Vĩnh biệt nhà điêu khắc Lê Công Thành

ANTD.VN - Điêu khắc gia Lê Công Thành, người được mệnh danh là "vị thần cai quản của phái đẹp" với đồ sộ các tác phẩm về người phụ nữ Việt Nam, đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 13h ngày 28-3 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, hưởng thọ 87 tuổi. 

Họa sỹ Bằng Lâm, một người em và một người đồng nghiệp của nhà điêu khắc Lê Công Thành cho biết, sau thời gian lâm bệnh và điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô nhưng do tuổi cao, sức yếu, ông đã không qua khỏi. 

Nhà điêu khắc Lê Công Thành sinh năm 1932 tại Hải Châu, Quảng Nam. Ông tốt nghiệp khóa mỹ thuật kháng chiến Tô Ngọc Vân (1955-1957). 

Lê Công Thành có một sự nghiệp điêu khắc đồ sộ và phong cách sáng tác độc lập. Xét về thời gian, sáng tác của ông có thể chia làm hai giai đoạn: Trước và sau 1985. Trước năm 1985, mặc dù vẫn sáng tác dưới những đề tài chính của nền nghệ thuật Hiện thực XHCN như công-nông-binh hay hình tượng Hồ Chí Minh.

Nhà điêu khắc Lê Công Thành

Sau năm 1985, nhà điêu khắc Lê Công Thành chỉ tập trung chủ yếu vào mô tả vẻ đẹp phồn thực của người phụ nữ cho ra đời hàng loạt tác phẩm tượng tròn có kích thước nhỏ với ngôn ngữ sáng tác khái quát triệt để và có tính ước lệ cao. Ông cũng quan tâm nhiều hơn tới điêu khắc trong không gian và thử nghiệm với điêu khắc tấm mỏng với kết cấu kim loại hoặc bìa carton và dây căng.

Ông từng nói: “Làm nghệ thuật, tôi rất xúc động trước vẻ đẹp của phái đẹp. Tôi cần vẻ đẹp mà trong tôi không có. Đó là một nửa của tôi”. Có lẽ thế, nên trong sự nghiệp sáng tác, ông trung thành với mảng đề tài về phái yếu.

Ông là tác giả của một số tượng đài nổi tiếng như: tượng Mẹ Âu Cơ (hay Người đàn bà và bọc trứng) tại Công viên Biển Đông (đường Phạm Văn Đồng, Đà Nẵng), tượng đài tại Núi Thành, Quảng Nam, tượng Vân Dại, tượng bà má nghiền trầu, tượng Núi Thành...

Nhà điêu khắc Lê Công Thành và vợ-họa sỹ Kim Thái

Ông từng tham gia một số triển lãm tại Hong Kong (1991), Pháp (1997 và 2004), Hàn Quốc (2007), triển lãm với nhà điêu khắc Nguyễn Kim Thái (vợ của ông) năm 2008 và hai triển lãm tranh cá nhân 2017, 2018 tại Hà Nội.

Không chỉ vậy, Lê Công Thành còn là người thầy của nhiều thế hệ nhà điêu khắc Việt Nam. Trước sự ra đi của ông, đồng loạt các học trò và họa sỹ nổi tiếng Việt đã bày tỏ sự thương tiếc. 

 Nhà điêu khắc Khồng Đỗ Tuyền cũng viết những lời thương tiếc với bậc thầy tài năng: "Vĩnh biệt nhà điêu khắc Lê Công Thành - người đã dành trọn cuộc đời cho Nghệ thuật. Ông và những tác phẩm sẽ còn hiện hữu là nền tảng cho một hành trình điêu khắc Việt Nam". 

 Còn nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên (Nguyên "trâu") lại chia sẻ trên facebook cá  nhân: "Không còn được gặp thầy - nhà điêu khắc đáng kính Lê Công Thành nữa rồi! Thầy đã ra đi về khu vườn cực lạc để làm điêu khắc ". 

Giám đốc nghệ thuật Heritage Space, Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ "Một ngày buồn. Vĩnh biệt nhà điêu khắc Lê Công Thành!"

Tác phẩm tại triển lãm cá nhân cuối cùng của Lê Công Thành "3.3.3" năm 2018

Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, Lê Công Thành đã từng vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt I-năm 2001, Giải A Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1976, Giải thưởng Mỹ thuật khu vực I-Hà Nội (Giải A 1996, Giải C 1998)... 

Lễ viếng nhà điêu khắc Lê Công Thành sẽ được cử hành vào 13h ngày 30-3 tại Nhà tang lễ Quốc gia (5 Lê Thánh Tông, Hà Nội).

Lễ truy điệu và đưa tang được tổ chức vào 14h45 cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội.