Việt phủ Thành Chương là “ngôi nhà chung”

(ANTĐ) - Họa sĩ Thành Chương đã từng tâm sự với tôi rằng, nếu ai - chứng kiến ông một mình lủi thủi trên quả đồi trọc mịt mùng hoang vu, đối diện với ngọn đèn, với một đống gỗ đổ xuống, căng cái bạt lên, kê mấy thanh gỗ và nằm ngủ trên đó. Nhiều năm trời lọ mọ trên quả đồi mênh mông, khô khốc, vô hồn đến nỗi một ngọn cỏ cũng không mọc nổi thì khó mà tưởng tượng nổi ra một Việt phủ của Thành Chương như bây giờ.

Việt phủ Thành Chương là “ngôi nhà chung”

(ANTĐ) - Họa sĩ Thành Chương đã từng tâm sự với tôi rằng, nếu ai - chứng kiến ông một mình lủi thủi trên quả đồi trọc mịt mùng hoang vu, đối diện với ngọn đèn, với một đống gỗ đổ xuống, căng cái bạt lên, kê mấy thanh gỗ và nằm ngủ trên đó. Nhiều năm trời lọ mọ trên quả đồi mênh mông, khô khốc, vô hồn đến nỗi một ngọn cỏ cũng không mọc nổi thì khó mà tưởng tượng nổi ra một Việt phủ của Thành Chương như bây giờ.

Một góc Việt phủ
Một góc Việt phủ

Thậm chí ngay đến chính ông nhiều lúc ngồi bần thần trong cái không gian Việt trùng trùng điệp điệp, nhà cửa, cây cối trên một quả đồi mà trước đây không có một ngọn cỏ ấy ông cũng không thể hiểu được tại sao mình lại có thể làm được như thế. Ngay đến chính ông, ông cũng không lý giải được. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thì bảo rằng, Thành Chương làm được cái này không phải là cái tài của ông mà là “thiên duyên”, rồi có người lại bảo: “Thần Phật giao phó việc đó cho ông”, rằng như ông đang nhận sứ mệnh của một đấng nào đó để ông biến vùng đất hoang vu đồi trọc trở thành linh thiêng.

Cũng nhiều người bạn của ông lo lắng không biết Thành Chương cứ mãi độc hành kéo một cỗ xe quá nặng lên dốc thì có lên nổi không, rằng ý tưởng của ông biến cái Việt phủ thành ngôi nhà chung nó mong manh quá. Nhưng rồi cái ý tưởng đó đã trở thành hiện thực. Đã lâu rồi Việt phủ Thành Chương đã trở thành “ngôi nhà chung” của tất cả mọi người, ai cũng có thể ra vào chiêm ngưỡng, cũng có thể chạm tay vào quá khứ để như thấy hồn Việt từ ngàn xưa lan tỏa trong không gian đậm chất văn hóa, nghệ thuật, đời sống và tâm linh của người Việt.

Tôi không biết có đấng tối cao nào đó thiêng liêng giao phó trách nhiệm cho Thành Chương hay không, nhưng tôi nghĩ Thành Chương có được cái Việt phủ này bằng chính thiên chức của một người nghệ sĩ. Cái thiên chức đó thôi thúc ông, dồn ép ông. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nói đúng khi ông gọi đó là “sự kỳ diệu và lớn lao không phải của một vị thần thổi phép thiêng vào quả đồi khô trọc và vô cảm trước đó mà bởi giấc mơ, ý chí, tình yêu và tài năng lớn của một con người: họa sĩ Thành Chương”...

Tất cả những gì có trong Việt phủ Thành Chương đều không phải tự nhiên mà có, đó là cả một quá trình lao động nghệ thuật, một quá trình lao tâm khổ tứ dài đằng đẵng của một người nghệ sĩ để có được một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt đồ sộ như vậy. Chưa nói đến những món đồ cổ quý giá thời Đinh, Lý, Trần, Lê, những bức tượng Phật với đủ hình thù, chưa nói đến những ngôi nhà cổ mà Thành Chương cất công “tha” từ Mường, từ Nam Định, rồi từ tận đẩu tận đâu về mà muốn mua được nó ông phải xây nguyên cho người ta một ngôi nhà khác; chưa nói đến những công trình nghệ thuật kiến trúc độc đáo mang đậm hồn Việt, những không gian nghệ thuật với quan họ Bắc Ninh, với hát ca trù, hát văn... mà chỉ nói đến những vật dụng tưởng như bình thường nhất: những nơm, những đó, những rụt, những lờ, những chum, những vại thôi đã đủ cho thấy sự kỳ công của người họa sĩ. Những vật dụng tưởng như bình thường nhất nhưng nó được sống trong đời sống của nó, được đặt đúng vị trí của nó thì lại thành tác phẩm nghệ thuật để người ta chiêm ngưỡng và  tôn vinh.

