Nhà thơ - nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm:
Viết như… “thờ” từng chữ!
(ANTĐ) - “13 tuổi, bài thơ đầu tiên của tôi được chọn viết lên mẹt, treo ở chỗ đông người, cổ động phong trào gửi tiền tiết kiệm. Bài thơ đầu tiên đăng báo khi tôi 15, 16 tuổi. Nhưng tôi mê điện ảnh trước cả khi tôi biết làm thơ. Mấy anh em bé xíu đã tổ chức “chiếu bóng đèn dầu” cho bọn trẻ con hàng xóm; nhặt cuống vé số, vé tàu điện người ta bỏ, vẽ thật nhiều hình chuyển tiếp nhau để khi quay sẽ thành hình động như cách làm hoạt hình ngày trước. Ảnh chạy mình phải tự thuyết minh cho hình của mình. Say diễn đến nỗi thành có duyên, buổi chiếu nào bọn tôi cũng “cháy vé” - nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm hóm hỉnh kể…
Nhà thơ - nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm |
Bịa mấy cho được bằng đời….
Yêu thơ nhưng lại trót... “mê” luôn cả điện ảnh nên chẳng có gì lạ nếu ai đó nghe Hoàng Nhuận Cầm nói thi ca và điện ảnh làm nên lẽ sống của ông. Với ông, sâu xa của điện ảnh là một bài thơ viết bằng nghệ thuật ánh sáng song phương thức biểu hiện khác nên cách đi cũng khác. Làm thơ hình như với Hoàng Nhuận Cầm chẳng có gì khó bởi bất cứ lúc nào cảm xúc chợt đến, chợt bùng ra thì chỉ sau 3 đến 5 phút là ông có ngay một bài thơ. Còn với kịch bản điện ảnh thì có vẻ công phu, tỉ mẩn và tốn tâm sức hơn bởi ông quan niệm phải “mài từng đòn một” và viết như… “thờ” từng chữ. Đọc kịch bản của ông mới thấy ông chăm chút cho các nhân vật của mình kỹ lưỡng đến nhường nào, thậm chí “yêu” say mê cả nhân vật phản diện mà ông ghét nhất. Ông tự nhận mình khắt khe vô cùng với bản thân và nghiêm cẩn vô cùng với nghề là thế!
Cầm bút viết kịch bản, Hoàng Nhuận Cầm luôn tâm niệm những thước phim đi ra từ kịch bản của mình phải chạm được vào “dây thần kinh” của xã hội, phải làm rúng động lòng người thì ông mới hả. Chả vậy mà 10 tập phim truyền hình “Phá vỡ im lặng” của Hãng phim Điệp Vân do ông làm biên kịch đã gây sửng sốt người xem ngay khi vừa lên sóng. Có lẽ sức hút của nó không chỉ bởi đề cập đến vấn đề chống bạo hành gia đình mà còn ở cách thể hiện rất đời và cũng rất đau. Ở đó nỗi đau của từng nhân vật âm ỉ toát lên từ sự cắn răng chịu đựng và cả cách họ chọn giấu nhẹm đi cái hoàn cảnh trớ trêu của mình. Ít ai biết rằng để hoàn thành kịch bản ấy, Hoàng Nhuận Cầm đã cất công gặp gỡ tiếp xúc với hàng trăm cảnh đời bất hạnh để chắp lại thành những nhân vật điển hình nhất bởi với ông không bao giờ có kịch bản trên giấy, kịch bản trong tưởng tượng vì… “bịa mấy cho được bằng đời!”.
Hồi ức chiến tranh đượm “mùi cỏ cháy”…
Với người lính Hoàng Nhuận Cầm năm nào, hồi ức về một thời bom rơi đạn lạc đượm mùi cỏ cháy. Ngọn cỏ trong tâm thức của ông ngập tràn một màu xanh của hy vọng, của sức sống vô biên, dẫu có bị thiêu rụi bởi đạn bom rồi vẫn lại cứ trồi lên xanh tươi bát ngát. Ngày ấy, may mắn sống sót, Hoàng Nhuận Cầm quyết định cầm bút viết với mong ước một ngày nào đó khi đất nước hòa bình và mình có dịp trở về, ông sẽ kể để mọi người cùng nghe những câu chuyện tai nghe mắt thấy giữa thời chiến tranh khốc liệt. Đó là những câu chuyện kể về tinh thần chiến đấu, về tình yêu, về ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết… Ông bùi ngùi nhớ lại những ngày tháng miệt mài viết, say mê diễn cùng đồng đội giữa chiến trận ác liệt để tiếng hát át đi tiếng bom.
Cũng bởi chất chứa trong lòng những dòng hồi ức đầy “lửa” về chiến tranh nên khi đọc cuốn hồi ký của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc, ông đã muốn bắt tay vào làm ngay bộ phim “Mùi cỏ cháy”. Hoàng Nhuận Cầm tâm sự ông muốn bộ phim giống như lời tri ân các thế hệ đã hy sinh xương máu để bảo vệ hòa bình cho đất nước. Khi đọc cuốn hồi ký ấy, người nghệ sỹ như bắt gặp lại một phần ký ức trong mình: “Tim tôi chực vỡ tung, tựa hồn tôi nghẹn ứ, không thở nổi. Có cái gì đó từ đáy lòng xộc lên cay cay, tôi không chịu được. Dù chỉ là nhớ lại, tôi cũng không chịu được…”.
Những tháng ngày đầu tiên bắt tay vào viết kịch bản “Mùi cỏ cháy” với ông là quãng thời gian đầy thử thách bởi “là lửa đấy nhưng làm sao đây để truyền được lửa cho người xem, tiếp được lửa cho người trẻ hiểu được thế hệ chúng tôi - thế hệ đặc biệt quen mùi cỏ cháy?”. Và rồi sau gần 500 cuộc nói chuyện “tiếp lửa” cho tủ sách “Mãi mãi tuổi 20” và nhất là qua 2 cuốn nhật ký của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc và liệt sỹ Đặng Thùy Trâm, ông chợt giật mình nhận ra: “không biết là ai đang tiếp lửa cho ai nữa, những gương mặt trẻ ngồi dưới kia, cách tôi 30 năm mà thân thuộc vô cùng. Tôi như gặp lại lứa tuổi mình trong những khuôn mặt măng tơ ấy, những đôi mắt tràn lửa ấy. Các bạn tung hô tôi - nhưng không phải tung hô Hoàng Nhuận Cầm đâu mà là tung hô cả thế hệ chúng tôi đấy. Tôi mới là người được tiếp lửa ...”.
Và thay vì chuyển thể nhật ký của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc, ông quyết định dựng lại cả một thế hệ “mùi cỏ cháy” với những anh Thạc, chị Trâm, Vũ Xuân ... Đó là những con người tài hoa ra trận, những người con sống để yêu thương và dâng hiến. Chuyện phim là câu chuyện kể về 4 anh lính Hoàng - Thành - Thăng - Long - 1 thế hệ học sinh, sinh viên từ Hà Nội lên đường cứu nước. Đó là nén hương mà Hoàng Nhuận Cầm muốn tri ân những người đã khuất, là món quà ông gửi tặng những người đồng đội của mình. Và hơn cả, ông bảo trong đó còn là cả tình yêu, là máu lửa mà thế hệ những người lính già gửi gắm lại cho giới trẻ, giống như câu nói của liệt sỹ Vũ Xuân trong cuốn nhật ký của anh: “Xin đừng làm hoen ố máu của những người đi trước!”.
Thuỳ Trang