. Thế nên tôi muốn nói đến một hiện thực của xã hội, có thể là nó cũng nhỏ thôi, nhưng bộ phim không chỉ nói đến hiện thực mà còn có tính cảnh báo. Tôi nghĩ phim ảnh của chúng ta lâu nay đã bỏ quên chức năng dự báo này.

- Anh có nghĩ mình quá tham vọng?

- Tất nhiên là phải tham vọng, vì nó sẽ giúp mình có hứng thú làm nghề hơn. Bởi vì những bộ phim giải trí của tôi đã hoàn toàn thành công về doanh thu rồi. Còn phim nghệ thuật không thôi, tôi nghĩ nó sẽ khó đến với khán giả hiện tại. Tôi muốn làm sao đó, kết hợp được hai thứ này trong một bộ phim. Tôi không muốn cầm tiền của nhà sản xuất để làm ra những bộ phim thua lỗ. Một bộ phim có lời sẽ đẻ ra những bộ phim tiếp theo. Phim này, tôi nghĩ, ưu điểm lớn nhất của nó chính là sự chân thật.

- Tôi nghĩ anh rất tự tin với những gì mình muốn thể hiện. Anh nói, bộ phim này ưu điểm lớn nhất là sự chân thật. Vậy câu nói của nhân vật Lam: “Đa số những người làm đĩ thì sẽ làm đĩ cả thể xác và tâm hồn”, cũng là những suy nghĩ thật của anh về những người thuộc lớp đáy cùng này?

- Tôi nói, có rất nhiều người làm đĩ cả thế xác lẫn tâm hồn. Thực ra, khi họ đã chọn con đường đó thì họ đã làm đĩ cả tâm hồn rồi. Còn những gì họ kể, họ nói chủ yếu là bao biện thôi. Chứ người bình thường thì cũng khó lòng mà chọn nghề đó lắm.

- Đến cuối phim anh đã cho họ, những kẻ mà anh nói là làm đĩ cả thể xác lẫn tâm hồn đó, đi tìm một con đường khác?

- Tôi nói thành thật, ai giận cũng xin chịu. Nếu những ai đã và đang làm đĩ, hoặc có ý định trở thành đĩ mà xem bộ phim này xong, rồi họ bỏ nghề thì tôi nghĩ đó là điều hạnh phúc. Nếu ai nghĩ làm đĩ không vất vả, đau khổ và dễ kiếm tiền thì nên suy nghĩ lại. Nó đầy rẫy mặt trái và cạm bẫy. Bạn sẽ phải trả giá!

- Tôi thì nghĩ, thông điệp lớn nhất mà anh muốn gửi tới qua bộ phim này chính là sự cô đơn đến tận cùng của những số phận bần cùng, làm nghề dưới đáy xã hội...

- Vâng, đó là chủ đề chính. Sẽ có nhiều người thắc mắc, câu chuyện về hai anh chàng đồng tính và chuyện cô gái điếm với anh Cười có liên quan gì đến nhau? Thì nỗi cô đơn của tất cả các nhân vật trong thành phố này liên kết nhau lại, tạo thành bộ phim của tôi.

- Với tư cách là khán giả, anh thấy thông điệp của mình đã đủ mạnh?

- Tôi nghĩ là đủ, tôi nói một cách nhẹ nhàng, từ tốn, không lên gân, không bức xúc!

- Lỡ khán giả không chấp nhận?

- Tất nhiên. Khán giả nhiều tầng lớp, nhiều trạng thái cảm xúc. Có người coi đây là bộ phim đồng tính và đĩ điếm. Có người coi đây là bộ phim về thân phận con người, thân phận tình yêu. Và tôi muốn họ nhìn theo hướng thứ hai, về sự ấm áp mà bộ phim mang lại.

- Còn đồng nghiệp, họ cũng có thể sẽ chê những gì anh vừa làm ra?

- Tôi không ngại. Tôi biết chắc chắn điều đó sẽ xảy ra. Mình nghĩ gì và làm được gì mới quan trọng. Còn những gì người khác nói thì không quá quan trọng. Để thuyết phục được tất cả khán giả nghĩ như mình quả là khó khăn và nó cũng thật nhạt nhẽo biết bao. Tôi nghĩ đây sẽ là một bộ phim gây tranh luận, có thể tôi sẽ bị sỉ nhục, thoá mạ. Nhưng cũng bình thường thôi...

