- Sầm Sơn - Thanh Hoá đã sẵn sàng cho mùa du lịch hè 2018
- Hàng không – du lịch "bắt tay", lợi ích đôi đường
- Tiềm năng sinh lời từ shophouse Nam Phú Quốc
Khách sạn Four Seasons The Nam Hai tại Hội An thu hút du khách bởi không gian xanh
Theo Tạp chí Travel and Leisure, khách sạn Four Seasons The Nam Hai tại Hội An xếp thứ 89 trong top 100 khách sạn tốt nhất thế giới. Đây là khu nghỉ dưỡng ven bãi biển Hà My có khoảng 100 biệt thự, trong đó 40 biệt thự sở hữu bể bơi riêng, với lối thiết kế khéo léo kết hợp giữa hiện đại và kiến trúc Á Đông. Địa chỉ lưu trú này cách sân bay Quốc tế Đà Nẵng khoảng 30 phút và cách phố cổ Hội An 15 phút đi xe.
Hấp dẫn du khách bởi “màu xanh”
Chia sẻ với PV Báo An ninh Thủ đô, ông Nguyễn Mạnh Thức, Giám đốc Công ty Du lịch Đôi mắt Á Châu cho biết, công ty ông đã đặt phòng cho nhiều du khách tại khách sạn Four Seasons The Nam Hai (Hội An) và điều khiến du khách hài lòng đó là khách sạn này có không gian thoáng đãng với màu xanh của cây cối, phong cách phục vụ chuyên nghiệp.
Còn theo TS Vũ An Dân, Trưởng khoa Du lịch Viện Đại học Mở Hà Nội thì rõ ràng, bây giờ du khách có xu hướng thích bầu không khí trong lành, trải nghiệm gần gũi, thân thiện với môi trường tự nhiên. Vì thế, việc giữ cảnh quan sạch sẽ, trồng thêm nhiều loại hoa, cây cối là điều mà các cơ sở lưu trú cần làm theo bởi đó là nhu cầu thị trường.
Mặc dù trong kinh doanh, ngoài yếu tố về môi trường, những người chủ khách sạn còn chú trọng về yếu tố lợi nhuận. Nhưng việc tạo không gian xanh ở cơ sở lưu trú đã hài hòa cả hai yếu tố trên: nhiều cây xanh vừa tốt cho môi trường đồng thời đáp ứng được mong muốn của khách du lịch.
Cũng theo TS Vũ An Dân, cá nhân ông đã có nhiều trải nghiệm ở các khách sạn tại Việt Nam và nhận thấy một bước tiến bộ rõ rệt: các khách sạn đã chú trọng vào những dịch vụ bổ sung bao quanh, ngoài ăn với nghỉ, chủ khách sạn còn lưu ý đến các yếu tố như chăm sóc sức khỏe như spa, tắm bùn khoáng..., thông tin liên lạc, các hoạt động bên ngoài khác... “Các khách sạn đang cố gắng làm tốt hơn, sử dụng các dịch vụ bổ trợ để tăng tính cạnh tranh của mình” – TS Vũ An Dân nhấn mạnh.
Sự thân thiện, mến khách của người dân Việt Nam chiếm được cảm tình của du khách quốc tế
Lấy sự hài lòng của du khách là trên hết
Thêm vào đó, nếu nhìn về mặt bằng chung khi so sánh giữa chất lượng dịch vụ du lịch tại Việt Nam với chất lượng dịch vụ du lịch tại các quốc gia trên thế giới, những người đã có nhiều trải nghiệm cho rằng chất lượng dịch vụ tại Việt Nam khá tốt, các nhân viên làm trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam thân thiện và nhiệt tình so với các nước ở châu Âu khác.
Ông Thành Tiến Định - Giám đốc Công ty du lịch Ngọc châu Á nêu ví dụ, các nhà nghỉ, khách sạn trong khu vực phố cổ Hà Nội ngày càng hoàn thiện hơn về chất lượng dịch vụ, phòng sạch sẽ, nhân viên tiếp đón khách chu đáo nhiệt tình... Mặc khác, ở thời đại công nghệ số, nếu cơ sở lưu trú phục vụ không tốt, du khách có thể phản hồi và đánh giá ngay trên các trang mạng xã hội. Vì vậy, để nâng cao uy tín của mình và thu hút khách quay trở lại, các nhà nghỉ, khách sạn đều phải “chạy đua” hoàn thiện hơn từ những khâu nhỏ nhất.
Do đó, để nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú và để Việt Nam có thêm nhiều khách sạn lọt vào top những khách sạn tốt nhất thế giới, yếu tố cần quan tâm nhiều nhất ấy là yếu tố con người.
Sự thân thiện của các nhân viên du lịch dù đã có nhưng ngành du lịch Việt Nam phải hướng đến đào tạo nhân lực để những người làm việc trong lĩnh vực du lịch chuyên nghiệp, có kiến thức, kỹ năng tốt hơn, và quan trọng nhất là lòng yêu nghề. Khi nhân viên có lòng yêu nghề, họ sẽ luôn giữ được sự thân thiện và có những nỗ lực để hoàn thiện hơn.
TS Vũ An Dân - Trưởng khoa Du lịch Viện Đại học Mở Hà Nội nêu ra một vấn đề nổi cộm, hiện nay, không phải các nhân viên làm việc trong ngành du lịch tại Việt Nam đều yêu nghề. Về bản chất, thu nhập của một người làm việc trong khách sạn không phải là cao so với nhiều ngành khác, một số người chỉ coi đây là công việc tạm thời do vất vả làm ca kíp đêm hôm.
Với các khách sạn do các tập đoàn quốc tế quản lý, họ có nhiều cách để nhân viên của họ cảm thấy tự hào. Tuy nhiên, các khách sạn 2 sao, 3 sao đang chiếm số đông tại Việt Nam và phần lớn do người Việt Nam quản lý, rất ít khách sạn trong số đó xây dựng được giá trị tầm nhìn, sứ mệnh, khiến nhân viên yêu khách sạn, yêu nghề, đó là một điểm trừ trong đà phát triển. Việc đào tạo và truyền cảm hứng cho nhân viên để vun đắp tình yêu nghề trong họ là điều tất yếu nếu muốn nhân viên luôn tích cực, hăng say với công việc, tạo niềm vui, sự hài lòng cho du khách.