Hình như ở Việt phủ đến cái cây ngọn cỏ, hay mấy cánh bèo cái thả vu vơ cũng có sự chăm chút của người nghệ sĩ. Mà nói như vợ của họa sĩ Thành Chương và cũng là Giám đốc điều hành của công ty mang tên Việt phủ Thành Chương thì số cây còn sống được trong Việt phủ chỉ bằng một phần nhỏ số cây đã chết.

Trong không gian Việt phủ rõ ràng ta cảm nhận hơi thở văn hóa Việt, hồn cốt Việt, phảng phất bóng dáng Việt nhưng lại khó tìm thấy một cái gì thật cụ thể thật đặc trưng. Bước vào Việt phủ là một cái cổng làng như bao nhiêu chiếc cổng làng quê Việt Nam, nhưng nó vừa nhang nhác Ô Quan Chưởng, lại vừa thấp thoáng cổng Đường Lâm, lại thấy bóng dáng của cổng làng Thổ Hà. Một ngôi nhà ba gian đặc trưng của đồng bằng Bắc bộ chứa đựng bóng dáng làng quê nhưng lại nhang nhác như một điếm canh đê ngoài đồng. Thành Chương nói rằng ông không đưa tất cả vào Việt phủ mà chỉ đưa vào tinh thần văn hóa Việt. Mà đó chính là cái khó khăn nhất khi ông đi tìm mô hình thể hiện cái tinh thần ấy. Nhiều năm trời, Thành Chương đã phải suy nghĩ, trăn trở về điều đó. Cuối cùng ông đành liều và sự liều lĩnh ấy đã cho ra đời những tác phẩm mang tinh thần văn hóa Việt rất riêng biệt chỉ có Thành Chương mới có. Đó là sự liều lĩnh của một người nghệ sĩ.

- Tôi rất muốn biết cảm giác của ông khi ngồi trong ngôi nhà mà mình đã lao tâm khổ tứ để ngắm nhìn mọi thứ xung quanh. Cảm giác ấy như thế nào?

- Bao nhiêu chuyện buồn vui của tôi nó dồn lại nơi này. Đến hôm nay, tôi vẫn ngồi nhìn ngắm nó như đã từng nhìn ngắm những bức tranh, những tác phẩm nghệ thuật mà tôi có thể chết vì nó. Cũng có thể có người yêu thích tác phẩm này, có người lại coi nó là cái gì rất vớ vẩn thì tôi cũng coi đó là chuyện bình thường. Nhưng bằng kiểm chứng thực tế thì nơi đây là một mô hình độc đáo có một không hai ở Hà Nội rất có giá trị về bảo tồn tôn vinh văn hóa Việt.

- Có lúc nào ông thấy những công việc mình làm là mạo hiểm không?

- Tôi là người đã yêu thì chết cũng yêu mà đã chán thì chết cũng bỏ. Rất rõ ràng, rất quyết liệt. Hơn nữa đây là tình yêu lớn nhất trong cuộc đời tôi. Đó chính là tình yêu đối với văn hóa nghệ thuật truyền thống của cha ông. Tôi có khát vọng là tạo dựng ra không gian văn hóa Việt để giữ lấy nó. Tình yêu đó, khát vọng đó không có gì ngăn cản được tôi cả. Nếu có chết tôi vẫn cứ làm.

- Ông sẽ kể cho những người đến đây câu chuyện gì về văn hóa Việt?

- Điều muốn nói thì rất nhiều nhưng có một điều mà tôi muốn gửi gắm cho chính con cháu mình, ruột thịt của mình, lẫn những người Việt Nam cũng như thế hệ sau này của người Việt Nam rằng đất nước của chúng ta có một nền văn hóa đáng tự hào, có một di sản đáng tự hào nếu chúng ta không biết giữ gìn tôn vinh và phát triển nó thì chúng ta là người có lỗi, thậm chí là người có tội với cha ông.