- Anh nói vậy, chứ tôi nghĩ chẳng ai dễ dàng chấp nhận những lời chê bai đâu...

- Lúc mới làm nghề, tôi uất ức và bức xúc khi bị chê bai. Lắm lúc giận người này, hận người kia vì chê bai mình phũ phàng quá. Nhưng đến giờ mới thấy, chính những lời chê với hai bộ phim “Đẹp từng centimet” và “Ngôi nhà hạnh phúc” mới khiến tôi có được bộ phim này. Thực ra khán giả, báo chí chê là vì họ kỳ vọng nhiều quá. Và họ đang chán tôi rồi. Ngồi nghĩ lại thì thấy, ừ, thực ra có những lúc mình cũng đang chán mình, phải thay đổi thôi. Giờ mới nói, phải cảm ơn những lời chê, nó là động lực cho mình đổi thay...

- Thực ra khán giả Việt Nam vẫn chưa quen những bộ phim thế này. Anh có nghĩ mình cần chia sẻ nhiều hơn để họ dễ chấp nhận mình hơn?

- Không, điều cần nói nhất thì bộ phim đã nói. Khán giả chưa quen thì là điều may, họ sẽ thấy nhiều điều mới lạ trong bộ phim. Bởi vì khán giả quen rồi thì tôi làm ra hiệu ứng không cao, có thể họ sẽ chán. Điện ảnh ngoài cái hay cần có yếu tố lạ. Có thể họ bị sốc, họ la ó, nhưng họ sẽ phải công nhận, đây là bộ phim lạ và chưa từng xuất hiện.

- Nghe nói phim của anh quá nhiều cảnh nóng và bị kiểm duyệt, cắt rất nhiều?

- Bị duyệt 3 lần, mang qua tới Thái Lan làm hậu kỳ lần cuối rồi vẫn bị gọi điện yêu cầu cắt thêm 7 giây trong trường đoạn hai nhân vật chính ân ái. Lúc đầu tôi sốc lắm, nhưng giờ bình tĩnh lại thì thấy dù sao tôi cũng đã làm mọi thứ tốt nhất có thể. Vì câu chuyện phim dữ dội và quyết liệt, nên có thể cắt bớt một phần nào đó thì câu chuyện vẫn liền mạch và tâm lý nhân vật vẫn rất thống nhất. Những câu nói gây sốc, những cảnh sex trong phim gần như đã bị... cắt gần hết. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bảo tôi, nếu giữ được nguyên những cảnh sex trong phim sẽ giúp câu chuyện dữ dội hơn, bi kịch nhân vật được đẩy tới tận cùng hơn và có thể sẽ khiến khán giả cảm thấy chấn động. Bởi vì trước giờ, phim Việt Nam mình quay cảnh làm tình coi rất giả, rất chán. Còn những cảnh quay ân ái của tôi, dù là hai người con trai, giữa Lương Mạnh Hải và Hồ Vĩnh Khoa rất chân thật. Cảnh ân ái, nhất là cảnh giữa hai người đàn ông, nếu không chân thật, không khiến khán giả cuốn theo câu chuyện thì sẽ bị phản cảm và thấy bị dơ bẩn.

Có câu chuyện hậu trường vui, những cảnh quay đầu tiên khi Hồ Vĩnh Khoa bị lừa mất hết đồ đạc quần áo, phải trần truồng đuổi theo, Khoa quay xong buồn mất mấy ngày. Hỏi ra mới biết, cậu ấy thẹn vì... cả đoàn phim đã thấy hết cơ thể mình. Nhưng vài ngày sau, diễn cảnh ân ái, hai anh chàng phải nude cả ngày dưới ánh đèn trường quay, không còn ngần ngại gì nữa. Nói ra để thấy diễn viên cũng rất hi sinh. Và vì thế tôi rất hài lòng. Và vì hài lòng nên cũng có chút tiếc nuối. Chẳng hạn cảnh hai nhân vật gặp lại và họ lao vào nhau ái ân, sẽ là một ca khúc mang tên “Yêu nhau”, sẽ nuôi và đẩy cảm xúc của khán giả đến tận cùng. Nhưng vì đã bị cắt mất hình ảnh, nên phải đổi nhạc. Nói thật, cũng có chút tiếc nuối!

Vũ Ngọc Đãng: Những cảnh quay ân ái của tôi rất... chân thật ảnh 3
Phương Thanh và Hiếu Hiền được khen ngợi về diễn xuất trong phim.

