Vì sao tranh của danh họa Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm ế ngay tại phiên đấu giá trong nước?

ANTD.VN - Tại phiên đấu giá “Chọn lần thứ 9”, tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái và Nguyễn Tư Nghiêm ế gần như toàn bộ. Mỗi danh họa, chỉ có duy nhất 1 tác phẩm được trả giá. Thế nhưng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc nhà đấu giá Chọn lại cho rằng, tranh của các danh họa ế là bình thường.

Vì sao tranh của danh họa Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm ế ngay tại phiên đấu giá trong nước? ảnh 1Tại phiên đấu giá của Chọn, bức “Hà Nội trong mắt Phái” đã được đấu giá thành công trong tổng số 7 bức lên sàn

Đầu tư nghệ thuật giống chơi… chứng khoán?

Danh họa Bùi Xuân Phái có 7 bức tham gia đấu giá thì có tới 6 bức không có người mua. Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm có 6 bức tham gia đấu giá thì có tới 5 cũng nằm trong trường hợp tương tự. Đây là điều trái ngược với mong muốn sở hữu tác phẩm của các họa sĩ Đông Dương, mà phần lớn các nhà sưu tập tranh đều đang săn lùng.

Nhà sưu tầm Minh “Hàng Chỉ” (Nguyễn Minh) từng nói rằng: “Nếu ai chỉ cho tôi, ở đâu bán tranh của các họa sĩ Đông Dương, tôi sẽ có mặt ngay lập tức, sẵn sàng trả giá cao nhất để có được bức tranh ấy. Giờ thì những tác phẩm ấy đã là của hiếm, của độc của mỹ thuật Việt”.

Để chứng minh cho điều này, nhà sưu tập Minh “Hàng Chỉ” đã lấy dẫn chứng từ cá nhân mình. Ông từng cất công, bỏ tiền bỏ của sang tận Singapore, đi Hồng Kông (Trung Quốc) để tham gia đấu giá, mua cho bằng được một tác phẩm của Lê Phổ. 

Theo nhà sưu tập này, đầu tư cho nghệ thuật không khác nào chơi chứng khoán, đầu cơ để sinh lời nhưng phải “chọn mặt gửi vàng”, bằng không sẽ “trắng tay”. Vậy tại sao, ngay giữa Hà Nội, tác phẩm của các họa sĩ Đông Dương như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm lại ế? Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc nhà đấu giá Chọn lý giải: “Gần như không có họa sĩ nổi tiếng nào mà không có tranh giả. Mà lòng tham của con người thì vô cùng.

Một họa sĩ Việt Nam vẽ đề tài dung dị mà đẹp như Bùi Xuân Phái thì chắc chắn sẽ có nhiều tranh giả. Với tư cách nhà đấu giá, chúng tôi đã làm hết khả năng. Chúng tôi đã công bố rất rõ tên tuổi của nhà sưu tầm. Những thẩm định chỉ có thể dựa trên nguồn gốc của tranh và kinh nghiệm. Còn để khẳng định có phải là tranh thật của Bùi Xuân Phái hay không thì chỉ cụ Bùi Xuân Phái sống lại mới khẳng định được”.

Vì sao tranh của danh họa Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm ế ngay tại phiên đấu giá trong nước? ảnh 2Bức “Nguyệt ước” của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm được đấu giá thành công với mức 83.000 USD

Rủi ro từ các phiên đấu giá

Rõ ràng, thực trạng tranh giả, tranh chép đã ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín của các danh họa. Tranh bày ra rồi lại cất vào tại phiên đấu giá Chọn vừa qua, đã cho thấy sự e dè của các nhà sưu tầm đối với các tác phẩm mỹ thuật Đông Dương. Các tay chép tranh đã tung hỏa mù, làm thật - giả, trắng - đen lẫn lộn. Mỗi phiên đấu giá nghệ thuật trong nước thường nối dài dư âm, bởi những ồn ào liên quan tới chuyện giả - thật. Việc thẩm định tranh luôn là điểm yếu nhất đối với các phiên đấu giá mang thương hiệu Việt. 

Chính bản thân nhà đấu giá Chọn cũng thừa nhận những rủi ro về tranh nhái là hoàn toàn có thật. Nhà đấu giá chỉ đóng vai trò trung gian trong mua bán tác phẩm, còn lại, phần lớn phụ thuộc vào độ tin cậy của nhà sưu tầm. Nhà sưu tầm đưa ra tác phẩm nào, nhà đấu giá chỉ biết ghi nguồn bức tranh được đấu giá. Do vậy, giả dụ như có một sự khuất tất nào đó đến từ phía nhà cung cấp, toàn bộ phiên đấu giá sẽ có điều tiếng.

Vậy là, một việc nho nhỏ trong đời sống nghệ thuật như tranh của danh họa Bùi Xuân Phái, của Nguyễn Tư Nghiêm không tìm được chủ nhân tại phiên đấu giá, lại nói lên thực trạng đáng buồn của mỹ thuật Việt Nam. Tranh giả, tranh nhái đã cản bước các nhà sưu tập trong nước sở hữu tác phẩm của các danh họa. Cũng có thể vì điều này, nhiều nhà sưu tầm Việt đã lựa chọn việc ra nước ngoài để mua tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam. Đơn giản, độ tin cậy cao hơn, lại có giấy chứng nhận tranh thật đàng hoàng. Dẫu sao, khoản đầu tư cho mua tranh không hề nhỏ nên ai cũng có tâm lý chắc ăn. Thế nên, một số phiên đấu giá vừa qua đã xuất hiện tình trạng tranh của danh họa thì ế, còn tranh của các họa sĩ ít tên tuổi hơn lại có người mua - chung quy lại cũng chỉ vì hai chữ “nghi ngờ”. 

“Gần như không có họa sĩ nổi tiếng nào mà không có tranh giả. Mà lòng tham của con người thì vô cùng. Một họa sĩ Việt Nam vẽ đề tài dung dị mà đẹp như Bùi Xuân Phái thì chắc chắn sẽ có nhiều tranh giả. Với tư cách nhà đấu giá, chúng tôi đã làm hết khả năng. Chúng tôi đã công bố rất rõ tên tuổi của nhà sưu tầm. Những thẩm định chỉ có thể dựa trên nguồn gốc của tranh và kinh nghiệm. Còn để khẳng định có phải là tranh thật của Bùi Xuân Phái hay không thì chỉ cụ Bùi Xuân Phái sống lại mới khẳng định được”.

Ông Nguyễn Quốc Hùng (Giám đốc nhà đấu giá Chọn)