Vì sao lệnh cấm bị phản ứng?

ANTD.VN - Tuần qua, thông tin bài hát “Màu hoa đỏ”, một nhạc phẩm cách mạng của cố nhạc sĩ Thuận Yến bị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang cấm lưu hành ở các quán karaoke đã gây phản ứng dữ dội trong dư luận. 

Trong công văn hồi đầu tháng 2 vừa qua, Sở này đã đề nghị phòng văn hóa thông tin các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh thông báo cho các sở kinh doanh karaoke trên địa bàn quản lý yêu cầu trong thời hạn 30 ngày phải gỡ bỏ ngay các bài hát chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung.

Công văn này gửi kèm danh mục 354 bài hát, trong đó có nhiều bài hát đã được cấp phép và phổ biến rộng rãi. Điều đáng nói là bài hát “Màu hoa đỏ” của nhạc sĩ Thuận Yến phổ thơ Nguyễn Đức Mậu cũng nằm trong danh sách này.

Khi thông tin này được đưa ra,  dư luận đã đặt câu hỏi vì sao “Màu hoa đỏ” lại bị cấm lưu hành. Bởi  ca khúc “Màu hoa đỏ” đã từ lâu đi vào lòng công chúng yêu nhạc và là một ca khúc cách mạng từng được tôn vinh với nhiều giải thưởng lớn.

Không lý luận nào có thể giải thích được, cho đến khi Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Tiền Giang chính thức có văn bản giải trình trước yêu cầu của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Theo đó, Sở này thừa nhận “do chủ quan trong việc sử dụng từ ngữ chưa rõ, gây hiểu lầm về việc cấm lưu hành bài hát “Màu hoa đỏ”.

Trả lời báo chí, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Tiền Giang giải thích, khi ban hành công văn, bộ phận tham mưu của Sở đã không nói rõ vi phạm trong ca khúc “Màu hoa đỏ” là vi phạm về nội dung hình ảnh minh họa trong video.

Ồ, hóa ra là thế. Nghĩa là thay vì yêu cầu các quán karaoke gỡ bỏ các hình ảnh video thì Sở này lại đưa ra quyết định gỡ bỏ luôn cả ca khúc dẫn đến sự hiểu lầm là ca khúc này bị cấm. Một sự cẩu thả khó chấp nhận. Thôi thì, như ca sĩ Thanh Lam - con gái của nhạc sỹ Thuận Yến từng chia sẻ trên trang cá nhân: “Con biết như lúc còn sống, ba sẽ cười điềm nhiên rồi nói “sai nhiều, đúng được bao nhiêu” để bỏ qua cho mọi sự vô minh... Con cũng đồng ý với ba!'”. 

Dư luận đành thở dài bỏ qua cho cái quyết định cẩu thả. Nhưng sau việc này, những cán bộ làm công tác quản lý văn hóa cần rút kinh nghiệm vì việc ban hành một quyết định hành chính không bao giờ là chuyện nhỏ.