- Xin trở lại với tính cảnh báo của bộ phim mà anh vừa nói tới. Nhân vật của anh có nói với nhau, rằng nếu cứ đi theo con đường đó thì một ngày nào đó họ sẽ trở thành một lão già biến thái, bệnh hoạn đứng đường đón khách. Thực sự anh có nghĩ, số phận những kẻ bán thân trong giới đồng tính bị đát như vậy?

- Bi đát hơn nhiều. Nếu còn đứng đường đón khách được là may mắn lắm rồi. Tôi nghĩ họ sẽ bị đánh chết, bị giết, bị HIV, bị vào tù vì đi cướp của người ta...

- Hầu như số phận các nhân vật trong phim của anh khá bi thảm, đặc biệt là các nhân vật đồng tính. Có vẻ như anh làm bộ phim về giới này, nhưng lại không đặt niềm tin vào họ lắm?

- Không phải vậy. Tôi tin người đồng tính chứ, tôi đặt niềm tin rất lớn vào nhân vật Khôi, vào lựa chọn quay về để sống đời lương thiện. Tôi có niềm tin rằng người đồng tính vẫn yêu và được yêu, vẫn có thuỷ chung. Chẳng qua đây là tôi đang làm một bộ phim về đề tài mại dâm. Nhân vật Đông có nói, mà đó là sự thật, đã là gay mà còn đi làm đĩ thì làm gì có tương lai. Tình yêu của gay có gì đâu mà ràng buộc, thích thì gắn kết, không thích thì rã đám... Nhưng tôi thì vẫn có niềm tin rằng người đồng tính vẫn có cơ may tìm kiếm hạnh phúc, nếu họ thực sự nghiêm túc và chung thuỷ, ví dụ nhà thiết kế Tomford hay cặp đôi tạo nên thương hiệu D&G lừng danh. Tôi nghĩ, tình yêu của gay hay tình yêu nam - nữ vẫn là sự bắt đầu từ trái tim tới trái tim. Nên nếu yêu nhau thực sự thì họ vẫn có thể có hạnh phúc.

- Xin hỏi anh bộ phim này được đầu tư bao nhiêu tiền?

- 5,2 tỷ. Rất thấp so với mặt bằng đầu tư hơn 10 tỷ của phim Việt Nam.

- Và anh dự đoán doanh thu sẽ là bao nhiêu?

- Tôi mong nó được... 50 tỷ. Tôi nghĩ có 2 trường hợp, có thể nó sẽ chỉ đạt 15-20 tỷ hoặc nó sẽ tạo nên hiện tượng và sẽ đạt 50-60 tỷ. Tôi dám chắc là 90% khán giả ra khỏi rạp sẽ nói bộ phim này không giống như họ hình dung. Nghĩa là nó rất khó đoán...

- Xin cảm ơn anh!

Lạc mất ở thiên đường

“Hotboy nổi loạn, câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt” kể về nỗi cô đơn đến tận cùng của 4 nhân vật chính. Khôi, chàng trai bị bố mẹ chối bỏ vì không chấp nhận con trai mình đồng tính, với nỗi khát khao tìm được tình yêu thực sự cho mình ở Sài Gòn, nơi cậu nghĩ là thiên đường, nhưng cuối cùng người cậu yêu bằng cả trái tim - Lam - vẫn không từ bỏ con đường làm điếm để tìm nghề khác mưu sinh, mưu cầu hạnh phúc. Lam, vì tình yêu với tên điếm ma cô mà dấn thân rồi trôi sâu vào con đường bán thân. Lam khắc khoải và chấp nhận số phận, dù có lúc cậu mơ ước mình có một hạnh phúc đích thực. Hạnh, cô gái điếm miền Tây sống không ngày mai và kiệt quệ vì bị áp bức bởi những tên ma cô dẫn gái. Và Cười, chàng câm sống trong một chiếc thuyền nơi mé sông, không ai bầu bạn, cậu tự ấp rồi nuôi nấng một con vịt mong có kẻ bạn bầy. Cười là nhân vật gây xúc động nhất trong phim với tình cảm tha thiết và sự khao khát yêu thương. Bi kịch của Cười và hạnh phúc của Cười không dữ dội, nhưng là nỗi ám ảnh đến tận cùng về sự trôi nổi, mong manh của phận người và nỗi cô đơn không dễ gì bù lấp...