- Từ năm 2001, ông bắt đầu xây dựng “Việt phủ”, lúc ấy ông có nghĩ rằng “Nhà của Thành Chương” sẽ thành “ngôi nhà chung” của tất cả mọi người, ai cũng có thể đến chơi?

- Thực ra không phải bây giờ mọi người mới đến Việt phủ. Từ khi bắt đầu đặt viên gạch đầu tiên nhiều người đã tò mò đến xem. Từ đó đến nay cũng đã gần chục năm rồi. Việt phủ vẫn rộng cửa cho tất cả mọi người. Việt phủ trở thành “ngôi nhà chung” thì tôi xác định ngay từ đầu và rất mong muốn để tất cả mọi người cùng được hưởng thụ di sản văn hóa của cha ông để lại. Giá trị kinh tế thì nó là của gia đình, nhưng giá trị về văn hóa của Việt phủ đã thuộc về xã hội từ lâu rồi.

- Tôi muốn hỏi đến cơ duyên nào để Việt phủ hòa cùng các tour du lịch của thành phố?

- Cái tên của tôi, và cái tên của Việt phủ đã nổi tiếng quá rồi. Trong nước cũng như ngoài nước đều biết tới. Họ đến đây rất nhiều và đánh giá rất cao giá trị đích thực của không gian văn hóa Việt. Giá trị của Việt phủ được nhiều người biết đến, được thành phố biết đến. Gần đây tôi có thấy ông Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội trả lời trên các phương tiện thông tin đại chúng giữa việc Hà Nội cần ưu tiên phát triển kinh tế hay là văn hóa thì ông ấy trả lời rất hay rằng Hà Nội cần phát triển văn hóa - văn hóa là nền tảng của xã hội. Mà một trong những mô hình phát triển văn hóa có hiệu quả là mô hình xã hội hóa.

Việt phủ cũng là một công trình văn hóa được xã hội hóa. Việt phủ được thành phố chính thức coi là một điểm văn hóa du lịch thì Việt phủ sẽ có kinh phí để tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển, còn thành phố sẽ có một điểm văn hóa tốt để giới thiệu tới công chúng và bạn bè quốc tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam. Chính vì tinh thần đó, Sở VH-TT&DL thành phố sau nhiều ngày khảo sát và làm việc đã quyết định lựa chọn Việt phủ là một điểm du lịch mới của thành phố.

- Theo ông, Việt phủ liệu có níu chân được du khách?

- Tôi có đồ vật quý giá tôi mang ra cho mọi người xem, còn việc triển khai nó như thế nào còn nhiều vấn đề. Gần 50 công ty du lịch của Hà Nội đến với Việt phủ hôm nay cũng là một hoạt động mở đầu cho Việt phủ đi vào chính quy, bài bản một cách chuyên nghiệp hơn. Bây giờ nó đã bước chân hòa vào các tour du lịch của thành phố, nó đã là một điểm văn hóa mới của thành phố.  Hy vọng sau này Hà Nội sẽ có nhiều điểm như thế nữa để  mọi người cùng chung tay làm một việc mà bấy lâu nay chúng ta vẫn trăn trở là: bảo tồn, tôn vinh và phát triển văn hóa Việt.

- Và ông coi đó trách nhiệm của một người nghệ sĩ với thành phố của mình?

- Có người nói đùa tôi rằng tôi là công dân số 1 trong việc giữ gìn di sản văn hóa. Nói thì đao to búa lớn vậy thôi, nhưng đó là ý thức rõ ràng trong suy nghĩ của tôi bởi di sản của ông cha rất lớn, cái còn lại không được bao nhiêu. Bây giờ vẫn là chưa muộn khi mỗi con người chúng ta có ý thức giữ gìn những gì còn lại của cha ông.

- Nếu có ai hỏi mua cái Việt phủ này ông có bán không?

- Mọi người nghĩ rằng đây là câu chuyện không thể mua bán. Nhưng tôi nghĩ khác, vấn đề là ở chỗ: giá là bao nhiêu? Nếu nó là một cái giá lớn, nhiều triệu đô là thì tại sao tôi không bán để tôi làm thêm cái Việt phủ to gấp 10, gấp 100 lần như thế này nữa. Tôi vẫn còn muốn làm nhiều thứ lắm.

- Cảm ơn ông!

Đinh Hương Bình

Thực hiện